Các nhà khảo cổ học vừa phát hiện di cốt người ở 3 mộ trẻ em và người trưởng thành có lịch sử cách ngày nay khoảng 10.000 năm trong đợt khai quật ở Hà Nam.

di cot nguoi nien dai 10 000 nam duoc phat hien tai ha nam
Có 3 mộ táng của trẻ em và người trưởng thành đã được tìm thấy tại đợt khai quật. (Ảnh: khaocohoc.gov.vn)

Ngày 2/11, ông Mai Thành Chung, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Hà Nam, đại diện nhóm nghiên cứu, công bố kết quả khai quật tại hang đội 4, vùng lõi quần thể danh thắng Tam Chúc (thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam).

Theo đó, tại hố khai quật H1 đã phát hiện 3 mộ táng của trẻ em và người trưởng thành.

Đây là dạng mộ cải táng và mộ song táng (người đàn ông đang ôm em bé) được chôn theo tư thế nằm co bó gối, có lịch sử cách ngày nay 10.000-12.000 năm trước Công nguyên, thuộc thời kỳ văn hóa Hòa Bình.

Bên cạnh đó, các nhà khảo cổ phát hiện di tích động vật bao gồm vỏ nhuyễn thể cùng với xương răng động vật được phát hiện với số lượng đáng kể qua diễn biến của các lớp đào.

Đa số di cốt động vật phát hiện trong hố khai quật đều là các loài thú nhỏ. Đây được xem là nguồn thức ăn quan trọng của cư dân cổ trong quá khứ.

Loại hình công cụ đá tại hố khai quật không lớn nhưng các đặc điểm về loại hình và kỹ thuật cho thấy sưu tập hiện vật đá ở đây thuộc văn hóa Hòa Bình.

Ngoài ra, vào tháng 3, Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Hà Nam và Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Tam Chúc phối hợp khảo sát tại Thung Na, thuộc tổ 8, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng.

Tại hang Thung Na 1 và mái đá Thung Na 3, các nhà khảo cổ đã phát hiện các dấu tích cổ sinh thời tiền sử và văn hóa vật chất của giai đoạn sơ sử. Đó là những phát hiện về hóa thạch động vật và những hiện vật như nhiều mảnh gốm vặn thừng, màu nâu đỏ thuộc nền văn hóa Đông Sơn.

Nhóm khảo sát cũng phát hiện một di tích giai đoạn tiền sơ sử trên đỉnh núi Lò Vôi gần khu vực Tam Quan ngoại chùa Tam Chúc. Trên đỉnh núi phát hiện nhiều vỏ nhuyễn thể biển cùng với ốc suối chặt đít.

Đáng chú ý, tại vị trí đỉnh núi với diện tích rộng khoảng 60m2 đã phát hiện các mảnh miệng và mảnh thân của các đồ gốm nằm cùng với nhuyễn thể biển và nước ngọt.

Kết quả khảo sát cho thấy, khu vực này tồn tại nhiều di tích có niên đại cuối thế Pleistocene tới Holocene muộn. Điều đó cho thấy rằng, Kim Bảng trong quá khứ là một địa vực khá thuận lợi và được cư dân cổ sử dụng và cư trú qua nhiều thời kỳ.

Minh Long