Tuyến đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội (metro Nhổn – ga Hà Nội) có tiến độ tổng thể chung khoảng 75,44%, trong đó có gói thầu chậm tiến độ 6 tháng qua. UBND TP. Hà Nội vừa đề nghị các nhà tài trợ tiếp tục hỗ trợ để đạt mục tiêu vận hành đoạn trên cao trong tháng 12/2022.

metro nhon ga ha noi tiep tuc cham tien do ha noi muon xin tai tro de hoan thanh
UBND TP. Hà Nội đang đề xuất tăng gần 2.000 tỷ đồng vốn đầu tư cho dự án Metro Nhổn-ga Hà Nội, lùi thời hạn khai thác toàn tuyến thêm 5 năm, đến 2027. (Ảnh: mrb.hanoi.gov.vn)

Văn phòng UBND TP. Hà Nội vừa thông báo ý kiến kết luận, chỉ đạo của ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. tại cuộc làm việc với các nhà tài trợ về việc thực hiện dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn – Ga Hà Nội.

Theo đánh giá của các nhà tài trợ, tiến độ tổng thể chung của dự án đạt khoảng 75,44%. Trong đó, tiến độ thi công đoạn trên cao đạt 97,2%, đoạn ngầm đạt 33%.

Tuy nhiên, dự án đã bị chậm tiến độ, cần sớm phải giải quyết các khó khăn, vướng mắc, không để làm chậm thêm. UBND TP. đề nghị các nhà tài trợ tiếp tục hỗ trợ thành phố làm việc với các bộ, ngành liên quan để giải quyết dứt điểm các vướng mắc.

Về đoạn tuyến trên cao, UBND TP. Hà Nội yêu cầu việc hoàn thành xây lắp, hệ thống thiết bị, vận hành 8,5km đoạn trên cao trước ngày 31/12/2022 theo quyết định của Chính phủ là “nhiệm vụ quan trọng, trọng tâm”. Theo đó, chính quyền TP yêu cầu các sở, ngành, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) và các đơn vị liên quan phải nghiêm túc tham gia cùng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) trong quá trình nghiệm thu, bàn giao dự án.

Gói thầu CP05 – Công trình kiến trúc Depot do Tổng công ty Xây dựng Hà Nội – HANCORP là nhà thầu – bị chậm tiến độ 6 tháng do khó khăn về kỹ thuật, huy động nhân sự, hồ sơ nghiệm thu, thanh toán… Đây được cho là nguyên nhân chính ảnh hưởng, đe dọa đến mốc vận hành đoạn trên cao trong tháng 12/2022.

UBND TP. giao MRB chủ trì, phối hợp với Tư vấn SYSTRA, HANCORP và các sở, ngành liên quan kiểm tra, rà soát kỹ quy trình, thủ tục, giải pháp kỹ thuật và các nội dung liên quan để yêu cầu nhà thầu thực hiện theo tiến độ đã cam kết, huy động tối đa nhân công, máy móc để thi công, lắp đặt thiết bị tại hiện trường; có biện pháp rút ngắn thời gian thực hiện gói thầu để vận hành đoạn trên cao trong tháng 12/2022.

Tương tự, với gói thầu CP06 – Hệ thống đường sắt 1, UBND TP. Hà Nội yêu cầu MRB và Tư vấn SYSTRA tiếp tục làm việc với nhà thầu để thống nhất giải pháp tối ưu về phương án, bảo đảm vận hành đoạn trên cao trong tháng 12/2022.

Về thẻ vé, thành phố yêu cầu Sở GTVT Hà Nội phải kết thúc lựa chọn nhà thầu trước ngày 15/12/2022; thời hạn là trước ngày 20/12/2022 có vé để thử nghiệm tích hợp với hệ thống của dự án để tiến hành giai đoạn thử nghiệm và vận hành thương mại.

Ngày 9/12, Bộ GTVT công khai thông tin góp ý về đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án metro Nhổn – ga Hà Nội của UBND TP. Hà Nội.

“Dự án đã gia hạn 2 lần nên UBND TP. Hà Nội cần tính toán kỹ lưỡng các yếu tố, có cam kết ràng buộc trách nhiệm của các bên tham gia, chế tài xử lý để có thể hoàn thành dự án theo tiến độ gia hạn (năm 2027), tránh trường hợp phải tiếp tục báo cáo cấp có thẩm quyền gia hạn tiến độ”, Bộ GTVT nhận định.

Bộ GTVT đề nghị UBND TP. Hà Nội cần rà soát, giải quyết dứt điểm các tồn tại liên quan đến giải phóng mặt bằng, năng lực nhà thầu thực hiện gói thầu CP05 – các công trình kiến trúc depot (khu trung tâm điền khiển và bảo dưỡng, sửa chữa tàu) do Tổng công ty Xây dựng Hà Nội thực hiện.

Liên quan đến việc gia hạn hiệp định vay vốn với nhóm nhà tài trợ nước ngoài cho dự án, Bộ GTVT đề nghị UBND TP. Hà Nội tham khảo ý kiến của nhà tài trợ về việc gia hạn thời gian thực hiện dự án trước khi báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, chấp thuận.

Tất cả các hiệp định vay ODA cho dự án đều có thời hạn đến năm 2025, nên trong trường hợp tiến độ hoàn thành công trình được gia hạn thì thời gian vay vốn cũng phải kéo dài đến hết năm 2029, thời điểm kết thúc bảo hành các hạng mục.

Hiện mới có Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đồng ý gia hạn đến hết ngày 31/12/2029, trong khi 3 khoản vay từ Chính phủ Pháp, Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vẫn chưa có ý kiến đồng ý chính thức của nhà tài trợ.

Dự án đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội có tổng chiều dài chính tuyến là 12,5 km (8,5 km đoạn đi trên cao và khoảng 4 km đoạn đi ngầm), gồm 12 ga (8 ga trên cao, 4 ga ngầm), 1 depot rộng 15,5 ha.

Tổng mức đầu tư được phê duyệt là 32.910 tỷ đồng; thời gian thực hiện từ năm 2009 – 2022 (trong đó đưa vào khai thác, vận hành toàn tuyến vào tháng 12/2022).

Tại Tờ trình do UBND TP. Hà Nội gửi HĐND TP. vào đầu tháng 9/2022 về việc thông qua Nghị quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn – ga Hà Nội, UBND TP. đề xuất điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dự án từ 32.910 tỷ đồng lên 34.826 tỷ đồng. Tổng mức tăng là 1.916 tỷ đồng.

Thời gian thực hiện dự án được đề xuất lùi từ giai đoạn 2009 – 2022 thành 2009 – 2027 (chưa bao gồm thời gian bảo hành 24 tháng), thay vì cuối năm 2023 như tiến độ điều chỉnh hồi cuối năm 2021.

Trong đó, UBND TP. đưa ra mốc khai thác, vận hành đoạn trên cao vào năm 2022; khai thác, vận hành toàn tuyến vào năm 2027 (gồm cả đoạn ngầm).

Nguyễn Quân