Đề xuất đổi “thẻ căn cước” của Chính phủ nếu được thông qua, thì “trong 8 năm sẽ đổi thẻ căn cước công dân 3 lần, sẽ tạo dư luận không tốt về công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội và quản lý nhà nước”.

nguyen thi hong hanh the can cuoc cong dan scaled
Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh thuộc đoàn ĐBQH TP.HCM. (Ảnh: quochoi.vn)

Phát ngôn trên do đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, nói tại nghị trường quốc hội vào chiều ngày 22/6, liên quan đến Luật căn cước công dân sửa đổi, trong đó có việc đổi “thẻ căn cước công dân” thành “thẻ căn cước”.

Bà Hạnh cho biết năm 1976, theo Quyết định 143 của Hội đồng Bộ trưởng thì công dân Việt Nam được cấp thẻ căn cước.

Năm 1999, theo Nghị định 05, thẻ căn cước đổi thành chứng minh nhân dân. Năm 2016, theo Luật căn cước công dân, chứng minh nhân dân lại đổi thành thẻ căn cước công dân. Năm 2021, theo Thông tư 06 của Bộ Công an thẻ căn cước công dân lại đổi sang thẻ căn cước công dân gắn chip.

Nếu dự Luật này được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1/7/2024 thì thẻ căn cước công dân tiếp tục đổi thành thẻ căn cước.

Như vậy trong vòng 8 năm, Việt Nam đã 3 lần đổi thẻ căn cước công dân. “Việc thay đổi thẻ nhiều lần là tạo dư luận không tốt về xây dựng pháp luật của Quốc hội và quản lý nhà nước”, bà Hạnh nói.

Bà Hạnh cũng cho rằng 31.000 người gốc Việt đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa có quốc tịch theo dự thảo chỉ cần cấp giấy chứng nhận căn cước, không phải thẻ căn cước, do đó không ảnh hưởng gì tới việc thay đổi tên thẻ căn cước công dân.

“Tôi nhận thấy đây là vấn đề có tác động rất lớn, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ việc đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước”, bà Hạnh nêu.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn TP. Hà Nội) cũng cho rằng không nên đổi tên luật căn cước công dân cũng như đổi tên thẻ căn cước công dân.

“Rất mong muốn giữ tên là luật căn cước công dân. Về mặt hình thức tên luật như vậy cũng không dài, với năm chữ như vậy rất đẹp, đầy đủ và rất trong sáng”, ông Trí nói.

Về nội dung thể hiện trên thẻ, ông Trí cho rằng nội dung quan trọng là dãy số trên thẻ. “Cũng đề nghị khuôn mặt công dân trên thẻ, công an chụp thế nào đó cho đúng và đẹp”, ông Trí nêu kiến nghị.

Đối với đề xuất đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước, ông Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, cho hay lịch sử căn cước công dân ở Việt Nam trải qua từ thời Pháp thuộc đến nay, trong đó một số thời kỳ chỉ ghi tên thẻ căn cước, thẻ công dân hay giấy chứng minh.

Đồng thời, nhiều loại giấy tờ hiện nay đang lưu hành cũng không có từ công dân như hộ chiếu, bảo hiểm… Cùng với đó, trên thế giới, nhiều nước cũng chỉ ghi là căn cước hay căn cước quốc gia… còn tỷ lệ ghi căn cước công dân rất ít.

Do đó, dự luật đã đề xuất đổi tên căn cước công dân thành thẻ căn cước. “Việc thay đổi tên này không ảnh hưởng đến đến kinh tế, chính trị cũng như các văn bản pháp lý của Nhà nước; đồng thời giúp ngắn gọn, tiết kiệm và hoàn thiện thẻ căn cước hơn”, ông Tấn nói, theo báo Tuổi Trẻ.

Bên cạnh đó, nhiều nước trên thế giới hiện nay đều có một thẻ căn cước cho người dân nước mình có quốc tịch; thêm vào đó với những người dạng con lai hoặc không rõ quốc tịch cũng được cấp thẻ căn cước nhưng khác màu, khác nội dung.

Ngoài ra, với người nước ngoài cư trú cũng được cấp căn cước với một màu khác nữa. Như vậy, từ thẻ căn cước không chỉ có ý nghĩa quốc gia mà còn mang tính rộng lớn, hòa đồng quốc tế hơn.

Minh Long