Năm 2018, người Việt đã chi ra hơn 168.000 tỷ đồng (hơn 7,2 tỷ USD) để uống 4,5 tỷ lít bia, rồi sau đó bỏ ra 76.000 tỷ đồng giải quyết hậu quả do bệnh tật hay tai nạn giao thông gây ra bởi rượu bia. Tính ra, số tiền chi cho rượu bia bằng khoảng 3% GDP, trong khi mức chi cho giáo dục vào khoảng 5,8% GDP, y tế 7,5% GDP. Và hiện dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia vẫn còn nhiều tranh cãi.

ruou bia
(Ảnh minh họa: Shutterstock)

Theo thông tin từ Statista, năm 2018, thị trường Việt Nam tiêu thụ gần 4,5 tỷ lít bia. Với mức tăng trưởng trung bình khoảng 5.6%/năm, đến năm 2023, mức tiêu thụ sẽ đạt gần 5,1 tỷ lít.

Dân số Việt Nam trong năm 2018 là gần 97 triệu người (theo Liên Hợp Quốc), tính ra, bình quân mỗi người tiêu thụ 46,2 lít.

Với cơ cấu dân số từ 15 tuổi đến 65 tuổi chiếm 70.4% tổng số dân (theo Index Mundi), tức 68,3 triệu người, mức tiêu thụ trung bình một người trong độ tuổi trên trong năm 2018 là 65,9 lít.

Screen Shot 2019 06 06 at 8.46.51 AM
Bảng tổng hợp về tiêu thụ bia tại một số quốc gia Châu Á (Tổng hợp bởi trithucvn)

Nhìn vào bảng trên, có thể thấy lượng bia tiêu thụ theo đầu người tại Việt Nam cao hơn nhiều so với các quốc gia lân cận trong khu vực như Nhật, Hàn, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc.

Tính ra, người Việt đã chi 7,2 tỷ USD cho tiền bia trong năm 2018 (tức hơn 168.000 tỷ đồng). Con số này tương đương gần 3% GDP.

Trung bình mỗi người Việt dành tới gần 3% thu nhập hàng năm cho bia, con số này cũng cao hơn hẳn các quốc gia lân cận trong bảng.

Trong khi đó, theo World Bank, mức chi tiêu cho giáo dục tại Việt Nam năm 2018 vào khoảng 5,8% GDP, cho y tế 7,5% GDP.

Đó là chưa tính đến rượu. Theo Bộ Y tế, người Việt tiêu thụ khoảng 300 triệu lít rượu/năm.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết tình trạng sử dụng rượu bia tại Việt Nam ở mức báo động, đặc biệt có xu hướng tăng nhanh, tạo gánh nặng đến y tế và kinh tế.

Tổng chi phí y tế cho điều trị 6 loại ung thư phổ biến tại Việt Nam liên quan đến sử dụng rượu bia (ung thư gan, đại trực tràng, khoang miệng, dạ dày, vú, cổ tử cung) gần 26.000 tỷ đồng, chiếm 0,25% tổng GDP năm 2017.

Chi phí giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia chiếm 1% GDP, tương đương khoảng 50.000 tỷ đồng.

Tình trạng sử dụng rượu bia ở Việt Nam dẫn đến gần 80.000 ca tử vong năm 2016, hàng trăm nghìn người khác phải nhập viện. Khoảng 15% số giường tại các bệnh viện tâm thần dành cho người bệnh loạn thần do rượu bia.

Trong khi đó, hệ thống pháp luật về phòng chống tác hại rượu bia của Việt Nam còn nhiều khoảng trống và còn đang có nhiều tranh cãi.

Cụ thể, dự thảo Luật phòng chống tác hại rượu bia đã được trình Quốc hội cho ý kiến vừa qua vẫn chưa thống nhất được phương án về giờ cấm bán rượu bia và quy định về việc điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu bia.

Theo đó, gần một nửa số Đại biểu quốc hội không đồng ý với đề xuất “Cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông” cũng như đề xuấtCấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn.”

Lê Xuân

Xem thêm: