1/3 diện tích của tỉnh Đắk Nông, hơn 1.000 dự án không triển khai được. Dự án mới triển khai được mấy năm mà tỉnh đã đã nợ dân 400 lô tái định cư.

dak nong 1 3 dia phuong vuong quy hoach bo
Đoàn công tác Bộ TN&MT kiểm tra thực tế tại khai trường khai thác bô xít ở xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông. (Ảnh: Chụp màn hình/video/baodaknong.vn)

Ngày 12/3, truyền thông trong nước đưa tin tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh, ông Lê Trọng Yên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết hiện trên toàn tỉnh mới có 1/9 mỏ bô xít được thăm dò, phê duyệt trữ lượng được cấp phép khai thác.

1/3 diện tích tỉnh Đắk Nông vướng quy hoạch bô xít

Hàng năm, có khoảng 100ha được địa phương giao để lấy quặng bô xít cho Nhà máy alumin Nhân Cơ với công suất 650.000 tấn/năm.

“Nếu chỉ cung cấp cho nhà máy này thì phải mất gần 400 năm mới khai thác, chế biến hết trữ lượng, tài nguyên bô xít tại tỉnh Đắk Nông.

Trong khi nhiều dự án phát triển kinh tế xã hội rất cần kíp lại không thể thực hiện do vướng quy hoạch bô xít, bởi 6/8 địa phương dính quy hoạch”, ông Yên nói tại cuộc họp.

Ông Hồ Văn Mười – Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông nói 1/3 diện tích của tỉnh, hơn 1.000 dự án không triển khai được, tỉnh nợ dân quá nhiều. Mới triển khai dự án mấy năm mà đã nợ 400 lô tái định cư.

Nếu còn triển khai đến 4-5 nhà máy thì tiếp dân khiếu kiện suốt ngày vì dân bị thu hồi đất không có nơi tái định cư, định canh. “Chúng tôi đề nghị Bộ TN&MT rà soát, đề xuất trung ương tính toán tháo gỡ khó khăn cho tỉnh”, ông Mười nói.

Nhà máy Alumin Nhân Cơ có nguy cơ đóng cửa?

Theo ông Mười, nhà máy alumin đã có hơn 300ha đất hoàn thổ rồi trồng keo, tràm xong thì để hoang, không hiệu quả.

“Tại sao không giao về địa phương để sử dụng, các anh giữ lại để hoang làm gì?

Nếu 300ha đất đó trả về địa phương thì chúng tôi thực hiện tái định cư cho dân ngay. Nhiều hội nghị chúng tôi chảy nước mắt vì bô xít có tiềm năng nhưng cản trở, gây khó cho dân.

Nếu Tập đoàn Than khoáng sản không giải quyết cho dân, sẽ có nguy cơ đóng cửa thời gian đến vì không có nguyên liệu”, ông Mười phân tích.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh cho biết Đắk Nông có lợi thế là ngồi trên tài sản quốc gia, trên một núi khoáng sản quý, tuy nhiên, muốn đụng vào cái gì cũng vướng bô xít cả.

Trong khi nếu triển khai các dự án theo quy hoạch bô xít cũng chỉ được một phần của tiềm năng.

Để gỡ vướng, ông Khánh chỉ đạo Cục Khoáng sản, địa chất cần về lại với địa phương, rà lại và đối chiếu quy hoạch bô xít, xem xét nhu cầu của tỉnh.

Sau đó, UBND tỉnh Đắk Nông cần có văn bản đề nghị cụ thể từng khu vực đưa ra khỏi quy hoạch. “Trong vòng 2 tháng, chúng ta phải có báo cáo để tôi làm việc với Phó thủ tướng Trần Hồng Hà”, ông Khánh đề nghị.

Về đề nghị điều chỉnh ĐTM, giấy phép môi trường của dự án alumin Nhân Cơ thì bộ sẽ phải làm việc rất kỹ với địa phương.

“Đất tốt như vậy chúng ta tự dưng lại trồng keo. Cần rà soát lại quy định nhằm thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ để trả đất sớm về cho địa phương cấp lại cho dân, kêu gọi dự án. Tôi sẽ kiểm tra, đôn đốc các cơ quan của bộ”, ông Khánh nói.

Hai dự án Tổ hợp bô xít – nhôm Lâm Đồng và dự án Alumin Nhân Cơ do Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) làm chủ đầu tư. Theo báo cáo thanh tra năm 2017, sau 3 năm, tức từ 10/2013 đến 30/9/2016, tổ hợp bô xít – nhôm Lâm Đồng đã lỗ tổng cộng 3.696 tỷ đồng, trong đó lỗ do hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 2.520 tỷ đồng, lỗ do chênh lệch tỷ giá khoảng 1.176 tỷ đồng.

Dự án Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ cũng liên tục điều chỉnh tăng vốn. Năm 2007, tổng mức đầu tư phê duyệt dự án là 3.285 tỷ đồng (tương đương 205,3 triệu USD), công suất 300.000 tấn/năm. Sau 2 lần điều chỉnh, đến năm 2014, tổng vốn đầu tư cho dự án tăng lên đến 16.821 tỷ đồng (tương đương 814,9 triệu USD), công suất 650.000 tấn/năm. Dự án bị chậm tiến độ 6 năm (tiến độ hoàn thành ban đầu là năm 2010), chạy thử vào cuối năm 2016, đến quý 1/2017 mới bắt đầu vận hành thương mại. Theo báo cáo tài chính, tính đến hết tháng 9/2016, TKV đã rót tổng cộng 14.310 tỷ đồng vào dự án này.

Không chỉ chậm tiến độ, đội vốn và báo lỗ nhiều năm, các dự án trên cũng từng xảy ra sự cố gây ô nhiễm môi trường. Có nhiều dấu hiệu ẩn chứa rủi ro từ dự án, gây hiểm họa đầu độc đất, nước trên diện rộng.

Gần đây nhất, ngày 9/9, tại tỉnh Đắk Nông, sau khi mưa lớn, nước có màu nâu đỏ kèm theo bùn đất từ hồ chứa bùn thải sau khi rửa quặng bô xít nguyên khai chảy tràn ra suối Đắk Ker và cánh đồng thôn Quảng Trung, xã Nghĩa Thắng, huyện Đắk R’lấp.

Trong bùn thải sau khi rửa quặng bô xít chứa một số kim loại nặng, độc hại như mangan, arsenic, chất thừa thải của caustic… Đặc biệt caustic (xút) gây độc hại khi tiếp xúc qua da, gây bỏng, khi hít phải gây phá hủy màng niêm mạc và đường hô hấp, độc hại khi nhiễm qua đường tiêu hóa; gây ô nhiễm môi trường nước.

Khánh Vy (t/h)