Chỉ trong một năm kiểm toán, trong lĩnh vực y tế, có tới 1.225 trang thiết bị được xác định bị lãng phí với nguyên giá hơn 371 tỷ đồng; 120 thiết bị trị giá hơn 151 tỷ đồng bị hỏng chưa được sửa chữa…

lang phi y te
Thiết bị y tế công lãng phí hoặc mua không đúng giá trị sẽ chia chi phí trên đầu người bệnh. (Ảnh minh họa: Xuanhuongho/Shutterstock)

Ngày 21/9, báo Kiểm toán – cơ quan ngôn luận của Kiểm toán Nhà nước công bố nhiều sai phạm trong hoạt động mua sắm và sử dụng tài sản công qua nhiều năm tiến hành kiểm toán.

Những vụ việc sai phạm được nêu điểm qua, với thời gian rải rác từ 2015, 2019, 2020-2021, song con số thiết bị bị lãng phí lên tới hàng nghìn dù kinh phí mua sắm lên tới hàng trăm tỷ đồng, chỉ tính riêng trong một năm kiểm toán.

Đầu tiên là những sai phạm liên quan đến công tác lập kế hoạch mua sắm gói thầu và phê duyệt chủ trương lựa chọn nhà thầu. Dẫn ví dụ, Kiểm toán Nhà nước cho hay giá trúng thầu nhiều trang thiết bị y tế cao hơn giá nhập khẩu 2,5-7 lần, cá biệt có trang thiết bị mua giá cao hơn 20 lần giá nhập khẩu (Kiểm toán chuyên đề công tác đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế năm 2015).

Kinh phí tiết kiệm qua đấu thầu không cao, thậm chí nhiều gói thầu có giá trị trúng thầu bằng giá kế hoạch; chứng từ lưu giữ chưa đầy đủ, chưa có yêu cầu làm rõ đối với một số vấn đề tại hồ sơ mời thầu, chưa cung cấp được hợp đồng tương tự về cung cấp máy móc, thiết bị (Viện Kiểm định quốc gia vắc-xin và sinh phẩm y tế năm 2019).

Không nêu yêu cầu kỹ thuật và tiêu chuẩn áp dụng của một số chủng loại thiết bị (Tại Dự án xây dựng Nhà thể chất Học viện Phụ nữ Việt Nam).

Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước nhận định việc chấm thầu chưa chặt chẽ khiến nhà thầu chưa chứng minh đầy đủ năng lực, chưa đủ tiêu chuẩn kỹ thuật của máy móc theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu vẫn được đánh giá đạt. Hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của thiết bị không đầy đủ; các biên bản bàn giao trang thiết bị không ghi rõ số seri máy để làm cơ sở đối chiếu với các tài liệu có liên quan.

Sau đấu thấu, mua sắm là tình trạng sử dụng tài sản công đạt hiệu quả thấp, trang thiết bị không được sử dụng đúng mục đích hoặc không được sử dụng gây lãng phí, hỏng hóc do xác định nhu cầu không phù hợp. Ví dụ, Kiểm toán chuyên đề công tác đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế năm 2015 chỉ ra có tới 1.225 trang thiết bị hiệu quả sử dụng thấp với nguyên giá hơn 371 tỷ đồng; 120 thiết bị hỏng chưa được sửa chữa (hơn 151 tỷ đồng); 456 thiết bị chưa hoặc ít sử dụng…

Đối với cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu – đại dịch COVID-19 (viem phổi Vũ Hán ) giai đoạn 2020-2021, một số đơn vị còn phải lưu kho các thiết bị phục vụ phòng, chống dịch do chưa có cơ chế cho phép sử dụng vào mục đích khác. Một số đơn vị lại chưa kịp thời tiếp nhận, quản lý thiết bị được Bộ Y tế phân bổ; chưa sử dụng hoặc sử dụng các thiết bị chưa phù hợp với mục đích cấp phát…

Cuối tháng 12/2022, Kiểm toán Nhà nước cho hay qua gần 300 báo cáo kiểm toán, cơ quan này kiến nghị xử lý 55.906 tỷ đồng; trong đó, tăng thu ngân sách nhà nước 3.070 tỷ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước 25.687 tỷ đồng và kiến nghị khác 27.149 tỷ đồng. Tám vụ việc được chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, trong đó, 7 vụ việc liên quan đến quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2021 tại TP. Hải Phòng.

Kết thúc năm kiểm toán 2021, số tài chính do Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý lên tới 67.055 tỷ đồng, tăng thu cho ngân sách nhà nước 7.486 tỷ đồng, giảm chi ngân sách Nhà nước 10.221 tỷ đồng và kiến nghị khác 43.895 tỷ đồng.

Nguyễn Quân