Liên quan vụ tử tù Nguyễn Văn Chưởng có thể bị đưa ra xử tử bất kỳ lúc nào, Liên Hiệp Quốc, Liên Minh Châu Âu và 13 tổ chức quốc tế kêu gọi Việt Nam dừng thi hành án và đảm bảo ông Chưởng được xét xử công bằng.  

hang loat to chuc quoc te de nghi viet nam dung thi hanh an tu hinh nguyen van chuong
Ông Nguyễn Văn Chưởng trong một lần gặp người thân. (Ảnh: Nguyễn Trường Chinh/Facebook)

Ngày 11/8, ông Jeremy Laurence – người phát ngôn Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (LHQ) ra thông cáo bày tỏ lo ngại trước các báo cáo về việc Việt Nam sắp xử tử ông Nguyễn Văn Chưởng, giữa những cáo buộc nghiêm trọng về tra tấn và vi phạm xét xử công bằng.

“Chúng tôi kêu gọi các nhà chức trách ngay lập tức dừng việc hành quyết và tiến hành một cuộc điều tra độc lập và vô tư về các cáo buộc tra tấn,” ông  Jeremy Laurence nêu trong thông cáo.

Dẫn lại thông tin tử tù này luôn kêu oan và khẳng định rằng công an có được lời thú tội của ông Chưởng thông qua tra tấn và chính lời thú tội này được làm bằng chứng để kết tội, cơ quan của LHQ khẳng định:

“Việc sử dụng lời thú tội được trích xuất trong khi bị tra tấn dẫn đến kết án tử hình vi phạm cả việc cấm tuyệt đối tra tấn cũng như đảm bảo xét xử công bằng, khiến bản án trở nên tùy tiện và vi phạm quyền sống, như được quy định tại Điều 6 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam là một quốc gia thành viên.”

Cũng theo ông Jeremy Laurence, Việt Nam tiếp tục sử dụng hình phạt tử hình, phần lớn là bí mật, bất chấp xu hướng toàn cầu hướng tới việc bãi bỏ hình phạt tử hình.

Văn phòng của Liên Hiệp Quốc có trụ sở tại Geneve “nhắc nhở các nhà chức trách rằng sự minh bạch và tôn trọng đầy đủ các quyền của tù nhân và gia đình họ là yêu cầu tối thiểu đối với các chính phủ chưa bãi bỏ hình phạt tử hình. 

Thông tin cần thiết liên quan đến một vụ hành quyết theo kế hoạch cụ thể cần được cung cấp ngay cho tù nhân và gia đình họ, đồng thời thông tin liên quan đến án tử hình, thông báo và vụ hành quyết cũng cần được công bố rộng rãi.”

Ngoài ra, LHQ cũng kêu gọi Hà Nội ngay lập tức thiết lập một lệnh cấm chính thức đối với tất cả các vụ hành quyết nhằm xóa bỏ hoàn toàn hình phạt tử hình.

Liên minh châu Âu (EU) sẽ hỗ trợ Việt Nam xóa bỏ án tử hình

Ngày 10/8, Phái đoàn EU tại Việt Nam và các cơ quan đại diện ngoại giao của Canada, Vương quốc Na Uy và Vương quốc Anh ra tuyên bố chung, kêu gọi các cơ quan thẩm quyền Việt Nam dừng việc thi hành án tử hình ông Nguyễn Văn Chưởng. Tuyên bố có đoạn:

“Chúng tôi cực lực phản đối việc áp dụng hình phạt tử hình trong mọi thời điểm, mọi hoàn cảnh, đây là một hình phạt tàn ác, vô nhân đạo, hạ thấp nhân phẩm và không bao giờ có thể biện minh được, đồng thời vận động Việt Nam hoãn thi hành tất cả các án tử hình.

Ngày nay, hơn hai phần ba các quốc gia trên thế giới đã trở thành những quốc gia bãi bỏ (án tử hình-PV) trong luật pháp hoặc trên thực tiễn, điều này khẳng định xu hướng toàn cầu ủng hộ việc bãi bỏ án tử hình. Không có bằng chứng nào cho thấy hình phạt tử hình có tác dụng răn đe tội phạm hiệu quả hơn hình phạt tù. “

Liên minh châu Âu cho rằng việc cải tạo với vai trò như một mục tiêu của luật hình sự hiện đại không thể thực hiện được bằng việc áp dụng hình phạt tử hình. Không những thế, bất kỳ sai sót nào – điều không thể tránh khỏi trong bất kỳ hệ thống luật pháp nào – đều không thể đảo ngược.

Các phái đoàn ngoại giao cho biết sẽ tiếp tục tích cực nỗ lực để thúc đẩy xu hướng chung hướng tới loại bỏ hình phạt tử hình và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trên con đường tiến tới việc xóa bỏ hình thức này.

13 tổ chức nhân quyền quốc tế gửi thư đến Chủ tịch nước Việt Nam 

Nêu đích danh của người đứng đầu nhà nước Việt Nam trong bức thư chung, 13 tổ chức nhân quyền quốc tế, trong đó có các tổ chức nổi tiếng như Ân Xá Quốc tế, FORUM-ASIA, People In Need… kêu gọi ông Võ Văn Thưởng và các cơ quan có trách nhiệm “đảm bảo dừng việc thi hành án ngay lập tức và bắt đầu một cuộc điều tra nhanh chóng, vô tư và hiệu quả về những cáo buộc rằng ông ta đã bị tra tấn để buộc phải “thú nhận” tội lỗi.”

Cho đến nay, các tổ chức này vẫn chưa rõ liệu việc hành quyết có thể sắp xảy ra hay đã được thực hiện, tuy nhiên nếu xét đến khả năng ông Chưởng đã phải chịu một phiên tòa và thủ tục tố tụng không công bằng dẫn đến việc bị kết án và tuyên án tử hình, thì “việc xử tử ông ta sẽ vi phạm quyền được sống và không bị trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm theo luật nhân quyền quốc tế và nghĩa vụ pháp lý quốc tế của Việt Nam.” 

13 tổ chức đồng đề nghị ông Võ Văn Thưởng thông báo về tình trạng hiện tại của tử tù Nguyễn Văn Chưởng cho gia đình, ngay lập tức miễn thi hành án vĩnh viễn cho ông Chưởng, trả tự do hoặc cho tử tù này một phiên tòa mới phù hợp với các tiêu chuẩn xét xử công bằng theo luật pháp quốc tế.

Ngoài ra, họ cũng yêu cầu người đứng đầu nhà nước Việt Nam phải tiến hành một cuộc điều tra nhanh chóng, vô tư và hiệu quả về những cáo buộc rằng ông Chưởng đã bị tra tấn hoặc đối xử tàn ác, hạ nhục hoặc vô nhân đạo khác nhằm đạt được “lời thú tội”, và nếu điều này được chứng minh, phải đưa thủ phạm ra trước công lý và cung cấp cho ông và gia đình khả năng tiếp cận biện pháp khắc phục và bồi thường hiệu quả phù hợp với luật và tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế.

Luật sư Lê Văn Hòa – nguyên Tổ trưởng Kiểm tra án oan của Ban Nội chính Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã nêu một số vấn đề về vụ án ông Nguyễn Văn Chưởng:

  • Vụ giết người xảy ra hồi 21h ngày 14/7/2007 (thời điểm đó khu vực hiện trường trời mưa), nhưng đến 15h30 ngày hôm sau mới tổ chức khám nghiệm hiện trường;
  • Cơ quan điều tra không tổ chức bảo vệ giữ nguyên hiện trường vụ án; việc thu giữ, quản lý vật chứng của vụ án rất tùy tiện;
  • Dấu vết để lại trên áo và thi thể nạn nhân khẳng định nạn nhân không chỉ bị tấn công, tác động tại hiện trường, mà có thể đã bị tấn công, tác động trước đó ở một địa điểm khác;
  • “Các vết hằn xây xát ở vùng lưng của nạn nhân do vật cứng có cạnh dài tiếp xúc hẹp gây ra; ngoài ra còn có các tổn thương bầm tụ máu vùng thắt lưng hai bên do vật tày gây nên”. Trong khi cơ quan điều tra đã kết luận hung khí của nhóm Chưởng là dao, kiếm chứ không có hung khí nào là vật tày;
  • Biên bản giám định không kết luận vân tay ở cò khẩu súng K59 thu tại hiện trường là của ai;
  • Người lạ bí ẩn không được làm rõ;
  • Việc quy kết Hoàng, Trung, Chưởng chém nạn nhân Sinh nhằm cướp tài sản là không thuyết phục;
  • Về chứng cứ kết tội ông Chưởng là chủ mưu và tham gia chém nạn nhân là chứng cứ gián tiếp, không khách quan. Lời khai của các bị cáo và một số nhân chứng cho thấy có nhiều mâu thuẫn, không đủ cơ sở kết luận ông Chưởng là chủ mưu, nhưng không được làm rõ;
  • Có dấu hiệu bức cung, nhục hình.

Cũng theo luật sư Hòa, điều đặc biệt trong vụ án là ông Chưởng có chứng cứ ngoại phạm, nhưng không được điều tra làm rõ. Cụ thể, nhiều nhân chứng xác nhận thời điểm xảy ra vụ án, ông Chưởng có mặt ở quê Hải Dương nhưng không được điều tra, đối chất một cách khách quan. Nguyễn Trọng Đoàn (em trai Chưởng) nộp các xác nhận ngoại phạm đó lại bị CQĐT bắt khẩn cấp về tội “Che dấu tội phạm” và bị xử 2 năm tù.

Ông Chưởng khai đã cung cấp bản kê các cuộc gọi đi, gọi đến điện thoại của Chưởng trong thời điểm xảy ra vụ án (tối 14/7/2007) và đề nghị được xác minh các cuộc điện thoại đó để xác định tọa độ các cuộc gọi, làm rõ Chưởng có mặt hay không có mặt tại Hải Phòng khi xảy ra vụ án nhưng không được cơ quan điều tra thực hiện.

Khánh Vy (t/h)