Hôm thứ Hai (4/3), các đường phố ở Hà Nội bị bao phủ trong sương mù dày đặc. Tầm nhìn giảm mạnh do ô nhiễm không khí bởi nồng độ cao của các hạt vật chất phát ra từ khí thải xe cộ và bụi mịn từ những công trình xây dựng.

ha noi
CT6 Xala ở huyện Thanh Trì, Hà Nội sáng ngày 5/3 gần như mất dạng trong sương mù ở Hà Nội. (Ảnh: Sam/ Trí Thức VN)

Theo dữ liệu được cung cấp bởi AirVisual, một trang web giám sát chất lượng không khí thành phố toàn cầu, cuối ngày 4/3, mức độ các hạt nhỏ có hại được gọi là bụi mịn PM2.5 trong không khí của Hà Nội là 187 microgam/m3, đứng đầu danh sách các thành phố ô nhiễm nhất thế giới.

Chất gây ô nhiễm chính là bụi mịn PM2.5, nồng độ hiện là 108,2µg/m3, cao gấp 21 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Bụi mịn PM2.5 là sát thủ thầm lặng đang xâm nhập cơ thể chúng ta mỗi ngày. Nguy hiểm hơn, các hạt bụi siêu nhỏ này có thể luồn lách vào các túi phổi, tĩnh mạch phổi và xâm nhập vào hệ tuần hoàn máu của con người.

Theo WHO, bụi mịn PM2.5 là nguyên nhân gây tử vong sớm đứng thứ 4 thế giới. Tất cả quốc gia trên thế giới đều quan tâm chỉ số này.

Dữ liệu chỉ số chất lượng không khí của Hà Nội được thu thập từ 18 trạm kiểm soát không khí. Trong đó có Mạng lưới giám sát chất lượng không khí Hà Nội, Chi cục Bảo vệ Môi trường, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội.

Theo khuyến nghị của ứng dụng đo chất lượng không khí IQAir, người dân tránh tập thể ngoài trời, đóng cửa sổ để tránh không khí bẩn bên ngoài, đeo khẩu trang khi ra ngoài, chạy máy lọc không khí.

Ha Noi o nhiem
Sương mù khiến tầm nhìn bị hạn chế. Ảnh chụp lúc 3h40 sáng ngày 5/3 tại gần công viên Hoà Bình, Hà Nội. (Ảnh: Tân Bình/ Trí Thức VN)

Chị Nguyễn Hương, một cư dân Hà Nội cho Trí Thức VN biết: “Không chỉ ngoài đường mà đồ đạc trong nhà cũng thấy bụi, rất bẩn mặc dù đóng cửa. Nhiều tòa nhà chọc trời biến mất trong sương. Nhiều người bị bệnh xương khớp, tim mạch phát tác.”

Chị Dương Kim Oanh, một cư dân Hà Nội khác cho biết: “Điều này có hại cho sức khỏe của chúng tôi. Tôi nghĩ ô nhiễm ở Hà Nội là do số lượng lớn ô tô cá nhân và bụi mịn từ tất cả các công trình xây dựng, cộng với thời tiết lạnh giá như thế này.”

Theo báo cáo năm 2021 của Ngân hàng Thế giới, khí thải từ 8 triệu phương tiện đăng ký của Hà Nội chiếm 30% ô nhiễm hạt không khí, khí thải công nghiệp chiếm 30%.

Một người dân khác, chị Phạm Thị Phương, nói với Reuters: “Ô nhiễm không khí có thể ảnh hưởng đến hệ hô hấp của người dân, khiến họ cảm thấy khó chịu, thậm chí nghẹt thở”.

Ngày 2/2, gần 100 chuyến bay đến và đi từ Sân bay Quốc tế Hà Nội bị hoãn hoặc chuyển hướng sang các thành phố khác, do sương mù dày đặc và ô nhiễm không khí gia tăng.

Trên ứng dụng đo chỉ số ô nhiễm không khí PamAir, vào lúc 15h51 ngày 4/3, điểm có chất lượng không khí xấu nhất của Hà Nội là khu vực vườn Dâu, Trâu Quỳ (Gia Lâm), với mức ô nhiễm AQI lên đến 236, mức cảnh báo màu tím, rất có hại cho sức khỏe.

Nhiều điểm có chỉ số ô nhiễm không khí cao như khu vực Thành Công (Ba Đình), phố Nguyễn Chế Nghĩa (Hoàn Kiếm), Đội Cấn (Ba Đình), Quan Hoa (Cầu Giấy), quận Tây Hồ… đều nằm trong mức cảnh báo ô nhiễm màu đỏ.

Mỗi khi không khí ô nhiễm, sẽ có một lượng lớn bệnh nhân bị ho, khó thở phải vào viện, số lượt khám bệnh tăng mạnh.

Làn sóng ô nhiễm này dự kiến ​​sẽ kéo dài một tuần. Nhân viên giao hàng đi xe ngoài trời 8-10 tiếng mỗi ngày có nguy cơ viêm xoang, không những phải đeo khẩu trang mà còn phải rửa mũi, mắt thường xuyên.

Ngô Đông Nam làm nhân viên giao hàng được hơn 1 năm. Anh đi xe máy trung bình từ 8-10 tiếng mỗi ngày và luôn đeo khẩu trang để đảm bảo sức khỏe.

Tiếp xúc với không khí ô nhiễm, khẩu trang của anh sẽ bị bẩn chỉ sau 2, 3 giờ. Trung bình anh phải thay 3, 4 chiếc khẩu trang mỗi ngày để tránh bị khách hàng phàn nàn.

Nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội là ô nhiễm giao thông. Hiện Hà Nội có hơn 6,5 triệu xe máy và không cần phải kiểm tra khí thải thường xuyên. Khí thải công nghiệp và đốt rác cũng là những nguồn gây ô nhiễm quan trọng. Hơn nữa thành phố có quá nhiều công trình xây dựng khiến bụi bay khắp nơi.

Nếu phải làm việc, hoạt động ngoài trời nên bố trí, lựa chọn thời điểm ít bị ô nhiễm trong ngày. Tránh hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí cao. Nếu phải tham gia giao thông nên tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng xe máy, xe đạp để giảm tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm.

Nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, khu vực bị ô nhiễm không khí. Người dân nên vận động, tập thể dục trong nhà.

Bình Minh (t/h)