Theo ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM), về hệ thống điều trị, “đây là phép thử để chúng ta nhìn lại năng lực điều trị thực sự của chúng ta như thế nào?” “Chỉ một cơn dịch qua thôi là tan tác hết”.

pham khanh phong lan
ĐB Phạm Khánh Phong Lan. (Ảnh: vov.vn)

Tại phiên thảo luận kinh tế – xã hội sáng 8/11, nói về bài học trong phòng dịch COVID-19, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM), cho rằng cần có những chính sách cụ thể để nâng cao năng lực “hệ thống y tế dự phòng cấp cơ sở”.

“Nhiều địa phương chưa thực hiện việc dành 30% ngân sách cho y tế dự phòng. Số địa phương thực hiện được điều này, chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Chưa kể, số ngân sách này cũng chưa đáng kể nếu so với nhu cầu của người dân”, bà Lan nói.

“Tôi nói thật, chính sách của chúng ta như chắp vá, tức là suốt ngày thay đổi về tổ chức… Thí dụ cách đây mười mấy năm, từ các trung tâm y tế của các quận huyện chúng ta chia ra thành 3 phần là bệnh viện, trung tâm y tế và phòng y tế. “Đã yếu nhưng còn chia ra”.

Chúng ta có cái gì? Chúng ta có một cái bệnh viện chưa đến mức là bệnh viện, chúng ta có trung tâm y tế dự phòng què quặt và chúng ta có phòng y tế chỉ làm được công tác hành chính…

Còn hiện nay, ngay cả tại TP.HCM, tất cả trung tâm y tế dự phòng và các bệnh viện thuộc quận, huyện lại trực thuộc Sở Y tế. Như vậy, UBND của các địa phương sẽ rất khó khăn trong việc điều phối lực lượng và thực sự đơn vị phụ trách công tác y tế ở địa phương chính là phòng y tế, trong khi phòng y tế chỉ làm chức năng quản lý Nhà nước”.

Cũng theo bà Lan, về hệ thống điều trị, “đây là phép thử để chúng ta nhìn lại năng lực điều trị thực sự của chúng ta như thế nào?”

“Chỉ một cơn dịch qua thôi là tan tác hết”, bà nói.

Ngành y tế thời gian qua tập trung phòng dịch COVID-19 còn không đủ nữa, trong khi còn các bệnh khác. Các bệnh viện chưa được chuẩn bị về cơ sở pháp lý, kiến thức cần thiết, vật tư y tế thuốc, cơ chế tài chính.

Việc phân chia ngân sách nhà nước và bảo hiểm trong điều trị COVID chưa rõ ràng nên các bệnh viện chưa rõ trong thanh toán.

“Việc xét nghiệm nếu phân công rạch ròi để cho bảo hiểm làm việc đó cùng với cơ chế đấu thầu lựa chọn giá tốt nhất thì không có tình trạng loạn giá xét nghiệm như vừa qua”, theo bà Lan.

“Chúng ta đã thực sự ưu tiên cho y tế hay chưa?”, bà Lan đặt câu hỏi.

Bộ Y tế Việt Nam cho biết tính từ đầu dịch đến ngày 7/11, Việt Nam có 968.684 ca nhiễm. Tổng số ca tử vong là 22.531 ca.

Hoàng Minh

Xem thêm:

Bình Dương thu giữ hơn 19.800 viên thuốc điều trị COVID-19 nhập lậu từ Trung Quốc