Chiều thứ Tư (8/5), Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ tổ chức phiên điều trần trực tuyến tại Washington, để nghe ý kiến ​​của hai bên về việc có công nhận Việt Nam là nước “kinh tế thị trường” hay không.

Embed from Getty Images

Ngày 14/11/2023, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ, bà Gina Raimondo, tham dự Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2023 tại San Francisco, California. (Ảnh: Kent Nishimura/ Getty Images)

Hiện nay, Hoa Kỳ liệt Việt Nam, Trung Quốc, Nga, Belarus, Azerbaijan và 9 quốc gia khác vào danh sách các quốc gia có nền kinh tế phi thị trường, và áp dụng thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa của các nước này.

Việt Nam cho rằng do những cải cách kinh tế được thực hiện gần đây, nên loại bỏ nhãn hiệu “phi thị trường” vì điều này không có lợi cho mối quan hệ song phương ngày càng chặt chẽ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.

Washington coi việc cải thiện toàn diện quan hệ song phương là sự kiểm soát và cân bằng đối với chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Năm ngoái, trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden, hai nước đã nâng cấp quan hệ song phương lên thành “đối tác chiến lược toàn diện”. Đồng thời vị thế ngoại giao của Washington tại Việt Nam cũng được nâng lên ngang hàng với Trung Quốc và Nga.

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính kêu gọi Chính phủ Hoa Kỳ công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, để phù hợp với quan hệ đối tác giữa hai nước, đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ, và thoát khỏi ảnh hưởng của ĐCSTQ.

Ông Ted Osius, cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp ASEAN-Hoa Kỳ (USABC), cho biết, các công ty Hoa Kỳ đã đầu tư mạnh vào Việt Nam, vì họ nhận ra tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.

Ông tin rằng Việt Nam đã là một quốc gia có nền kinh tế thị trường. Việt Nam đã đáp ứng các tiêu chuẩn quan trọng như khả năng chuyển đổi tiền tệ, và sẵn sàng nhận được sự công nhận chính xác.

Ngành công nghiệp Hoa Kỳ: Lo ngại gây tổn hại đến lợi ích của Hoa Kỳ

Các nhà sản xuất thép và thủy sản ở duyên hải Vịnh Mexico của Hoa Kỳ phản đối việc nâng cấp Việt Nam lên thành “nền kinh tế thị trường”. Nhưng các nhà bán lẻ và các nhóm kinh doanh khác lại ủng hộ việc này.

Trong các cuộc điều tra thuế chống bán phá giá, Hoa Kỳ áp dụng mức thuế cao hơn đối với hàng hóa từ các nước có nền kinh tế phi thị trường. Cuộc điều tra này sử dụng giá cả ở các nước thứ ba để xác định giá trị thị trường hợp lý của sản phẩm nhập khẩu.

Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (USITC) một lần nữa áp thuế chống bán phá giá 25,76% đối với tôm nuôi đông lạnh từ Việt Nam trong năm nay, nhưng chỉ áp mức thuế 5,34% đối với tôm sản xuất tại Thái Lan (nước có nền kinh tế thị trường).

Liên minh Tôm miền Nam Hoa Kỳ bày tỏ phản đối việc trao cho Việt Nam vị thế là nền kinh tế thị trường. Do những hạn chế về quyền sở hữu đất đai, luật lao động yếu kém và thuế hải sản thấp của Việt Nam, việc giảm thuế nhập khẩu sẽ gây tổn hại cho các ngành công nghiệp trong nước và người lao động ở Hoa Kỳ.

Các nghị sĩ Quốc hội lo ngại khuyến khích hàng Trung Quốc trốn thuế

Việc cải thiện vị thế nền kinh tế thị trường của Việt Nam cũng gặp phải sự phản đối rất lớn tại Quốc hội Hoa Kỳ. 8 thượng nghị sĩ và 31 dân biểu đã viết thư cho Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo để phản đối.

Họ lo ngại rằng động thái này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đầu tư mạnh vào Việt Nam, giúp họ dễ dàng lách thuế chống bán phá giá của Mỹ đối với hàng hóa của họ.

Các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã cảnh báo chính phủ, không được cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam. Vì có bằng chứng quan trọng cho thấy, Việt Nam không đáp ứng các yêu cầu để được công nhận là quốc gia có nền kinh tế thị trường.

Ông Roy Houseman, Giám đốc lập pháp của United Steelworkers (USW), cũng cho rằng việc xác định Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường sẽ làm xói mòn cơ sở sản xuất trong nước của Hoa Kỳ, và làm suy yếu khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng Hoa Kỳ, cũng như củng cố vai trò của Việt Nam như một kênh cho dòng hàng hóa được buôn bán không công bằng của Trung Quốc tràn vào.

Tiêu chuẩn đánh giá vị thế nền kinh tế thị trường khắt khe

Bộ Thương mại Hoa Kỳ có các tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt để xem xét vị thế “nền kinh tế thị trường” của một quốc gia, bao gồm: Mức độ chuyển đổi của đồng tiền quốc gia, mức lương – kết quả của các cuộc đàm phán tự do giữa lao động và vốn, có cho phép liên doanh hoặc các khoản đầu tư nước ngoài khác hay không, các quyết định về phân bổ, giá cả và sản lượng, v.v.

Các tiêu chí khác bao gồm liệu chính phủ có sở hữu hay kiểm soát các phương tiện sản xuất hay không, và có kiểm soát việc phân bổ nguồn lực cũng như các quyết định về giá cả và sản lượng hay không.

Tháng 10/2023, Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố triển khai đánh giá những thay đổi về hiện trạng nền kinh tế phi thị trường của Việt Nam. Quá trình đánh giá dự kiến ​​sẽ hoàn thành vào cuối tháng 7 năm nay.