Khoảng hơn 25 ha rừng ngập mặn chắn sóng tại thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà tĩnh chết khô bất thường. Hiện giới hữu trách chưa tìm được nguyên nhân.

rung ngap man ha tinh chet hang loat
Rừng ngập mặn Kỳ Hà chết hàng loạt không thể phục hồi, giải pháp hiện nay là trồng thay thế nhưng chi phí trồng và chăm sóc là rất lớn. (Ảnh: Trần Tuấn/laodong.vn)

Theo Sở NN&PTNN tỉnh Hà Tĩnh, rừng ngập mặn thuộc lô 1, khoảnh 1, tiểu khu 358B tại xã Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh có diện tích hơn 43ha. Rừng chủ yếu trồng cây mắm biển, trồng vào năm 1994.

Đây là rừng phòng hộ chắn sóng, với chiều cao bình quân từ 1m, mật độ 6.200 cây/ha.

Toàn bộ diện tích rừng đó được UBND xã Kỳ Hà giao khoán cho 2 thôn Tây Hà và Bắc Hà quản lý, bảo vệ.

Qua kiểm tra, hơn 25ha (chiếm tỷ lệ 60%) diện tích có cây rừng chết không có khả năng phục hồi; hơn 17ha rừng còn lại (chiếm tỷ lệ 40%) có cây đang sống.

Trong số toàn bộ cây chết không có khả năng phục hồi là cây trụi lá hoàn toàn, cành bị khô, gãy và bong tróc vỏ ngoài. Qua kiểm tra không phát hiện các loài sinh vật gây hại như: giáp xác, sâu đục thân, hà bám vào thân cây.

Báo Dân Việt dẫn lời chị Nguyễn Thị Thuận, trú tại xã Kỳ Ninh (thị xã Kỳ Anh) cho biết, ngày xưa rừng mắm xanh tốt, nhưng khoảng 5 năm trở lại đây không hiểu vì lý do gì mà cây bắt đầu chết dần, đến hiện nay cây chết gần hết.

“Khi cây cối trong rừng ngập mặn xanh tươi, phát triển tốt trở thành nơi trú ngụ của rất nhiều tôm, cua… nhưng hiện nay rất ít. Rừng ngập mặn này nuôi sống bà con địa phương khi mỗi ngày bắt được 4-5kg cua nhưng hiện chỉ bắt được hơn chục con mỗi ngày”, chị Thuận nói.

Sở NN&PTNN tỉnh Hà Tĩnh cho biết hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân dẫn đến cây rừng ngập mặn bị chết, song đã loại trừ nguyên nhân do các đối tượng sinh vật gây hại.

Sở này cũng đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh mời các cơ quan đầu ngành về rừng ở trung ương và các đơn vị liên quan để xác định nguyên nhân rừng ngập mặn bị chết, sớm có kế hoạch thanh lý diện tích rừng bị chết để trồng rừng thay thế.

Báo Lao Động dẫn lời một lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh cho biết, để trồng mới được rừng ngập mặn rất khó khăn và mất nhiều thời gian, kinh phí.

Theo tính toán sơ bộ, phải mất khoảng 5 năm với kinh phí 350 triệu đồng để trồng và chăm sóc thành công 1 ha rừng ngập mặn phát triển, phát huy được tác dụng phòng hộ.

Theo ông Đào Xuân Hiên, Giám đốc dự án trồng mới bảo vệ và phục hồi rừng ngập mặn ven biển Hà Tĩnh, cần phải tìm ra được nguyên nhân cây chết, sau đó mới cho trồng bổ sung, nếu không sẽ như muối bỏ bể.

Ông Đào Đức Giang, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Kỳ Anh, cũng cho rằng việc cần làm là phải tìm hiểu rõ nguyên nhân cây rừng bị chết bởi yếu tố nào, từ đó đánh giá lại thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nước để tìm kiếm cây trồng phù hợp thay thế diện tích rừng đã bị chết.

Minh Long