Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

mo to xe gan may phai kiem dinh khi thai tu ngay 1 1 2025
Mô tô, xe gắn máy phải kiểm định khí thải từ ngày 1/1/2025. (Ảnh: weltreisendertj/shutterstock)

Luật mới quy định việc xe mô tô, xe gắn máy sẽ phải thực hiện kiểm định khí thải.

Việc kiểm định khí thải được thực hiện tại các cơ sở kiểm định khí thải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Bộ trưởng Bộ GTVT sẽ quy định trình tự, thủ tục cấp mới, cấp lại, tạm đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động cho cơ sở kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy.

Bộ trưởng cũng quy định trình tự, thủ tục kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy; quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở vật chất kỹ thuật và vị trí cơ sở đăng kiểm xe cơ giới, cơ sở kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy.

Trước đó, Viện Chiến lược và phát triển GTVT cho biết giai đoạn 2005-2022 tăng trưởng xe máy tại Việt Nam đạt bình quân khoảng 9,1%/năm. Đến nay, số lượng xe máy đã đăng ký trên cả nước đạt khoảng 69,2 triệu xe và số xe lưu hành đạt khoảng 45,5 triệu xe.

Tại các thành phố lớn, xe máy vẫn là phương tiện giao thông chính. Thống kê năm 2020, xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành tại Hà Nội chiếm 84%; tại TP.HCM chiếm 91% và tại Đà Nẵng chiếm 90% trong tổng số các loại hình phương tiện giao thông. Giai đoạn 2025-2030 xe máy vẫn sẽ là loại hình vận tải cá nhân thông dụng, phổ biến, tuy nhiên, đây cũng chính là phương tiện phát thải khí thải lớn nhất ra môi trường tại các thành phố lớn.

Theo kết quả từ 3 chương trình đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy tại 3 thành phố: Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng cho thấy xe trên 5 năm đã có xu hướng vượt tiêu chuẩn khí thải hiện hành và xe trên 10 năm có tỷ lệ phát thải rất lớn.

Trong khi đó, xe có tuổi đời trên 10 năm tại cả 3 thành phố đều chiếm tỷ lệ trên 50% tổng số xe mô tô, xe gắn máy trên địa bàn. Cụ thể, ở Hà Nội chiếm 72,58%, tại TP.HCM chiếm 68%, tại Đà Nẵng chiếm trên 59%.

Ông Đinh Trọng Khang, Phó Giám đốc Viện chuyên ngành Môi trường, Viện Khoa học công nghệ GTVT, cho biết kết quả nghiên cứu trong quá trình đo kiểm khí thải xe máy cho thấy nếu người sử dụng xe thực hiện chế độ bảo dưỡng định kỳ theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất thì có thể kiểm soát tốt lượng khí thải, giảm mức tiêu hao nhiên liệu của xe (7%).

Hồi năm 2023, khi đề xuất trên được đưa ra, TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT, đề nghị cần có bộ tiêu chí nhằm xác định xe nào phải kiểm định, xe nào không. Bởi lẽ, ông cho rằng với số lượng xe máy cực lớn như hiện nay, việc triển khai kiểm định đồng loạt là khó khả thi, tốn kém. “Sẽ không có hệ thống trạm kiểm định nào có thể đáp ứng cùng lúc kiểm tra mấy chục triệu xe như vậy được”, ông nói.

Ông Thủy cho hay cơ quan chức năng chỉ nên kiểm định khí thải đối với những xe máy cũ nát, có thời gian sử dụng đã lâu, nhả khói đen (xây dựng tiêu chí cụ thể). Việc kiểm định có thể triển khai thí điểm trước để đánh giá thực tiễn, sau đó mới tính toán nhân rộng.

Cơ quan chức năng cũng có thể cân nhắc áp dụng quy định theo đặc thù của từng địa phương; ví dụ, tập trung vào các thành phố có mật độ dân cư cao, thường xuyên ùn tắc, kẹt xe… (tính toán quy mô dân số cụ thể), thay vì áp dụng trên cả nước.

Ông còn cho rằng xe máy là phương tiện đi lại và mưu sinh của hàng chục triệu người lao động. Vì vậy, cơ quan quản lý cần có sự nghiên cứu, đánh giá tác động, hỗ trợ người dân sao cho phù hợp, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của họ.

Minh Long