Tiền lương thấp, quá tải công việc, đặc biệt trong ngành y tế và giáo dục, được cho là lý do chủ yếu khiến gần 400 cán bộ, công chức, viên chức tại tỉnh Gia Lai xin nghỉ việc trong 18 tháng qua. 

gan 400 can bo cac so huyen o gia lai xin nghi viec
Ngoài y bác sĩ, giáo viên, có nhiều cán bộ kiểm lâm, nhân viên bảo vệ rừng xin nghỉ việc với lý do công việc cực khổ, lương thấp. (Ảnh minh họa: baogialai.com.vn)

Ngày 20/10, Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai cho hay đã báo cáo Bộ Nội vụ về tình trạng cán bộ nghỉ việc ở tỉnh này, đồng thời đề xuất các chính sách đãi ngộ để giữ chân người tài ở địa phương.

Theo Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai, trong vòng 18 tháng (từ ngày 1/1/2020 đến ngày 30/6/2022), có 360 công chức, viên chức thôi việc theo nguyện vọng cá nhân; tức bình quân mỗi tháng 20 người nghỉ việc.

Trong số những người nghỉ việc có cán bộ thuộc Văn phòng UBND tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, công chức thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nghỉ việc nhiều nhất với số lượng 7 người; các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ngoại vụ, Tư pháp, Sở Xây dựng…; cán bộ tại các huyện Chư Păh, Chư Pưh, Chư Prông…

Trong đó, 323 người nghỉ việc thuộc ngạch viên chức, phần nhiều là giáo dục (125 người) và y tế (115 người). Trong 37 công chức xin nghỉ, có 24 người cấp tỉnh, 13 người cấp huyện.

Phân loại về giới tính, có 162 người là nam giới, 198 người là nữ giới xin thôi việc. Về trình độ của các cán bộ, công chức, viên chức xin thôi việc, có 3 người có trình độ tiến sĩ, 68 người trình độ thạc sĩ, 178 người trình độ đại học, 20 người chuyên khoa II, 10 người chuyên khoa I, còn lại trình độ cao đẳng và trung cấp.

Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai cho hay nguyên nhân dẫn đến tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc hàng loạt nói trên là do tỉnh Gia Lai chưa có chính sách đãi ngộ, thu hút cán bộ làm việc tại tỉnh. Tiền lương chưa thực sự thỏa đáng, chưa đáp ứng được điều kiện sống; áp lực công việc căng thẳng, chủ yếu đến từ việc quá tải công việc, đặc biệt là đối với công chức, viên chức công tác trong lĩnh vực y tế, giáo dục; việc tuyển chọn lãnh đạo, quản lý hiện nay thiếu tính cạnh tranh, chưa tạo được động lực để cán bộ, công chức, viên chức trẻ rèn luyện, phấn đấu.

Đưa ra giải pháp, Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai đề nghị tăng thu nhập; đẩy mạnh việc luân chuyển, đưa lãnh đạo, quản lý về cơ sở và ngược lại để rèn luyện, nâng cao năng lực thực tiễn; khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu trước tuổi theo nguyện vọng. Ngoài ra, Sở này đề xuất Bộ Nội vụ tăng biên chế cho tỉnh theo thực tiễn khối lượng công việc.

Hiện tính riêng ngành giáo dục, trong năm học 2022-2023, tỉnh Gia Lai đang thiếu 4.481 giáo viên, nhân viên giáo dục.

Một ngày trước, ngày 19/10, Sở Nội vụ tỉnh Lâm Đồng cho biết cùng thời gian trên (từ ngày 1/1/2020 đến ngày 30/6/2022), tỉnh Lâm Đồng có tổng cộng 580 cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên và viên chức nghỉ thôi việc theo nguyện vọng; chiếm số lượng nhiều nhất là 262 viên chức y tế và 210 viên chức giáo dục.

Sở Nội vụ tỉnh Lâm Đồng nhận định tình trạng cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc, thôi việc đang có chiều hướng gia tăng. Sở này cho hay có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, cả chủ quan lẫn khách quan, trong đó có ảnh hưởng từ hậu quả của dịch bệnh COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán).

Minh Sơn