Lừa đảo qua mạng: Người Việt bị lừa gần 16 tỷ USD trong tổng 53 tỷ USD toàn cầu
- Sơn Nguyên
- •
“Có gần 16 tỷ USD do người Việt Nam bị lừa đảo qua mạng trong tổng số 53 tỷ USD toàn cầu. Đó là con số rất lớn để thấy rằng Việt Nam là vùng trũng nhận thức thông tin và sử dụng mạng”, ông Philip Hùng Cao, chiến lược gia và nhà truyền bá về Zero Trust, cho hay.
- ‘Chồng tôi là người rất cẩn thận tại sao vẫn bị lừa hack điện thoại’
- Nhận tin nhắn ‘con cần đóng học phí’, mẹ bị lừa hơn 400 triệu đồng
Chiếm gần 30% thiệt hại của toàn cầu – “Việt Nam là vùng trũng nhận thức thông tin và sử dụng mạng”
Ông Philip Hùng Cao, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ an ninh mạng VinCSS cho biết Liên minh Chống lừa đảo toàn cầu (GASA) và dự án xã hội chống lừa đảo đã phối hợp công bố báo cáo về tình trạng lừa đảo qua mạng tại Việt Nam năm 2023.
“Có gần 16 tỷ USD do người Việt Nam bị lừa đảo qua mạng trong tổng số 53 tỷ USD toàn cầu. Đó là con số rất lớn để thấy rằng Việt Nam là vùng trũng nhận thức thông tin và sử dụng mạng”, ông Philip nhận định.
Theo báo cáo trên, lừa đảo qua mạng có tỷ suất lợi nhuận 2.500% trong năm qua, dự đoán năm 2024 tỷ suất lợi nhuận càng tăng. Với mức lợi nhuận như trên, ông Philip ví lĩnh vực này như ngành công nghiệp. “Chắc không có ngành nào lãi suất cao như vậy”, ông Philip nói.
Đồng quan điểm, ông Võ Văn Khang, Phó chủ tịch Chi hội phía Nam của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (Vnisa) cũng cho rằng lừa đảo qua mạng hiện nay là ngành công nghiệp, không còn xuất phát từ cá nhân hay nhóm nhỏ.
“Họ có ‘giáo trình’, có phương pháp về mặt tâm lý học và công cụ hiện đại để tiếp cận nạn nhân. Với nhận thức còn thấp về an toàn thông tin, Việt Nam trở thành nơi đắc địa để tội phạm khai thác”, ông Khang cảnh báo.
“Nín thở 7 giây trước khi click chuột”
Theo khảo sát của Liên minh chống lừa đảo toàn cầu (GASA) được hỗ trợ bởi dự án Chống lừa đảo, Facebook và Gmail là những kênh lừa đảo chính, với 71% số người được hỏi gặp phải các vụ lừa đảo thông qua những nền tảng được sử dụng rộng rãi này. Tiếp đến là Telegram (28%), Google (13%) và TikTok (13%).
“Hầu hết người Việt Nam đều bị lừa đảo qua cuộc gọi điện thoại và tin nhắn/SMS Facebook và Gmail. Trong đó, lừa đảo trộm danh tính có tác động lớn nhất so với các trò lừa đảo khác, sau đó đến mua sắm và tuyển dụng. Không ít bạn trẻ, sinh viên tin và bị hấp dẫn bởi những lời mời gọi việc nhẹ lương cao. Hậu quả là thời gian qua không ít bạn bị lừa sang Campuchia, bị nhốt, đánh đập nếu không làm việc theo yêu cầu của bọn chúng…”, ông Ngô Minh Hiếu cho hay.
Ông Philip cho rằng cần “nín thở 7 giây trước khi click chuột” để kiểm chứng thông tin, hoặc tắt hết các kết nối khi không cần dùng đến như WiFi, bluetooth…
Ông Khang cũng lưu ý người dùng mạng nên chậm lại để tỉnh táo. “Quá nhanh, quá tin tưởng sẽ dễ bị lừa đảo. Hãy đặt câu hỏi về nguồn gốc của người đang trò chuyện: Họ là ai? Vì sao họ biết mình và có thông tin của mình? Tại sao không quen biết mà họ lại mang lợi ích đến cho mình?”, ông Khang nói.
“Chính nhân viên bán dữ liệu ra ngoài chứ không có hacker nào cả”
Nhắc những câu chuyện thông tin khách hàng từ các doanh nghiệp bị lộ ra ngoài, ông Hiếu cho rằng Việt Nam có nhiều giải pháp, những ứng dụng lừa đảo, các trang web, áp dụng trí tuệ nhân tạo AI, truy vết và truy quét, sản phẩm an toàn thông tin cũng không thiếu nhưng thông tin khách hàng từ các doanh nghiệp vẫn bị mua bán trên mạng.
“Chính nhân viên bán dữ liệu ra ngoài chứ không có hacker nào cả. Doanh nghiệp cần bảo toàn thông tin để không mất uy tín khách hàng, uy tín của chính doanh nghiệp, kể cả tránh những kiện tụng về sau…” – hacker mũ đen trong đường dây tội phạm mạng đa quốc gia do mật vụ Mỹ bắt năm 2013 khẳng định.
Ông Hiếu cho biết từng khảo sát 1.000 người, có nhiều nạn nhân và lừa đảo rất phức tạp. Dẫn kết quả tổng kết từ cơ quan chính phủ, ông Hiếu cho hay tháng 7/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông có tổng kết 24 hình thức lừa đảo qua mạng, trong đó có 3 hình thức chủ yếu: lừa đảo làm cộng tác viên, lừa đảo đầu tư và tình cảm.
“Qua các bước như từ mạng xã hội, cuộc gọi điện thoại, sau đó nạn nhân của lừa đảo qua mạng sẽ bị dẫn dụ vào Telegram. Khi đến bước này thì khả năng bị lừa đã là 95%”, ông Hiếu nói về khả năng bị sập bẫy của người dùng mạng.
“Dự án Chongluadao là dự án hoàn toàn miễn phí, với phương châm cộng đồng cùng nhau bảo vệ cộng đồng. Dự án ra đời nhằm nâng cao nhận thức cho cộng động mạng Việt Nam, bảo vệ mọi người trên không gian mạng bằng công cụ, kỹ thuật và kết hợp với nhiều tổ chức tập đoàn bảo mật lớn trên thế giới để bảo vệ người Việt tránh khỏi các trang web độc hại, giả mạo, lừa đảo, đánh cắp thông tin tài khoản”, ông Hiếu chia sẻ.
Dự án Chống lừa đảo (ra mắt website https://chongluadao.vn/ vào tháng 2/2021) do ông Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) làm trưởng nhóm; các thành viên gồm: Phạm Tiến Mạnh; Lê Phước Hòa, Nguyễn Trọng Đại; Huỳnh Ngọc Khánh Minh; Phan Hoàng Tuấn Trung… Dự án thuộc Công ty TNHH Doanh nghiệp xã hội Chống Lừa Đảo do ông Hiếu thành lập vào tháng 11/2021, đảm nhiệm vị trí giám đốc. Ngày 21/12/2023, Dự án Chống lừa đảo được vinh danh tại giải Nhân Tài Đất Việt 2023 với hạng mục “Cống hiến xã hội” do Hội Khuyến học Việt Nam chủ trì. Dự án Chống lừa đảo sử dụng kết hợp nhiều công cụ phần mềm, áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo/máy học để giúp phát hiện các trang web đường link độc hai, lừa đảo, giả mạo trên không gian mạng đang tấn công vào người dùng Internet Việt Nam. Sau khi được kiểm chứng chuyên sâu để xác định, các trang web, đường link độc hại được đưa vào cơ sở dữ liệu tình báo mối nguy (Threat feed API) nhằm giúp ngăn chặn truy cập và cảnh báo đỏ trên các trình duyệt và chương trình diệt virus. |
Sơn Nguyên
Từ khóa lửa đảo qua mạng bị lừa bán sang Campuchia việc nhẹ lương cao