Một bờ taluy cao 30 m, dài 20 m trên đường Hoàng Hoa Thám, TP Đà Lạt, đổ sập vào rạng sáng 29/6. 7 người gặp nạn, trong đó 5 nạn nhân mắc kẹt trong nhà được cứu, 2 công nhân bị vùi lấp, tử vong.

da lat sat lo be gay biet thu vui lap song 2 cong nhan
Đoạn taluy cao 30m, dài 20m trượt đổ sập xuống dưới, làm sập hoàn toàn một căn nhà, kéo gãy nhiều căn nhà khác. (Ảnh: Người dân ghi lại/Hoàng Anh/Facebook)

Khoảng 3 giờ sáng 29/6, trong cơn mưa lớn, bờ taluy trên đường hẻm Hoàng Hoa Thám, phường 10, TP Đà Lạt bất ngờ đổ sập. Người dân sống gần khu vực trên cho biết khi đang ngủ thì nghe tiếng sạt rào rất lớn, sau đó điện bị cắt.

Hình ảnh hiện trường vụ sạt lở vào sáng 29/6. (Nguồn: Người dân ghi lại/Đà Lạt – Lâm Đồng/Facebook)

Sáng ra, hiện trường là một đoạn taluy cao khoảng 30m, dài 20 m đã đổ ập. Đất đá kéo sập hoàn toàn một ngôi nhà hai tầng, một lán trại có công nhân đang ngủ bị vùi lấp.

Phía dưới bờ taluy, 1 căn biệt thự có diện tích khoảng 400 m2 bị bẻ gãy, đổ nghiêng, 2 căn nhà khác bị ảnh hưởng.

da lat sat lo be gay biet thu vui lap song 2 cong nhan 0
Họa sĩ Hoàng Anh, người sống gần khu vực sạt lở viết trên mạng xã hội: “Mình đã cảnh báo hậu quả của việc cấp phép xây dựng cao tầng sai yếu tố địa phương là hệ quả như thế này đây”. (Ảnh: Người dân ghi lại/Hoàng Anh/Facebook)

Tính đến 8h sáng 29/6, ít nhất 2 người mất tích. Đây là hai vợ chồng trong nhóm thợ hơn 10 người cùng quê Phú Yên đến Đà Lạt làm công nhân xây dựng. Vào đêm trước khi xảy ra sạt lở, hai nạn nhân ngủ trong lán trại để trông công trình. Những người khác ngủ tại công trình bên cạnh nên thoát nạn.

5 nạn nhân khác mắc kẹt trong căn nhà 4 tầng. Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Lâm Đồng chia làm nhiều tổ, dùng kích thủy lực, cây thép chống để căn nhà không sập, bơm oxy cho nạn nhân, đục tường.

Tới 5h sáng, 5 người được cứu thoát ra ngoài, trong đó, hai người sức khỏe ổn định, ba người được đưa đến bệnh viện.

Cảnh cứu người bị mắc kẹt trong căn nhà đổ sập trong vụ sạt lở, sáng 29/6. (Nguồn: Tuổi trẻ PCCC và CNCH tỉnh Lâm Đồng/Facebook)

Trên trang Facebook cá nhân, TS Nguyễn Ngọc Huy – Chuyên gia biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai cho hay qua hình ảnh hiện trường vụ sạt lở có thể thấy hoặc chủ đầu tư “quá tham”, hoặc tư vấn thiết kế xây dựng “quá kém”.

“Với nền đất đỏ bazan vốn dĩ rất mềm và tơi xốp mà xây dựng các công trình cao 4-5 tầng cheo leo bám vào vách taluy cao 30 m thì sớm muộn gì sức đè của công trình cũng sẽ khiến nơi đây bị sạt lở”, ông Huy đưa ra ý kiến. Theo ông Huy, với các công trình này, chủ đầu tư cần phải khoan cọc nhồi sâu tới tầng đá vỉa thì may ra công trình mới trụ được.

Trước thông tin vụ sạt lở xảy ra sau cơn mưa lớn kéo dài liên tục 3 giờ vào chiều tối 28/6, ông Huy nhận định vụ sạt lở là hệ quả kéo dài của quy hoạch đô thị, chứ không chỉ có nguyên nhân tự nhiên. “Đừng đổ lỗi cho trời mưa lớn vì vùng Đà Lạt, Lâm Đồng vốn dĩ nhiều mưa trong mùa này. Hãy nhường không gian cho tự nhiên tự vận hành theo quy luật của nó. Cãi thiên nhiên ắt sẽ nhận thiệt hại về mình”, ông Huy viết.

Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên cho biết những ngày qua Đà Lạt mưa nhiều, một số nơi lượng nước đạt 60 mm/giờ, đất ứ đọng nước. Ở những sườn đồi dốc, nền đất không kiên cố bị sạt lở.

Nguyễn Quân