Quyền, nghĩa vụ thu thập tài liệu, chứng cứ của tòa án trở thành chủ đề “nóng” cuốn cuộc thảo luận thành tranh luận giữa các đại biểu tại nghị trường Quốc hội về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), chiều 22/11. Quy định tòa án thu thập chứng cứ, hay chuyển trách nhiệm thu thập chứng cứ cho đương sự, đều gây nên nỗi lo ngại về phán quyết công bằng của phiên tòa.

chanh an tand toi cao nguyen hoa binh 1
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình tại phiên họp chiều 22/11/2023. (Ảnh: quochoi.vn)

Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) – Điều 15. Cung cấp chứng cứ và chứng minh trong vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự (sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 3, khoản 4 Điều 2 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014)

1. Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được các bên thu thập, cung cấp, giao nộp, làm rõ tại phiên tòa theo quy định của pháp luật tố tụng và kết quả tranh tụng tại phiên tòa để xét xử. Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ.

2. Tòa án hướng dẫn, yêu cầu đương sự thu thập chứng cứ và lập hồ sơ vụ việc dân sự, vụ án hành chính.

3. Tòa án hỗ trợ đương sự là người yếu thế trong xã hội thu thập chứng cứ trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo quy định của pháp luật.

4. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ theo quy định của pháp luật cho đương sự khi có yêu cầu.

Luật hiện hành – Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 – quy định: Tòa án kiểm tra, xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, lĩnh vực bao gồm dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính và thực hiện các quyền hạn khác theo quy định của luật tố tụng.

Cuộc tranh luận về thay đổi chủ thể cung cấp chứng cứ trong vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự tại nghị trường chiều 22/11 xoay quanh 2 luồng quan điểm.

Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) cho rằng nếu chỉ yêu cầu, hướng dẫn đương sự cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến các vụ việc hành chính, dân sự thì đây là gánh nặng cho người dân trong việc thu thập tài liệu, nhất là các tài liệu liên quan đến các vụ việc hành chính, các tài liệu liên quan đến vụ việc dân sự. Sẽ có nhiều vụ việc đương sự cung cấp không đầy đủ tài liệu, chứng cứ, nhất là các tại liệu thuộc các cơ quan quản lý, dẫn đến kết quả xét xử sẽ bị sai lệch.

Ông Hải cho rằng nên quy định có trách nhiệm của đương sự và trách nhiệm của Toà án trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ vụ việc hành chính, dân sự.

Móc nối vấn đề, ông Hải đề nghị làm rõ thêm về quy định lựa chọn ngẫu nhiên thẩm phán. “Cơ chế để thực hiện phân công ngẫu nhiên như thế nào? Phương thức, cách thức thực hiện phân công ngẫu nhiên? Yêu cầu nào để đảm bảo được thực hiện nguyên tắc vô tư, khách quan trong phân công xét xử. Phân công ngẫu nhiên sẽ xảy ra có trường hợp vụ án khó mà giao cho thẩm phán, hội thẩm năng lực hạn chế thì sẽ không thể có chất lượng xét xử tốt được” – ông Hải cho hay, đề nghị nên quy định căn cứ vào tính chất vụ án, năng lực của thẩm phán, hội thẩm để Chánh án phân công.

Nêu quan điểm trái ngược, đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội) nhất trí với quy định mới, cho rằng Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ phù hợp với thực tiễn và xu thế hiện nay, phù hợp với các nguyên tắc pháp luật và các quy định về tố tụng hiện hành.

Bên cạnh đó, tòa án thu thập tài liệu cho đương sự vô hình chung đã làm thay cho việc đương sự khiến họ trông chờ vào toán, lâu dài dẫn đến tình trạng quá tải trong công việc. Việc đương sự tự thu thập, giao nộp chứng cứ phù hợp với thông lệ quốc tế hiện nay. Một số nước tiên tiến trên thế giới hiện nay đã đề cao vai trò bên nhân sự trong việc chứng minh sự việc.

Tuy nhiên, ông Chính đề nghị bổ sung Tòa án hỗ trợ đương sự trong việc xác minh, thu thập tài liệu do các cơ quan nhà nước, tổ chức đang lưu giữ, quản lý hồ sơ do trong thực tiễn, có một số trường hợp khi Tòa án yêu cầu thu thập, giao nộp tài liệu liên quan đến một số cơ quan nhà nước và tổ chức còn gặp nhiều khó khăn, nếu để đương sự tự mình thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến cơ quan, tổ chức này thì sẽ gặp khó khăn hơn nữa.

Được trao “quyền” thu thập chứng cứ – dân có kêu oan được không?

Giơ bảng tranh luận, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH TP.HCM) phân tích vì sao đặt vấn đề Tòa án nhân dân thực hiện thu thập chứng cứ, vì Việt Nam theo hệ dân luật, trong hệ dân luật, Tòa và thẩm phán chủ trì trong việc đánh giá xem xét và cần thiết thì thu thập chứng cứ.

Hơn nữa, tên gọi Tòa án nhân dân có ở Việt Nam, trong khi ở các nước không có tên là Tòa án Nhân dân; điều kiện của Việt Nam có sự chênh lệch về khoảng cách giàu nghèo, khoảng cách về dân trí, về văn hóa, giữa thành thị và nông thôn. Do đó rất nhiều người dân không có điều kiện tranh tụng một cách đầy đủ và do những khoảng cách ấy, nếu khoán cho các bên sẽ rất thiệt thòi cho những người yếu thế.

“Người dân tìm đến tòa là tìm đến “ông Bao Công”. Bây giờ lại giả định “ông Bao Công” làm việc đó là “ông Bao Công” không khách quan. Pháp đình mà lại giả định là không khách quan! Chỉ có tòa mới ra lệnh được là ngân hàng cung cấp thông tin này, cơ quan nhà nước cung cấp thông tin kia cho tòa, để tòa có chứng cứ khách quan toàn bộ sự thật vụ án đó, từ đó tòa ra một phán quyết công bằng, hợp lý cho tất cả các bên.

Chúng ta sửa luật là để thuận lợi hơn cho người dân, để người dân bảo vệ quyền lợi của mình tốt hơn hay để thuận lợi hơn cho tòa án? Nếu để thuận lợi hơn cho người dân thì không nên bỏ thẩm quyền này, trách nhiệm này của tòa án”.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thanh Sang (Đoàn ĐBQH TP.HCM) phát biểu tranh luận quy định “Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ” tại khoản 1 Điều 15 của dự luật là “không còn phù hợp với thực tiễn hiện nay”.

Ông Sang nêu 4 lý do: Thứ nhất, điều kiện kinh tế – xã hội nước ta chưa cho phép điều này.

Thứ hai, trình độ dân trí, ý thức pháp luật và hiểu biết pháp luật, nhất là người lao động hiện nay còn nhiều hạn chế.

Thứ ba, cơ chế luật sư, người bào chữa chưa đáp ứng hết yêu cầu của người dân. Theo báo cáo của Tòa án, hiện nay chỉ có 8,15% các vụ có người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi

Thứ tư, việc để người dân tự thu thập chứng cứ trong các vụ việc dân sự, vụ án hành chính, đặc biệt là thu thập chứng cứ từ cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, cá nhân, là một thách thức với người dân, vì người dân không đủ điều kiện, năng lực, cơ chế yêu cầu cơ quan nhà nước.

“Tòa là cơ quan quyền lực mà thu thập chứng cứ còn khó khăn, huống hồ chi… bây giờ giao cho người dân. Người dân có cơ chế đâu? Yêu cầu phòng quản lý chính trị, phòng tài nguyên môi trường cung cấp một loại giấy tờ để chứng minh quyền sở hữu được không – Tôi trả lời là không!” – ông Sang nói.

Ông Sang khẳng định hiện tại chưa có cơ chế để người dân tự thu thập chứng cứ, và cơ quan Nhà nước sẽ không tự cung cấp chứng cứ nếu không có cơ quan Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu. “Trong vụ án hành chính, người dân đi kiện cơ quan Nhà nước thì việc thu thập chứng cứ càng khó hơn. Thông qua các vụ án toà tạm đình chỉ để trả lời càng thể hiện rõ điều đó.”, ông Sang dẫn minh chứng.

Bác ý kiến của đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Mai Khanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) nói: “Rất khó để đưa thẩm phán ngày nay để so với Bao Công ngày xưa”.

Ông Khanh cho rằng việc quy định cho Tòa án thu thập chứng cứ từ Pháp lệnh năm 1989 đến nay là một tồn tại chưa giải quyết được.

“Khi các đương sự gửi đơn đến Tòa án, tôi không dám khẳng định nhưng gần 100% việc thập chứng cứ là dựa vào Tòa án. Chính vì thế nảy sinh ra một số hệ luỵ như nghi ngờ việc thu thập chứng cứ của thẩm phán” – ông Khanh nói.

Theo ông Khanh, việc để tòa án thu thập chứng cứ còn khiến ý thức pháp luật đình trệ. “Cá nhân và tổ chức “quên mất” nghĩa vụ cung cấp chứng cứ đã được thể chế trong rất nhiều văn bản của pháp luật cũng như đã được quy định trong rất nhiều các thiết chế của cơ quan nhà nước” – ông Khanh nhận định.

Đại biểu Lê Thanh Phong (Đoàn ĐBQH TP.HCM) lưu ý trên thực tế, trong quá trình xét xử Tòa án cũng dựa trên các chứng cứ của các bên đương sự thu thập để đi thẩm tra, xác minh, đánh giá chứng cứ của các bên đương sự cung cấp, lời bào chữa của luật sư… Đây là nhiệm vụ xuyên suốt của thẩm phán, hội đồng xét xử và không thể nhầm lẫn là tòa thu thập chứng cứ.

Trước hai luồng ý kiến đối ngược, đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) cho rằng một bên tiếp cận và lập luận như đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu ra, trong điều kiện hiện nay thì hợp lý. Song, xét về mặt bản chất, đại biểu Mai Khanh nêu ý kiến của Ban soạn thảo để tăng cường tính tranh luận trong tranh tụng cũng có cơ sở.

Ông Vân nhận định quy định về Tòa án thực hiện thu thập chứng cứ là một trong 3 yếu tố cấu thành thực hiện quyền tư pháp, đề nghị ban soạn thảo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần tổ chức hội thảo chuyên sâu.

Gần hết phiên thảo luận, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nghiêng về quan điểm người dân cần tự thu thập chứng cứ, với lập luận rằng “người dân chờ đợi phán quyết công tâm, khách quan, công bằng, chứ không phải chờ đợi việc thu thập chứng cứ xong xét xử trên các chứng cứ do mình thu thập mà xem nhẹ các chứng cứ của các bên khác”.

Đồng thời, ông Bình cho biết sẽ chỉnh lý quy định theo hướng Tòa án hỗ trợ bằng các quyết định giao nộp chứng cứ mà các cơ quan Nhà nước và tổ chức cá nhân phải có nghĩa vụ cung cấp cho người dân. Nếu các bên không chấp hành lệnh của Tòa án, sẽ bị xử phạt theo Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành.

“Một năm, chúng tôi giải quyết 600.000 vụ án, chỉ có 6.000 thẩm phán. Người đâu mà đi thu thập chứng cứ cho 600.000 vụ án?”, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hỏi ngược lại.

Người dân chờ đợi phán quyết công tâm, khách quan, công bằng…

Tại Báo cáo về công tác của các Tòa án trước Quốc hội, vào sáng 21/11, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định “chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội.” đối với việc xét xử 94.161/96.084 vụ án hình sự, ra phán quyết đối với 176.040/182.717 bị cáo trong năm 2023.

Một tháng trước khi diễn ra Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá 15 (khai mạc ngày 23/10/2023, dự kiến kéo dài trong 23 – 25 ngày), tại thông báo của Cơ quan Thi hành Án Hình sự, Công an tỉnh Thanh Hóa gửi tới gia đình ông Mạnh vào ngày 23/9, cơ quan này thông báo bản án của ông Lê Văn Mạnh, phạm tội “giết người, hiếp dâm trẻ em, cướp tài sản” đã được thi hành hồi 7h ngày 22/9/2023, dựa trên Quyết định thi hành án tử ký từ 14/10/2015.

Ông Mạnh bị tử hình bằng thuốc độc. Tại thời điểm này, gia đình ông Mạnh vẫn tiếp tục hành trình 19 năm kêu oan cho ông.

Nguyễn Quân