Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng, lợi dụng ảnh hưởng của bão Noru, lâm tặc đã dùng cưa pin không có tiếng máy nổ để cưa trộm 165 cây thông 20 năm tuổi.

pha rung thong lam dong
Vụ phá rừng xảy ra tại lô b, khoảnh 3, Tiểu khu 274, lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà quản lý. (Ảnh: baolamdong.vn)

Ông Vũ Đình Cường, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng vừa cho biết vụ phá rừng xảy ra tại lô b, khoảnh 3, Tiểu khu 274, lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà quản lý, thuộc đối tượng rừng sản xuất, trồng năm 2002.

Tại hiện trường, các gốc thông bị cưa còn ứa nhựa và lá còn xanh, dấu hiệu mới bị cưa hạ khoảng 1-2 ngày trước. Các cây bị đốn hạ có đường kính gốc từ 25-40cm.

Ngoài thông, có nhiều cây gỗ tạp đường kính gốc từ 10-13cm cũng bị triệt hạ. Cạnh khu vực rừng thông bị phá, một khoảnh đất rừng khác rộng khoảng 6.000m2 cũng bị lấn chiếm, trên đất đã trồng một số loại cây ăn quả như bơ, chuối…

Bên cạnh đó, còn có một đám rừng với hàng trăm cây thông 3 lá mới chết, lá đỏ quạch vẫn còn chưa rụng, có dấu hiệu bị đầu độc bằng thuốc trừ cỏ.

pha rung thong lam dong 3
Tại khoảnh rừng bị phá, thông nằm la liệt. (Ảnh: baolamdong.vn)

Ông Cường nhận định lâm tặc lợi dụng ảnh hưởng của cơn bão Noru nên đã dùng cưa pin không có tiếng máy nổ để cưa trộm thông nên lực lượng quản lý rừng không phát hiện được.

Qua đo đếm bước đầu, cơ quan chức năng xác định có 165 cây thông 3 lá bị cưa hạ trên diện tích khoảng 1.700m2.

Hiện cơ quan công an đã tổ chức khám nghiệm hiện trường, thu thập thông tin liên quan, xác định thiệt hại cụ thể để làm cơ sở điều tra, xử lý.

pha rung thong lam dong 2
Các cây thông bị đốn hạ có đường kính gốc từ 25-40cm. (Ảnh: baolamdong.vn)

Theo lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, khu vực này có vài nhóm chuyên đi thuê những người địa phương tổ chức phá rừng để lấn chiếm đất. Những người này thường lợi dụng kẽ hở của pháp luật như khi rừng đã phá xong, hành vi lấn chiếm diện tích đất đó sẽ trở thành hành vi lấn chiếm đất lâm nghiệp chứ không phải lấn chiếm rừng. Khi đó, việc xử lý sẽ thuộc về chính quyền địa phương chứ không còn thuộc về lực lượng kiểm lâm.

Những người này đã nghiên cứu pháp luật rất kỹ trước khi thực hiện hành vi phá rừng. Bởi theo quy định của pháp luật, đối tượng rừng sản xuất bị phá phải đủ từ 5.000m2 trở lên mới có thể khởi tố người vi phạm, nên diện tích mỗi lần bị phá thường dưới khung có thể khởi tố hình sự.

Phạm Toàn