Dự báo năm nay, trên cả nước nắng nóng xuất hiện nhiều và gay gắt hơn, Nam Bộ mùa mưa đến muộn. Tây Nguyên và Nam Trung Bộ đối mặt nguy cơ hạn hán.

nang nong thieu mang xanh tram trong tp hcm muon tang it nhat 150ha cong vien 0
Người dân TP.HCM đi trên đường trong nắng nóng như thiêu đốt, tháng 4/2016. (Ảnh minh họa: Xuanhuongho/Shutterstock)

Thông tin trên được ông Hoàng Phúc Lâm – Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đưa ra tại một hội nghị do Tổng cục Khí tượng thủy văn tổ chức chiều ngày 21/3.

Cũng theo ông Lâm, tại khu vực Tây Bắc Bộ và Trung Bộ nắng nóng đã xảy ra sớm. Dự báo trong nửa cuối tháng 3, nắng nóng xuất hiện ở khu vực phía Tây Bắc Bộ, vùng núi phía tây thuộc Bắc Trung Bộ.

Nắng nóng cao điểm ở Tây Bắc Bộ sẽ diễn ra từ tháng 5 – 6, ở Đông Bắc Bộ trong tháng 6 – 7.

Đối với khu vực Thanh Hóa đến Thừa Thiên – Huế nắng nóng diễn ra từ tháng 4 đến tháng 8, cao điểm tháng 6 – 7, Đà Nẵng đến Khánh Hòa từ tháng 5 – 8 và cao điểm tháng 7, còn ở Nam Bộ cao điểm tháng 3 – 4, có thể kéo dài đến nửa đầu tháng 5.

“Số đợt nắng nóng năm nay có khả năng nhiều hơn và gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm”, ông Lâm nói và dự báo nhiệt độ trung bình trên cả nước trong tháng 4 và 5/2024 sẽ phổ biến cao hơn bình quân các năm từ 1 – 2 độ C, có nơi cao hơn. Tháng 6/2024 cao hơn từ 0,5 – 1,5 độ C.

Đối với bão, ông Lâm cho biết đầu mùa ít khả năng xuất hiện bão, áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông.

Từ cuối tháng 6, số lượng bão, áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông có khả năng ở mức thấp hơn đến xấp xỉ trung bình nhiều năm. Khả năng cao xuất hiện tập trung nhiều vào nửa cuối mùa bão.

Về mùa mưa tại Bắc Bộ, theo ông Lâm, có khả năng xuất hiện phù hợp với quy luật khí hậu. Mùa mưa tại Tây Nguyên và Nam Bộ xuất hiện muộn.

Từ tháng 6/2024 gió mùa Tây Nam có xu hướng hoạt động mạnh hơn so với trung bình nên khả năng mưa ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ sẽ gia tăng.

Mưa lớn có khả năng xuất hiện nhiều trong các tháng cuối năm tại khu vực Trung Bộ.

Ông Lâm cũng lưu ý, từ tháng 4 đến tháng 7, lượng dòng chảy trên phần lớn các sông ở Trung Bộ, Tây Nguyên ở mức thiếu hụt so với trung bình từ 15 – 55%.

“Nguy cơ hạn hán, thiếu nước ở các tỉnh Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng từ tháng 4 đến tháng 6. Các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận từ tháng 5 đến tháng 8”, ông Lâm cảnh báo.

Ông Hoàng Đức Cường Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, cho biết từ đầu năm 2024, thiên tai phức tạp, dị thường đã xuất hiện như đợt rét đậm, rét hại diện rộng kéo dài từ tháng 2 đến sang cả tháng 3/2024 với nền nhiệt thấp ở đồng bằng Bắc Bộ dưới 15 độ C và vùng núi dưới 13 độ C.

Nắng nóng xuất hiện dài ngày ở khu vực Nam Bộ, xâm nhập mặn tăng cao hơn ở Đồng bằng sông Cửu Long, ảnh hưởng lớn đến dân sinh và sản xuất nông nghiệp.

Một số biện pháp phòng, chống nắng nóng

Nhiệt độ tăng cao, nắng nóng dài ngày tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi-rút, vi khuẩn, côn trùng gây bệnh sinh sôi nảy nở. Các loại bệnh dễ mắc phải do nắng nóng như bệnh về đường hô hấp (viêm phổi, viêm họng, sốt vi-rút…). Việc không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là nguyên nhân gây các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa (tiêu chảy).

Nắng nóng cũng là nguyên nhân khiến nồng độ ozon và một số chất ô nhiễm khác trong không khí tăng cao, làm gia tăng các bệnh tai biến mạch máu não, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, thậm chí gây đột tử. Đặc biệt, tia tử ngoại của ánh nắng mặt trời có thể dẫn đến ung thư da. Say nắng, kiệt sức, mất nước, chuột rút… cũng có thể xảy ra do thời tiết nắng nóng. Ngoài ra, nắng nóng kéo dài có thể gây hạn hán, thiếu nước sạch sinh hoạt làm các bệnh dịch càng dễ phát triển trong khi sức đề kháng của cơ thể kém đi do thiếu nước sạch…

Để hạn chế tối đa những ảnh hưởng có hại đến sức khỏe của nắng nóng, người dân cần tăng cường áp dụng những biện pháp chống nắng, nóng như sau:

Uống nhiều nước

Nắng nóng làm cơ thể ra mồ hôi nhiều nếu không được bù nước đầy đủ sẽ gây mất nước, điện giải; Cần bổ sung đầy đủ, điều độ nước hàng ngày, thậm chí hàng giờ để chống nắng nóng và bù lượng nước bị mất đi.

Đây chính là biện pháp đầu tiên, dễ thực hiện và rất hiệu quả để chống nắng nóng. Không nên uống nước đá, nước lạnh hay nước ngọt có gas bởi nó chỉ khiến cơ thể thêm phần mất nước. Tốt nhất là chọn các loại nước như: nước lọc, nước ép trái cây, nước ép rau xanh nguyên chất…

Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng

Vào mùa hè, để tăng cường sức đề kháng hiệu quả, cần ăn chế độ ăn đa dạng, đầy đủ dinh dưỡng và có sự thay đổi, luân phiên trong việc chế biến các món ăn; nên ăn thức ăn dễ tiêu hóa, thức ăn nhiều nước; ăn nhiều những thực phẩm có tác dụng thanh nhiệt, giải độc cơ thể để chống nắng nóng như: trái cây, rau xanh, chè hạt sen, sữa chua, sữa tươi…

Mặc trang phục mát

Mặc đồ nhẹ, rộng, ví dụ như đồ cotton để dễ toát mồ hôi. Ra đường cần mặc kín, tránh quần áo quá dày và tối màu vì sẽ dễ hấp thụ nhiệt. Đội nón rộng vành, ưu tiên loại có các lỗ thông hơi. Đeo kính mát để bảo vệ mắt… Ngoài ra cần tắm rửa thường xuyên và giữ vệ sinh sạch sẽ để tránh mắc các bệnh truyền nhiễm.

Giữ nhà cửa thông thoáng

Cần mở hết cửa sổ nếu nhiệt độ bên ngoài gần bằng hoặc thấp hơn nhiệt độ trong nhà. Cửa sổ mở sẽ giúp điều hòa không khí tự nhiên, đưa nhiệt ra ngoài và gia tăng luồng luân chuyển không khí trong nhà. Lưu ý tắt hết đèn, các thiết bị điện không cần thiết vì các thiết bị này tỏa nhiệt nóng.

Tránh xa ánh nắng

Nếu cần thiết phải ra nắng thì cần cố gắng chỉ ra nắng trong thời gian ngắn và phải thoa kem chống nắng với chỉ số SPF ít nhất là 15. Ngay khi cơ thể có cảm giác mệt và say nắng, cần nhanh chóng tránh ánh nắng chiếu trực tiếp, đặc biệt là tránh nắng vào khoảng 11 giờ trưa đến 3 giờ chiều vì đây là thời gian ánh nắng nguy hiểm nhất.

Không nên tập thể dục quá nhiều vào các thời điểm nắng gắt trong ngày. Thay vào đó, có thể chạy bộ, đi bộ vào lúc mặt trời gần mọc hay lặn. Tập luyện từ từ để thích ứng với không gian dưới ánh nắng. Nếu thấy khó thở được hoặc tim đập mạnh, cần dừng tập và cố gắng làm mát cơ thể, ví dụ như xả nước mát. Nghỉ ngơi nếu thấy lả người hay hoa mắt chóng mặt…

Khi dùng quạt và điều hòa cần lưu ý:

Hạn chế gió quạt lùa thẳng vào người, đặc biệt đối với trẻ nhỏ, nếu bật quạt gió mạnh trực tiếp vào người hoặc để nhiệt độ điều hòa quá thấp sẽ bị nhiễm lạnh. Nếu sử dụng điều hòa nên để nhiệt độ từ 28-29 độ và hạn chế thay đổi môi trường đột ngột từ trong nhà điều hòa ra ngoài trời nắng nóng, hoặc ngược lại.

Phòng chống dịch bệnh mùa nắng nóng:    

Người dân nên ăn thức ăn, uống nước đã nấu chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Mỗi người cần uống đủ nước và tăng cường dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để đảm bảo đủ vitamin nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể.

Người dân tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Các gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. Người dân cũng cần thường xuyên thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng (bọ gậy); loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên, không cho muỗi đẻ trứng.

Khánh Vy (t/h)