Tại hiện trường, khoảng gần 5 tấn thủy tinh có hóa chất và gần 370.000 bóng đèn chưa kịp xay nghiền được phát hiện trong khuôn viên của Xí nghiệp Đèn ống, Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang (tỉnh Đồng Nai). Nước thải xay nghiền bóng đèn sẽ thoát trực tiếp ra hệ thống mương thoát nước.

xi nghiep bong den xa thai trai phep
Khu vực xay nghiền các vỏ bóng đèn thải tại Xí nghiệp Đèn ống, Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang (Đồng Nai), ngày 21/4/2022. (Ảnh: congan.dongnai.gov.vn)

Theo tin từ Công an tỉnh Đồng Nai, ngày 21/4, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh phối hợp Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an TP Biên Hoà và Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Đồng Nai tiến hành khám nghiệm, điều tra khuôn viên Xí nghiệp Đèn ống của Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang (KCN Biên Hòa 1) để làm rõ hành vi xả chất thải công nghiệp chưa qua xử lý ra môi trường.

Tại thời điểm kiểm tra, 3 nhân viên của công ty này đang tiêu hủy các vỏ bóng đèn thải. Những người này khai nhận đã thực hiện xay nghiền vỏ bóng đèn thải từ ngày 8/3/2022 đến nay.

Tại hiện trường, có khoảng gần 5 tấn thủy tinh có hóa chất (chứa trong 195 bao) và gần 370.000 bóng đèn chưa xay nghiền đựng trong các sọt nhựa. Nước thải trong quá trình xay nghiền bóng đèn được thoát ra trực tiếp hệ thống mương thoát nước.

xi nghiep bong den xa thai trai phep 1
Hầm chứa chất thải nguy hại bị phát hiện sau khi cắt nền bêtông. (Ảnh: congan.dongnai.gov.vn)

Công an đã tiến hành khai quật hệ thống thoát nước mưa từ vị trí xay nghiền bóng đèn đến khu vực hầm bêtông chứa nước thải, và cắt nền bêtông bên trong xí nghiệp ở vị trí nghi hầm chứa chất thải. Qua đó, lực lượng chức năng phát hiện 2 hầm bêtông được xây âm dưới đất, chứa chất thải công nghiệp, nghi vấn là chất thải phát sinh trong quá trình xay nghiền vỏ bóng đèn được đổ ra.

Theo công bố của công an tỉnh này, vụ việc được phát hiện từ chiều 20/4, khi công nhân xí nghiệp này bị bắt quả tang khi đang tiêu hủy các vỏ bóng đèn thải không đúng quy định.

Bước đầu, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Đồng Nai xác định xí nghiệp này có dấu hiệu sai phạm về môi trường như không thu gom chất thải nguy hại theo quy định, tự xử lý các loại chất thải không được cơ quan chức năng cho phép. Sở Tài nguyên và môi trường Đồng Nai đã lấy các mẫu nước thải, chất thải để kiểm nghiệm, phối hợp xử lý theo quy định.

KCN Biên Hòa 1 của tỉnh Đồng Nai từ lâu được biết đến là điểm gây nên nguồn phát thải công nghiệp, gây nguy hại trực tiếp đến hệ thống nguồn nước. Theo một bài phản ánh của báo Người Lao Động vào tháng 8/2018,  khoảng 80 DN đang hoạt động tại đây chưa chịu di dời, mỗi ngày xả hơn 9.000 m3 nước thải ra sông Đồng Nai. Chỉ có khoảng 1.000 m3 nước thải được đấu nối qua KCN Biên Hòa 2 để xử lý; số còn lại do các doanh nghiệp tự xử lý, rồi đổ trực tiếp ra sông Đồng Nai.

Minh Sơn