Theo dự báo, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đang có xu thế tăng theo kỳ triều cường, từ ngày 10 đến hết ngày 15/2, tức trúng dịp Tết Nguyên đán với thời gian từ ngày mùng 1 đến hết ngày mùng 5 Tết. 

lua chet nhiem man
Lúa chết vì nhiễm mặn ở huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu trong mùa khô năm 2000. (Ảnh: baobaclieu.vn)

Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NN&PTNT) nhận định nguy cơ xuất hiện tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023-2024 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không gay gắt như các năm 2015-2016 và năm 2019-2020, TTXVN dẫn tin.

Theo Cục Thủy lợi, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đang có xu thế tăng theo kỳ triều cường Tết Nguyên đán. Dự báo xâm nhập mặn tăng từ nay đến ngày 15-2.

Ranh mặn 4 g/l lớn nhất tuần có thể tiến sâu từ 30-45 km tại các cửa sông Cửu Long, từ 55-60 km trên sông Vàm Cỏ và từ 25-30 km trên sông Cái Lớn. Hiện tại, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi từ 30-45 km vào các ngày triều cường.

Cục Thủy lợi nhận định nguy cơ xuất hiện tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023-2024 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và mùa khô năm 2022-2023, nhưng không gay gắt như các năm 2015-2016 và năm 2019-2020.

Từ tình huống trên, Cục Thủy lợi đề nghị các địa phương cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo nguồn nước, xâm nhập mặn. Các giải pháp bao gồm vận hành công trình thủy lợi lấy và trữ nước ngọt trong nội động; khoanh vùng cụ thể các diện tích cây trồng (đặc biệt là cây ăn trái) để trữ nước dự phòng.

Theo thông tin phát từ giữa tháng 12/2023, Cục Thủy lợi dự báo mùa khô 2023-2024, nguồn nước về Đồng bằng sông Cửu Long có khả năng thiếu hụt từ 10 đến 15% so với trung bình nhiều năm; nguy cơ nguồn nước ngọt khó khăn ngay từ đầu mùa khô, nhất là các khu vực ven biển, xa dòng chính sông Cửu Long. Xâm nhập mặn ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm nhưng ở mức ít nghiêm trọng hơn so với mùa khô năm 2015-2016 và năm 2019-2020. Ở vùng các cửa sông Cửu Long, xâm nhập mặn có khả năng xuất hiện từ giữa tháng 1/2024, sớm hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 15 ngày.

Theo số liệu của Sở NN&PTNT Bến Tre, trong mùa khô năm 2015-2016, mặn tăng cao đột ngột và xâm nhập rất sâu, ước tính giá trị thiệt hại của riêng ngành nông nghiệp là 1.800 tỷ đồng. Trong mùa khô năm 2019-2020, đợt xâm nhập mặn khốc liệt với độ mặn 2‰ hầu như bao phủ toàn tỉnh trong thời gian dài, có thời điểm trên 5‰. 5.400 ha lúa vụ Đông Xuân (vụ 3) chết; gần 28.000 ha cây ăn trái trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng… cùng gần 87.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Ước tính giá trị thiệt hại của riêng ngành nông nghiệp là 1.660 tỷ đồng.

Tại Tiền Giang, trong mùa khô năm 2020, tổng diện tích cây ăn trái bị thiệt hại do mặn là 5.343 ha (các huyện phía Tây 5.195 ha, các huyện phía Đông 148 ha). Trong đó 1.434 ha có tỷ lệ thiệt hại từ 30-70%, 3.909 ha có tỷ lệ thiệt hại trên 70% (chết).

Nguyễn Quân