Xe ô tô từ 9 chỗ trở xuống, xe máy đăng ký tại nước ngoài được nới thời hạn tham gia giao thông tại Việt Nam lên tối đa không quá 45 ngày.

khach nuoc ngoai
Du khách nước ngoài có thể tự lái xe vào Việt Nam du lịch đường dài, thay vì thuê xe của người bản địa. (Ảnh: Ryan Photo Capture/Shutterstock)

Chính phủ Việt Nam vừa ban hành Nghị định số 30/2024/NĐ-CP quy định về quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đăng ký tại nước ngoài, do người nước ngoài đưa vào Việt Nam du lịch, thay thế Nghị định 152/2013.

Theo báo chí nhà nước, hiện có trên 30 doanh nghiệp lữ hành quốc tế của Việt Nam được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế tổ chức thực hiện đón tiếp các đoàn khách du lịch có quốc tịch quốc tế. Danh sách quốc gia được nêu như: Thái Lan (chiếm 70% các đoàn khách đề nghị tham gia tại Việt Nam), Malaysia, Singapore, Indonesia, Campuchia, Nga, Anh, Pháp, Mỹ, Canada, Đức, Hà Lan, New Zealand, Na Uy, Thụy Điển…

Nhiều doanh nghiệp du lịch lữ hành quốc tế tổ chức nhiều đoàn caravan xe mô tô, xe ô tô của khách nước ngoài tự lái vào Việt Nam du lịch.

Theo Nghị định 30/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/5/2024, phương tiện cơ giới nước ngoài, là xe khách từ 9 chỗ trở xuống, xe máy được phép tham gia giao thông tại Việt Nam tối đa không quá 45 ngày.

“Trong trường hợp bất khả kháng được lưu lại Việt Nam thêm không quá 10 ngày” – theo nội dung nghị định.

Thời hạn trên đã được kéo dài 15 ngày so với quy định hiện hành (Nghị định 152/2013), và bảo toàn thời hạn lưu thêm.

Người điều khiển và phương tiện cơ giới nước ngoài vào Việt Nam phải thông qua doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam làm thủ tục đề nghị chấp thuận được tổ chức cho khách du lịch nước ngoài mang phương tiện cơ giới nước ngoài vào tham gia giao thông tại Việt Nam; phải có văn bản chấp thuận được tổ chức cho khách du lịch nước ngoài mang phương tiện cơ giới nước ngoài vào tham gia giao thông tại Việt Nam của Bộ Công an cấp.

Phương tiện cơ giới nước ngoài đưa vào Việt Nam phải có công hàm của Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế liên Chính phủ tại Việt Nam gửi Bộ Công an đề nghị và nêu rõ lý do cho phương tiện tham gia giao thông tại Việt Nam.

Phương tiện này cũng phải làm thủ tục hải quan, tạm nhập, tái xuất theo quy định của pháp luật hải quan ngay tại cửa khẩu nhập cảnh, xuất cảnh.

Chỉ được tạm nhập, tái xuất qua các cửa khẩu quốc tế đường bộ, đường biển, đường thủy nội địa, đường sắt, đường hàng không; phải tạm nhập, tái xuất theo đúng cửa khẩu đã được Bộ Công an chấp thuận.

Minh Sơn