Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận 6 ca đột quỵ, đều là người trẻ từ 32 đến dưới 45 tuổi.

mot dem 6 nguoi tre phai nhap vien vi dot quy
Một bệnh nhân điều trị đột quỵ tại Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: bachmai.gov.vn)

PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai, cho biết đêm 21/3, bệnh viện tiếp nhận 6 bệnh nhân đột quỵ, họ đều là người trẻ tuổi.

Cụ thể, nữ bệnh nhân 32 tuổi (quê Hưng Yên) được đưa vào viện với triệu chứng liệt nửa người trái hoàn toàn và nói ngọng giờ thứ nhất. Bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu não cấp do tắc động mạch cảnh trong phải giờ thứ nhất.

Trong 35 phút kể từ khi nhập viện (tức ngay giờ thứ 2 của bệnh), bệnh nhân được dùng thuốc tiêu huyết khối. Tiếp đó, bệnh nhân được can thiệp tái thông động mạch cảnh não. Nhờ đồng thời áp dụng 2 phương pháp điều trị, tiêu huyết khối và lấy huyết khối, bệnh nhân đã hết nói khó, còn yếu nhẹ nửa người phải, chỉ số cải thiện tốt.

Một trường hợp khác, nam bệnh nhân 36 tuổi được chuyển từ Bệnh viện ở Phú Quốc. Khi đang làm việc tại Phú Quốc, đồng nghiệp phát hiện bệnh nhân liệt nửa người phải và thất ngôn. Khi được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân được điều trị tiêu huyết khối vào giờ thứ 3 kể từ khi khởi phát.

Tuy nhiên, không may mắn như ca bệnh trước, sau khi thăm khám, chụp MRI, DSA làm chẩn đoán, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị nhồi máu não do tắc động mạch cảnh trong – não giữa trái giờ thứ 12.

Bác sĩ Tôn cho biết đây là bệnh lý hiếm gặp của mạch máu não thường xảy ra ở tuổi 30-50 ở nhóm bệnh nhân Đông Á. Bệnh tiến triển mạn tính gây hẹp dần, tắc động mạch cảnh trong sọ và các mạch máu nhỏ tăng sinh để bù trừ. Bệnh nhân đang tiếp tục được theo dõi, điều trị nội khoa, tuy nhiên sự phục hồi rất chậm.

Một trường hợp khác cũng là người trẻ, nam giới 32 tuổi. Khi đang chơi cầu lông cùng bạn, bệnh nhân đột ngột liệt nửa người trái và thất ngôn.

Người này được bạn trực tiếp đưa vào Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai. 40 phút kể từ khi vào viện, ca bệnh được chẩn đoán: Nhồi máu não cấp giờ thứ 1 do tắc động mạch não giữa phải đoạn M1 và được chỉ định dùng thuốc tiêu huyết khối.

Tua trực Điện quang đã sẵn sàng để rút ngắn tối đa thời gian tái thông mạch máu cho ca bệnh này. Sau 30 phút can thiệp, động mạch não giữa phải đã được tái thông hoàn toàn (mức độ tái thông TICI 3).

Nhờ đến viện sớm và được điều trị tái tưới máu tích cực bằng cả 2 phương pháp tiêu huyết khối và can thiệp lấy huyết, bệnh nhân hồi phục gần như hoàn toàn, có thể nói chuyện và đi lại như bình thường.

Ngoài các ca bệnh trên, còn 3 ca khác đều dưới 45 tuổi, trong đó 2 ca tiến triển tốt.

Riêng trường hợp bệnh nhân nữ 49 tuổi nhập viện hôn mê, thở máy được chuyển từ tuyến dưới lên hiện tiên lượng rất nặng, nguy cơ tử vong cao.

Qua khai thác người thân, bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp nhưng không dùng thuốc. Khi tai biến xảy ra, bệnh nhân đang làm ca đêm thì đột ngột đau đầu rồi rơi vào hôn mê. Khi đưa vào tới bệnh viện tuyến dưới, bệnh nhân đã hôn mê, huyết áp đo được tới 240/120 mmHg.

Bệnh nhân được đặt nội khí quản, thở máy, kiểm soát huyết áp và chuyển đến Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai.

Người bệnh được chẩn đoán chảy máu đồi thị phải – cuống não với thể tích máu tụ 60 ml. Hiện bệnh nhân được điều trị tích cực, nhưng với lâm sàng hôn mê sâu, vị trí chảy máu nguy hiểm, tiên lượng bệnh nhân rất nặng, nguy cơ tử vong cao.

Theo PGS Tôn, số bệnh nhân đột quỵ vào Trung tâm tăng qua các năm. Năm 2023, các bác sĩ tiếp nhận 13.228 người, tăng hơn 2.000 ca so với năm trước đó, khoảng 8% là người trẻ. Khoảng 20% bệnh nhân đến viện sớm, tăng so với trước nhưng vẫn rất thấp so với thế giới.

“Khi bệnh nhân đến viện sớm, được sử dụng tiêu huyết khối qua đường tĩnh mạch, hoặc dùng dụng cụ lấy huyết khối đường động mạch, nhanh hồi phục. Song, không ít các ca bệnh đến muộn khiến việc điều trị khó khăn, để lại nhiều di chứng”, bác sĩ Tôn nói.

Đột quỵ não gồm hai dạng là nhồi máu não và xuất huyết não. Hầu hết đột quỵ ở người trẻ liên quan đến yếu tố nguy cơ, như tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa, bệnh lý tim mạch, lối sống không lành mạnh như lạm dụng thuốc, rượu bia, ít vận động thể lực… Đột quỵ ở người trẻ còn do những bất thường bẩm sinh như dị dạng mạch máu não vốn có từ bé, đến thời điểm các phình mạch đủ lớn gây ra vỡ.

Bộ Y tế thống kê Việt Nam mỗi năm có khoảng 20.000 người đột quỵ, tỷ lệ tử vong khoảng 40%. Đặc biệt, số người trẻ bị đột quỵ đang có xu hướng tăng. Người trẻ và người trung niên chiếm khoảng 30% tổng ca đột quỵ. Theo thống kê tại các bệnh viện, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi trung bình tăng khoảng 2% mỗi năm, trong đó số nam giới nhiều gấp 4 lần nữ.

Minh Long