Nói về việc “dừng 2 gói thầu số hóa…” gây thiệt hại hơn 26 tỷ đồng tại phiên tòa chiều 27/12, cựu giám đốc Sở KH&ĐT TP. Hà Nội, ông Nguyễn Văn Tứ cho rằng ông Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch Hà Nội “chỉ đạo quyết liệt” yêu cầu dừng nên phải làm theo. “Thời điểm đương chức, năm 2016, ông Chung như một ông trời”, ông Tứ vừa nói đến đây thì bị chủ tọa ngắt lời vì cho rằng “khai lan man”.

phien toa so kh dt ha noi
Các bị cáo tại phiên tòa ngày 27/12. (Ảnh: nguoiduatin.vn)

Việc dừng thầu là làm theo chỉ đạo quyết liệt từ ông Nguyễn Đức Chung

Ngày 27/12, TAND TP. Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Sở KH&ĐT TP. Hà Nội và một số đơn vị liên quan.

Theo cáo trạng, từ năm 2016 đến cuối năm 2018, Sở KH&ĐT TP. Hà Nội làm chủ đầu tư thực hiện 2 gói thầu “Số hóa hồ sơ đăng ký kinh doanh tại TP. Hà Nội” năm 2016, 2017, tương ứng với 2 hợp đồng kinh tế được ký kết với Liên danh Nhật Cường – Đông Kinh. Hiện Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường Bùi Quang Huy đang bỏ trốn.

Quá trình thực hiện, các bị can Nguyễn Văn Tứ, cựu Giám đốc Sở KH&ĐT cùng các đồng phạm đã thực hiện theo chỉ đạo của ông Nguyễn Đức Chung, cựu chủ tịch Hà Nội để “dừng gói thầu…”, gây thiệt hại hơn 26 tỷ đồng.

“Việc dừng này không phải theo mong muốn, ý chí của Sở KH&ĐT, và của cá nhân tôi”, ông Tứ nói lớn tại phiên tòa chiều 27/12.

Ông Tứ giải thích ông nhận được 3 cuộc gọi từ ông Chung “chỉ đạo rất quyết liệt” yêu cầu dừng thầu vì ông Chung cho rằng quá trình đấu thầu, Sở “đã làm một số công việc chưa đúng quy định và yêu cầu đưa công nghệ mới vào gói thầu số hóa này”.

Theo ông Tứ, trước giờ mở thầu, Sở “hoàn toàn làm đúng quy định và đủ điều kiện mở thầu”. Tuy nhiên, “ông Chung là Trưởng ban chỉ đạo công nghệ thông tin thành phố, tôi lại là cấp dưới, nên trước sự chỉ đạo quyết liệt từ ông Chung, tôi thấy rằng không còn cách nào nên phải dừng thầu. Việc dừng thầu không phải ý chí mong muốn của chúng tôi”.

“Bản thân bị cáo tại thời điểm đó nhận thấy dừng không đúng, song cho rằng không có nguy cơ gây thiệt hại. Nếu biết có thiệt hại như kết luận điều tra và cáo trạng bị cáo không bao giờ dừng”, ông Tứ nói thêm.

“Tại thời điểm này, chúng ta đều thấy bị cáo Chung là người vướng hết vụ án nọ đến vụ án kia nhưng phải nhớ rằng năm 2016, bị cáo Chung ở TP. Hà Nội này như là một ông trời”, ông Tứ vừa nói đến đây thì bị chủ tọa ngắt lời vì cho rằng “khai lan man”.

Vụ Nhật Cường: Ông Nguyễn Đức Chung ‘biếu’ 10.000 USD cho cán bộ Bộ Công an

Nhận 300 triệu đồng “quà Tết” từ ông chủ Nhật Cường

“Kết quả đấu thầu lại, công ty nào trúng thầu?”, chủ toạ thẩm vấn tiếp. Ông Tứ cho hay chỉ sau khi đấu thầu xong thì biết liên danh Nhật Cường – Đông Kinh trúng thầu.

“Có việc Bùi Quang Huy đến biếu rượu tiền không?”, chủ toạ hỏi trực tiếp. Ông Tứ phân trần trước Tết Nguyên đán 2017, ông Huy đến phòng làm việc của bị cáo chúc Tết, và nói “năm nay làm ăn được, trong đó trúng gói thầu của Sở nên biếu quà cho bị cáo”.

“Tôi nói luôn không nhận phần trăm mà chỉ bảo yêu cầu nhà thầu làm tốt gói thầu. Bùi Quang Huy nói đây là quà biếu Tết, không liên quan gói thầu nên tôi nhận. Sau này tôi về xem thì biết trong gói quà có 300 triệu và chai rượu”.

“Sau khi khởi tố vụ án, bị cáo nghĩ rằng Huy không hẳn vô tư đến gặp bị cáo mà có thể do bị cáo thực hiện theo chỉ đạo của bị cáo Chung để Nhật Cường trúng thầu nên mới đến cảm ơn. Bị cáo thấy không nên nhận số tiền trên nên đã tự giác khai báo trong quá trình điều tra”, bị cáo Tứ khai.

Được biết, đến nay, ông Tứ đã nộp lại 300 triệu đồng.

Phạm Toàn

Xem thêm:

Đang bị xử vụ Redoxy-3C, ông Chung lại sắp hầu tòa vụ Nhật Cường thiệt hại hơn 26 tỷ đồng