Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phương án giao hơn 2.500 tỷ đồng cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) từ vốn ngân sách Trung ương, để thực hiện đưa điện lưới ra Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).

evn co the duoc cap hon 2 500 ty dong keo dien ra con dao
Cầu tàu 914 và Cảng tàu khách Côn Đảo nằm song song. (Ảnh: baobariavungtau.com.vn)

Nội dung trên được nêu trong tờ trình của Chính phủ về bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương 2021-2025, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều ngày 8/1.

Về việc cần thiết đưa lưới điện ra Côn Đảo, tờ trình Chính phủ cho biết do nhu cầu tiêu thụ điện tại Côn Đảo ngày một tăng cao, nguồn điện chạy bằng dầu diesel tại chỗ không đáp ứng đủ, một số tổ máy phát điện diesel liên tiếp xảy ra các sự cố, thiếu hụt nguồn điện cung ứng cho các dự án đang được thu hút đầu tư tại đây.

Cùng với đó, theo EVN, giá thành sản xuất điện từ dầu diesel cao (khoảng 5.000-6.000 đồng một kWh), trong khi giá bán điện sinh hoạt cao nhất 3.151 đồng một kWh, tức càng phát điện nhiều càng lỗ và khoản lỗ lũy kế mỗi năm một lớn dần.

Cụ thể, năm 2015, khoản lỗ là 55,4 tỷ đồng nhưng đến năm 2020, mức lỗ là 64,3 tỷ đồng, năm 2021 lỗ khoảng 84,5 tỷ đồng và năm 2022, mức lỗ lên đến 175 tỷ đồng.

Do đó, cấp điện từ lưới quốc gia bằng tuyến cáp ngầm 110 kV vượt biển là phương án tối ưu nhất, đảm bảo yêu cầu cấp điện ổn định, an toàn cho lưới điện trên đảo, cũng như hướng tới giảm phát thải carbon về 0 vào 2040 và bảo vệ môi trường, sinh thái Vườn Quốc gia Côn Đảo.

Theo chủ trương đầu tư dự án cấp điện lưới ra Côn Đảo được Chính phủ duyệt, tuyến đường dây kéo điện ra Côn Đảo sẽ gồm phần dây trên không 23,1 km; cáp ngầm biển hơn 73 km và cáp ngầm trên đảo 6,1 km cùng các hạng mục khác. Tổng mức đầu tư ước tính khoảng 5.000 tỷ đồng.

Nhu cầu sử dụng điện tại huyện đảo này tới 2025 là hơn 24,5 MW và sẽ đạt 114,4 MW vào 2045.

Trước đó, hồi năm 2022, Côn Đảo được cấp trên 15 MW điện, bằng dầu diesel, nhưng mức này không đáp ứng đủ nhu cầu.

Chủ trương đầu tư dự án kéo điện lưới ra Côn Đảo được Thủ tướng Phạm Minh Chính duyệt hồi tháng 6/2023.

Tổng mức đầu tư dự án này khoảng 4.950 tỷ đồng, trong đó vốn từ ngân sách trung ương khoảng 2.526 tỷ, còn lại vốn tự có của EVN, gần 2.424 tỷ đồng.

Theo lý giải của Chính phủ, nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch lớn về suất đầu tư của Dự án Cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo so với các dự án khác mà EVN đã thực hiện là do Côn Đảo là đảo xa bờ nhất, phần lớn đường dây đi trên biển có độ sâu đáy biển lớn nên thực hiện bằng giải pháp cáp ngầm là chính.

Vì lý do xa bờ, việc đầu tư cấp điện cho huyện Côn Đảo được cân nhắc sẽ đáp ứng nhu cầu phụ tải cho Côn Đảo trong dài hạn mà không phải đầu tư xây dựng thêm lưới điện từ đất liền.

Đề xuất phân bổ hơn 63.700 tỷ cho 5 ngành, lĩnh vực

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết 63.725 tỷ đồng dự kiến phân bổ cho 5 ngành, lĩnh vực, gồm: quản lý nhà nước là 2.490 tỷ đồng; khoa học công nghệ là 500 tỷ đồng; giao thông là 57.735 tỷ đồng; quốc phòng – an ninh là 3.000 tỷ đồng.

Với lĩnh vực quản lý nhà nước, trong 2.490 tỷ đồng, Bộ Tài chính được bố trí 1.490 tỷ đồng đầu tư 2 dự án, gồm dự án xây dựng trụ sở làm việc Chi cục Thuế TP. Thủ Đức, TP.HCM và dự án mua sắm máy soi hành lý và máy soi container di động cho hải quan.

Với lĩnh vực khoa học – công nghệ, trong 500 tỷ đồng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao để đầu tư mua sắm trang thiết bị cho Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia.

Với lĩnh vực giao thông, trong 57.735 tỷ đồng, Bộ GTVT được giao 14.310 tỷ đồng để bố trí cho 9 dự án đầu tư mở rộng đường bộ cao tốc, xây dựng cầu đường sắt…

Các địa phương được bố trí 43.425 tỷ đồng, gồm: 11 dự án đường cao tốc với tổng số vốn là 31.870 tỷ đồng giao cho các địa phương làm cơ quan chủ quản dự án; 5 dự án tuyến đường bộ ven biển khu vực miền trung với tổng số vốn là 2.700 tỷ đồng; 7 dự án kết nối với cao tốc, dự án có tính liên vùng với tổng số vốn là 8.855 tỷ đồng.

Hoàng Minh