Theo Cục Thú y, dịch tả lợn châu Phi bùng phát là do địa phương báo cáo không đúng, không đủ, còn tình trạng “mơ mơ, màng màng”; nhiều địa phương không sử dụng vắc-xin để dịch bệnh xảy ra…

cuc thu y lo dia phuong bao cao mo mo mang mang ve ta lon chau phi
Thanh Hóa bắt giữ và tiêu hủy hàng trăm con lợn mắc dịch tả lợn châu Phi, hồi năm 2019. (Ảnh: dms.gov.vn)

Ngày 3/11, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024.

Ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), cho biết từ đầu năm 2023 đến nay, Việt Nam đã xảy ra 481 ổ dịch dịch tả lợn Châu Phi tại 42 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy trên 18.000 con lợn.

Nhiều tỉnh dịch bệnh trầm trọng và dai dẳng như Lạng Sơn, Sơn La, Cao Bằng, Đắk Lắk… Hiện còn 107 xã ở 23 tỉnh có dịch chưa qua 21 ngày.

Bệnh cúm gia cầm phát sinh 19 ổ dịch (cúm A/H5N1) tại 16 huyện, thị xã của 11 tỉnh, với tổng số gia cầm mắc bệnh, chết, tiêu hủy gần 36.000 con.

Bệnh lở mồm long móng cả nước phát sinh 22 ổ dịch type O tại 15 huyện, thị của 11 tỉnh, thành phố với số gia súc mắc bệnh 760 con, số gia súc bị tiêu hủy là 26 con.

Bệnh viêm da nổi cục phát sinh 100 ổ dịch tại 15 tỉnh, thành phố, số gia súc mắc bệnh là 468 con, tiêu hủy 95 con trâu, bò.

Bệnh tai xanh với 5 ổ dịch phát sinh, số lợn chết, tiêu hủy 542 con. Bệnh nhiệt thán xuất hiện 5 ổ dịch làm 32 con trâu, bò mắc bệnh và buộc phải tiêu hủy…

Ông Minh nhận định nguy cơ dịch tả lợn châu Phi tái phát và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao do chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ lớn, không đảm bảo các yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.

Đặc biệt, việc buôn bán, vận chuyển lợn, giết mổ lợn bệnh, cũng như tình trạng không báo cáo theo đúng quy định còn diễn ra nhức nhối ở một số địa phương, doanh nghiệp và người chăn nuôi…

Theo Cục Thú y, đến nay Bộ NN&PTNT đã có văn bản cho phép sử dụng vắc-xin dịch tả lợn châu Phi từ tháng 7/2023 nhưng số lượng sử dụng còn hạn chế do một số địa phương, chủ nuôi lợn chưa thực sự quan tâm, còn tâm lý e ngại chưa tiêm cho đàn lợn.

Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, nói hiện có không ít địa phương báo cáo không đúng, không đủ về tình hình dịch tả lợn châu Phi, còn tình trạng “mơ mơ, màng màng”.

Theo ông Long, nếu các địa phương tổng hợp, nắm tình hình dịch bệnh không sát thì không thể phòng chống hiệu quả được. Cục Thú y đã cảnh báo rất nhiều loại virus mầm bệnh nguy hiểm lưu hành và khuyến cáo sử dụng vắc-xin rất cụ thể nhưng nhiều địa phương không sử dụng để dịch bệnh xảy ra, nhất là dịch tả lợn châu Phi.

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2019 bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện và bùng phát tại Việt Nam. Riêng năm 2019, cả nước có trên 8.500 ổ dịch, tổng số heo phải tiêu hủy gần 6 triệu con, gây thiệt hại trên 13.200 tỷ đồng. Năm 2020, phải tiêu hủy gần 90.000 con.

Năm 2021, dịch bệnh tiếp tục xảy ra và phải tiêu hủy gần 300.000 con, năm 2022 khoảng 60.000 con, từ đầu năm 2023 đến nay khoảng 15.000 con.

Thủ tướng đã ban hành chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi trong các năm 2019, 2020. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến cuối năm 2022 chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi nên người chăn nuôi chưa nhận được hỗ trợ.

Minh Long