Dự án Nhà máy điện mặt trời đầm An Khê (thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) đang vấp phải những ý kiến phản đối gay gắt từ người dân, chuyên gia văn hóa, khảo cổ học, do khu vực đề xuất thực hiện dự án là trung tâm của nền văn hóa Sa Huỳnh, được đề xuất công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.

dam an khe
Giới nghiên cứu di sản đánh giá đầm An Khê còn chứa đựng nhiều bí ẩn của nền văn hóa cổ Sa Huỳnh cách ngày nay khoảng 2.000 đến 2.500 năm. (Ảnh: phuotlendinh.com)

Đầm An Khê có diện tích gần 350 ha, nằm trên địa phận phường Phổ Thạnh và xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ.

Đây là đầm lớn nhất Quảng Ngãi với nguồn lợi thủy sản dồi dào, là nơi mưu sinh của của các hộ dân các thôn Phú Long, Diên Trường (xã Phổ Khánh); Long Thạnh 1, Long Thạnh 2 (phường Phổ Thạnh) và đóng vai trò quan trọng đối với môi trường cũng như sự phát triển kinh tế – xã hội của vùng.

Năm 1909, các nhà khảo cổ học phương Tây đã khảo cổ quanh khu vực đầm An Khê và phát hiện mộ chum cùng nhiều vật dụng là dấu tích của nền văn hóa Sa Huỳnh ở Phú Khương, Thạnh Đức và Long Thạnh…

Đã 113 năm từ phát hiện đầu tiên, giới khảo cổ học trong nước đã mở rộng các cuộc khai quật phát hiện văn hóa Sa Huỳnh khắp các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên và khẳng định không gian quanh đầm An Khê là trung tâm của nền văn hóa Sa Huỳnh – một trong 3 nền văn hóa quan trọng nhất trong tiến trình phát triển của lịch sử Việt Nam.

Đến nay, đáy đầm An Khê vẫn chưa được khai quật, giới nghiên cứu di sản đánh giá đầm còn chứa đựng nhiều bí ẩn của nền văn hóa cổ Sa Huỳnh cách ngày nay khoảng 2.000 đến 2.500 năm.

Đáng chú ý, hiện Công ty TNHH Phát triển công nghệ hệ thống (Systech) đề xuất quy hoạch và đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời đầm An Khê với quy mô 33,9 ha, công suất thiết kế 50 MWp, mức đầu tư 981 tỷ đồng.

Dự án Nhà máy điện mặt trời đầm Nước Mặn (An Khê 2) do Công ty Cổ phần Systech Đà Nẵng (công ty con của Systech) đề xuất với quy mô 32,8 ha, công suất thiết kế 50 MWp, tổng mức đầu tư 981 tỷ đồng. Kế hoạch hoàn thành của hai dự án này là quý IV/2024.

Người dân và chuyên gia phản đối

Ông Lê Tấn Chuẩn, Tổ trưởng tổ dân phố Long Thạnh 2 (phường Phổ Thạnh), nói trên báo Tuổi Trẻ, lâu nay, đầm là sinh kế của hàng ngàn người dân Phổ Khánh, Phổ Thạnh với nghề đánh bắt hải sản và làm nông. Hiện người dân đã khai thác du lịch, chở khách tham quan đầm. Dự án điện mặt trời không được đụng đến đầm An Khê, người dân cũng không đồng ý.

“Đây là nguồn sống của người dân bao đời. Dự án này đi ngược lại mong muốn của người dân, nguyện vọng của chúng tôi là bảo tồn nguyên trạng”, ông Trung, một người dân cho biết.

Báo Tài Nguyên và Môi Trường dẫn lời PGS.TS Bùi Chí Hoàng, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, cho biết đầm An Khê có vai trò quan trọng trong sinh kế cộng đồng, cũng là nơi tạo điều kiện cho nền văn hóa Sa Huỳnh phát triển rực rỡ, không ở đâu có. Quảng Ngãi có trách nhiệm rất lớn đối với nền văn hóa này.

“Điện mặt trời chắc chắn không bền vững. Sau hơn chục năm, việc giải quyết số pin mặt trời là vấn đề không hề đơn giản. Hơn nữa, làm điện mặt trời thì mất sinh kế của cộng đồng”, ông nói.

PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, yêu cầu bảo vệ nguyên trạng đầm An Khê vì đây là không gian của người cổ Sa Huỳnh, liên quan đến lịch sử dân tộc. “Nếu mất đầm An Khê thì sẽ không còn cái đầm thứ hai trên thế giới mang giá trị tương tự và chắc chắn sẽ không cứu vãn được”, ông Tín nói.

Ngày 15/4, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức cuộc họp với chủ đầu tư và các sở ngành về dự án này.

Nhiều ý kiến cho rằng khu vực đề xuất dự án chưa phù hợp với đồ án quy hoạch chung đô thị Đức Phổ đến năm 2035, chưa được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch chung phát triển điện quốc gia, khu vực đề xuất dự án còn có nguy cơ phá vỡ không gian sinh tồn và ảnh hưởng đến không gian văn hóa Sa Huỳnh.

Đa phần ý kiến của các nhà khoa học đều cho rằng nên giữ nguyên hiện trạng khu vực đầm An Khê để được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, tiến tới lập hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Kết luận tại cuộc họp, ông Trần Hoàng Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, yêu cầu tạm dừng dự án và đề nghị các bên liên quan đánh giá lại.

Thế nhưng, ngày 19/4, tỉnh Quảng Ngãi có văn bản gửi Bộ Công thương đề nghị bổ sung dự án điện mặt trời ở đầm An Khê vào quy hoạch phát triển điện mặt trời quốc gia.

Trước phản ứng của dư luận về việc đầu tư nhà máy điện mặt trời trên đầm An Khê, ông Nguyễn Văn Khanh, Giám đốc Công ty Cổ phần Systech Đà Nẵng tại Quảng Ngãi, khẳng định nhà đầu tư quyết tâm theo đuổi đến cùng và sẽ tiếp tục triển khai Dự án khi được bổ sung vào Quy hoạch điện VIII.

Hoàng Minh