Bệnh nhi G.A.P. (13 tuổi, tộc H’Mông, ngụ tỉnh Đắk Nông) là ca tử vong thứ 2 trong số 24 trường hợp mắc bạch hầu được ghi nhận ở Việt Nam từ đầu năm đến nay, theo truyền thông trong nước đưa tin.

bach hau dak nong
Nhân viên y tế trong bộ đồ bảo hộ lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ có tiếp xúc gần với ca bệnh bạch hầu, tại Đắk Nông. (Ảnh: baodaknong.vn)

Theo Tuổi trẻ Online, chiều 3/7, TS.BS Phan Tứ Quí, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu trẻ em, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho biết bệnh nhi qua đời sau hơn một tuần điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TP.HCM).

Bệnh nhân P. nhập viện tại Bệnh viện đa khoa khu vực Tây Nguyên, khi sốt, ho, đau họng vào ngày thứ 4, ghi nhận chưa tiêm ngừa bạch hầu. Bệnh nhân được chẩn đoán bạch hầu ác tính, biến chứng viêm cơ tim, suy hô hấp.

Đến ngày thứ 6, bệnh nhân P. vẫn chưa được dùng huyết thanh kháng độc tố bạch hầu do thuốc khan hiếm, theo Vietnamnet.

Đến ngày thứ 7, các bác sĩ của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM lên Đắk Lắk hỗ trợ. Qua hội chẩn, các chuyên gia nhận định bệnh nhi mắc bạch hầu ác tính, biến chứng tim, rối loạn nhịp và suy giảm chức năng co bóp tim. Bệnh nhi được đặt máy tạo nhịp tim ngay trong đêm.

Sáng 26/6, tình trạng bệnh nhi tiếp tục diễn tiến xấu, các bác sĩ quyết định chuyển bệnh nhi về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM theo dõi, điều trị.

Một ngày trước khi mất (ngày 2/7), bệnh nhân tỉnh táo nhưng diễn tiến rối loạn nhịp tim, viêm cơ tim, suy tim lại nặng hơn, chức năng co bóp tim giảm, suy thận mức độ vừa, tỷ lệ tử vong lên đến 70-80%.

Trước tình trạng bệnh nhi liên tục chuyển biến xấu từ khi nhập viện, các bác sĩ nhận định bệnh nhi bị rối loạn nhịp, suy giảm chức năng co bóp tim, viêm cơ tim nặng, men tim tăng cao. Kết quả siêu âm tim cho thấy cơ tim nhão. Phân suất tống máu EF chỉ còn 40% (phân suất tống máu bình thường của người Việt Nam khoảng 63 ± 7%).

Ca tử vong trước vì bệnh bạch hầu cũng là một bệnh nhi, Sùng Thị H. (9 tuổi, tộc H’Mông, ngụ tỉnh Đắk Nông). Ngày 19/6, bệnh nhi được gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông trong tình trạng ho, đau họng, khó thở. Ngày 20/6, bệnh nhi được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, chẩn đoán bạch hầu ác tính biến chứng tim, thận. Bệnh nhân tử vong sau hơn 2 giờ nhập viện.

Tình hình bệnh dịch bạch hầu tại tỉnh Đắk Nông tiếp tục diễn biến xấu. Ngày hôm qua (2/7), tỉnh này ghi nhận thêm 3 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu tại 2 ổ dịch, trong đó huyện Krông Nô 2 ca, huyện Đắk Glong 1 ca.

Trước đó, theo thông tin từ ngành y tế tỉnh Đắk Nông, có 3 ổ dịch bệnh bạch hầu được ghi nhận trên địa bàn (tính đến chiều 24/6). Ổ dịch thứ nhất được phát hiện từ ngày 3-6/6, tại Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi Nhà May Mắn (thôn Đức Lập, xã Đắk Sôr, huyện Krông Nô) có 4 em nhỏ độ tuổi từ 9-15 xuất hiện các triệu chứng sốt, đau họng, biếng ăn, nôn ói, sau đó dương tính với virus bệnh bạch hầu.

Ổ dịch thứ hai được phát hiện vào ngày 19/6 tại thôn 6, cụm dân cư số 2, xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’long. Từ ca bệnh Sùng Thị H, phát hiện thêm 4 trường hợp nhiễm bệnh.

Ổ dịch thứ ba được phát hiện vào trưa 20/6, tại cụm dân cư số 12, xã Đắk R’măng, huyện Đắk G’long. Từ ca bệnh Giàng A.P., tỉnh Đắk Nông ghi nhận thêm 2 trường hợp nhiễm bệnh.

Hiện cả 3 ổ dịch vẫn chưa xác định được nguồn gốc lây bệnh.

Nguyễn Quân