Nhằm phân biệt sâm Ngọc Linh thật giả, tỉnh Kon Tum chi 13 tỷ đồng đầu tư thiết bị kiểm định. Tuy nhiên, hiện chưa có đơn vị, tổ chức, cá nhân nào đến liên hệ, gửi mẫu đến để phân tích, kiểm định sâm.

sam ngoc linh kon tum
Nhằm phân biệt sâm Ngọc Linh thật hay giả, tỉnh Kon Tum chi 13 tỷ đồng đầu tư thiết bị kiểm định. Tuy nhiên, hiện chưa có đơn vị, tổ chức, cá nhân nào đến liên hệ, gửi mẫu đến để phân tích, kiểm định sâm. (Ảnh: baokontum.com.vn)

Hồi tháng 12/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn cho biết tỉnh đã quyết định đầu tư mua sắm hệ thống máy móc thiết bị, dụng cụ vật tư hóa chất để phân tích ADN sâm Ngọc Linh; phân tích hàm lượng saponin và các hoạt chất sinh học khác trong sâm Ngọc Linh.

Việc làm trên nhằm phân biệt sâm Ngọc Linh thật giả; bảo vệ thương hiệu “Quốc bảo sâm Ngọc Linh”.

Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 624/QĐ-UBND phê duyệt dự án Cải tạo, sửa chữa phòng thí nghiệm, kiểm định và mua sắm thiết bị tại Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và dịch vụ khoa học và công nghệ (gọi tắt “Trung tâm”, trực thuộc Sở KH&CN) với tổng mức đầu tư 13 tỷ đồng. Trong đó, chi phí thiết bị là hơn 8,3 tỷ đồng.

Báo cáo số 589 ngày 6/7/2023 của Sở KH&CN (chủ đầu tư dự án) cho biết, đến ngày 28/2/2023, đơn vị đã hoàn thành các khâu đầu tư, mua sắm trang thiết bị của hai hệ thống, gồm Hệ thống thiết bị phục vụ tách chiết, nhân bản, kiểm tra ADN (có 25 thiết bị chủ yếu) và Hệ thống thiết bị kiểm định thành phần hoạt chất sinh học saponin sâm Ngọc Linh (với 11 thiết bị chủ yếu).

Hiện nay, cả hai hệ thống này đã được bàn giao cho Trung tâm quản lý, vận hành.

Trung tâm cũng đã phối hợp với Viện Di truyền nông nghiệp và Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) đào tạo 4 cán bộ về vận hành thiết bị; chuyển giao quy trình kỹ thuật phân tích, kiểm định ADN sâm Ngọc Linh và hàm lượng saponin trong sâm Ngọc Linh.

Đồng thời, Trung tâm phối hợp với hai doanh nghiệp trồng sâm Ngọc Linh (đã được công nhận vườn sâm gốc) là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Tô và Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum để lấy mẫu sâm để phân tích, xây dựng bộ chỉ thị chuẩn, làm cơ sở phân biệt với các loại sâm khác.

Cũng theo đại diện Sở KH&CN, đến nay, hệ thống máy móc, thiết bị đã được trang bị đầy đủ; các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm làm chủ được 2 quy trình kỹ thuật phân tích, kiểm định phục vụ phân biệt sâm Ngọc Linh thật giả.

Tuy nhiên, cả hai hệ thống đang trong tình trạng “ế ẩm” vì không có khách hàng.

Trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh tại Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XII, hồi đầu tháng 7/2023, lãnh đạo Sở KH&CN thừa nhận tình trạng “ế ẩm” trên.

Đại diện Sở cho biết hiện chưa có đánh giá cụ thể về nguyên nhân “ế ẩm”.

Để tháo gỡ, UBND tỉnh vừa ban hành quyết định 2350/UBND-KTTH, yêu cầu Sở KH&CN “khẩn trương sớm hoàn thành việc xây dựng biểu phí, giá dịch vụ và quy trình kiểm định, xét nghiệm đối với sản phẩm củ sâm Ngọc Linh”“tổ chức thông tin rộng rãi bằng nhiều hình thức phù hợp để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước biết Trung tâm đã hoàn thành việc trang bị máy móc, thiết bị và làm chủ quy trình kỹ thuật, vận hành; đủ năng lực và điều kiện cung cấp dịch vụ xét nghiệm, kiểm định để xác định sâm Ngọc Linh thật, giả”.

Kon Tum hiện có trên 1.730 ha sâm Ngọc Linh, tập trung ở huyện Tu Mơ Rông. Đây cũng là vựa sâm Ngọc Linh lớn nhất thế giới. Chính vì sâm quý hiếm nên các tổ chức, cá nhân tìm đủ chiêu trò để trục lợi.

Đó là tình trạng gắn mác sâm Ngọc Linh cho các loại củ có vẻ ngoài giống sâm Ngọc Linh như Tam Thất, sâm Trung Quốc, sâm Lai Châu để bán cho khách với giá trên trời; làm khống bản xác nhận có liên kết trồng sâm với dân hay lợi dụng giấy xác nhận vùng trồng, liên kết để mang đi mua bán, kinh doanh…

Minh Long