Một nhân viên khách sạn lây bệnh trong khu cách ly và đoàn 5 người Trung Quốc sau cách ly tập trung 14 ngày đã di chuyển khắp nơi, trước mắt đã lây bệnh 6 nhân viên quán bar tại Vĩnh Phúc  – điều này đặt ra câu hỏi điều gì đang xảy ra đối với việc quản lý cách ly tập trung và quản lý người sau khi hết cách ly, trước nhất là tại tỉnh Yên Bái?

khach san nhu nguyet 2
Nhân viên y tế phun khử khuẩn tại Khách sạn Như Nguyệt 2 sau ca lây nhiễm chéo là nhân viên khách sạn, phát hiện hôm 26/4. (Ảnh: baoyenbai.com.vn)

Truyền thông trong nước chiều 2/5 dẫn báo cáo của tỉnh Yên Bái, rằng nhóm 5 chuyên gia người Trung Quốc sau khi nhập cảnh, được cách ly tập trung từ ngày 9-23/4 tại khách sạn Như Nguyệt 2 (TP Yên Bái).

Đây cũng là nơi đoàn chuyên gia Ấn Độ cùng thân nhân được cách ly tập trung sau khi nhập cảnh (ngày 18/4). Sau đó, liên tiếp từ ngày 18-23/4, có 4 người Ấn Độ trong đoàn dương tính với virus nCoV (các bệnh nhân 2786, 2811, 2812, 2831); ngày 26/4, 1 nhân viên khách sạn Như Nguyệt 2 bị lây nhiễm từ người trong đoàn (trở thành ca nhân 2857).

Nhóm 5 người Trung Quốc sau khi âm tính 3 lần, hết 14 ngày cách ly (23/4) đã đi đến nhiều nơi tại nhiều tỉnh, thành của Việt Nam và xuất cảnh về Trung Quốc qua cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) ngày 29/4. Trở về Trung Quốc, một người trong nhóm sau đó có kết quả xét nghiệm dương tính nCoV.

Trong khi đó, quy trình quản lý chuyên gia sau khi hết cách ly tập trung được Sở Y tế Yên Bái cho biết như sau: Sau khi hoàn thành 14 ngày cách ly tập trung và có kết quả xét nghiệm âm tính, chuyên gia sẽ được chuyển đến cơ quan xí nghiệp nơi làm việc.

Khi về nơi làm việc (vận chuyển bằng xe riêng), các chuyên gia này chuyển sang giai đoạn theo dõi sức khoẻ trong 14 ngày tiếp theo; kết thúc 14 ngày này tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm lần nữa, khi âm tính sẽ kết thúc quá trình cách ly. Sau đó, ngành y tế bàn giao với chính quyền địa phương để tiếp tục giám sát sức khỏe.

Thực tế đã chỉ ra quy trình trên không được kiểm soát, thực hiện đối với nhóm 5 chuyên gia Trung Quốc, khi chỉ hết 14 ngày cách ly tập trung đã tự do tới nhiều nơi, tiếp xúc rất nhiều người, tại khắp Yên Bái, Bắc Giang, Lai Châu, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Hà Nội…, trong đó có những khu vực nhạy cảm, độ tiếp xúc lớn và khó truy vết như quán bar Sunny tại Vĩnh Phúc.

Mẫu bệnh phẩm cả 5 người (4 chuyên gia Ấn Độ và 1 nhân viên khách sạn người Việt) hiện đã được xác định nhiễm biến chủng kép Ấn Độ B.1.617.2 – biến chủng được đánh giá có tốc độ lây lan nhanh hơn, tỷ lệ tử vong nhiều hơn so với các chủng trước đây do đột biến kép và có nguy cơ vô hiệu quá hoá vắc-xin.

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chiều 2/5 thông báo đang tiếp tục giải trình tự gene nhóm 6 bệnh nhân là nhân viên quán bar Sunny. Nguy cơ trước mắt khi nhóm người Trung Quốc (nguồn lây bệnh của 6 ca trên) cùng khu cách ly tập trung với nhóm chuyên gia Ấn Độ nhiễm biến thể kép ở Ấn Độ trong cùng khoảng thời gian (đoàn 5 người Trung Quốc cách ly từ ngày 9-23/4 và đoàn Ấn Độ cách ly từ ngày 18/4, cùng tại Khách sạn Như Nguyệt 2, TP Yên Bái).

Với đợt bùng phát bất ngờ của dịch viêm phổi Vũ Hán, kể từ ngày 23/4 (thời điểm 6 nhân viên quán bar tiếp xúc đoàn Trung Quốc), trong 11 ngày qua, 29 ca nhiễm trong cộng đồng đã được Việt Nam công bố.

Cả ba chùm lây nhiễm đều có nguy cơ cao, khi chùm lây nhiễm từ bệnh nhân 2899 (Hà Nam, về từ Nhật Bản) từ ngày 28/4 tới nay đã lên tới 18 ca; chùm lây nhiễm từ đoàn chuyên gia Ấn Độ với tổng 5 ca đã nhiễm biến chủng kép Ấn Độ B.1.617.2. Còn chuỗi lây từ đoàn chuyên gia Trung Quốc đang gây nguy cơ lớn khi đã tạo ra tới 6 ca lây nhiễm trong cộng đồng, 6 ca này đã tạo nên nhiều diện tiếp xúc và bản thân đoàn này cũng đi qua nhiều tỉnh, thành, hàng loạt F1, F2, F3… vẫn đang được tìm kiếm.

Nguyễn Quân

Xem thêm:

Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Yên Bái bị tạm đình chỉ