Ông Nguyễn Lân Thắng (nhà hoạt động xã hội tại Việt Nam) vừa bị TAND TP. Hà Nội xử kín với cáo buộc chống nhà nước… Tòa tuyên án 6 năm tù giam và 2 năm quản chế.

ong nguyen lan thang
Ông Nguyễn Lân Thắng. (Ảnh: Lê Bích Vượng/Facebook)

Báo VOV cho biết ngày 12/4, TAND TP. Hà Nội đã xét xử blogger Nguyễn Lân Thắng (quận Đống Đa, Hà Nội) về tội danh Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.

Tòa án xử kín blogger Nguyễn Lân Thắng, không ai được vào trừ vợ và các luật sư bào chữa, tuy vậy lực lượng an ninh vẫn canh giữ nhiều người bất đồng chính kiến ở Hà Nội.

Tại phiên tòa, ông Nguyễn Lân Thắng bị tuyên án 6 năm tù giam và 2 năm quản chế.

Một ngày trước phiên toà, luật sư Lê Văn Luân, một trong 5 luật sư của ông Thắng viết trên trang Facebook cá nhân (Luân Lê) rằng thân chủ của ông đã đưa ra chính kiến của mình trước cáo buộc trên.

Theo đó, ông Thắng cho rằng hoạt động của ông liên quan đến biểu tình chống Trung Quốc. “Tôi là người đi chụp ảnh những người biểu tình, tôi đưa lên mạng xã hội những bức ảnh, phản ánh những vấn đề xã hội của người dân, nó là phản ánh lịch sử. Những bức ảnh đó là bằng chứng lịch sử và tôi là một phóng viên tự do.

Tôi đã thực hiện những việc liên quan đến xóa đói, giảm nghèo, xây trường học cho vùng cao, tham gia hỗ trợ thiên tai, lũ lụt, tham gia phong trào phản đối chặt cây xanh. Trong những chương trình này, chủ yếu tôi là người chụp ảnh.

Tiếp nữa là trong thảm họa Formosa, tôi tự thực hiện phim. Tôi đã đi biển với ngư dân để tôi hiểu được mức độ thiệt hại xảy ra là như thế nào. Tôi thực hiện những điều đó trên cơ sở quyền tự do báo chí, để phản ánh những mặt trái của xã hội mà báo chí chính thống không dám nhắc tới. Tôi tham gia với tư cách một người dân bình thường nên có điều kiện để quan sát kỹ hơn, gần gũi với dân hơn để có thể hiểu được những mong mỏi và quan điểm của người dân.

Trong quá trình tích lũy nhiều năm, tôi được truyền thông quốc tế quan tâm. Tôi tham gia hội nghị bàn tròn. Người ta phỏng vấn tôi. Tôi trả lời phỏng vấn rất thực tế, dựa trên sự hiểu biết và trải nghiệm của cá nhân mình. Họ phỏng vấn thì có kịch bản, tôi trả lời cũng theo phiên bản của kịch bản của họ. Trong những buổi phỏng vấn đó, tôi nghĩ những nội dung tôi nêu ra đã đụng chạm đến nhiều nhóm lợi ích…

Ông Trọng đã từng phát biểu: “Cua cạy càng, cá cạy vây”. Ông Trọng phát động chiến dịch đốt lò. Trong quá trình đó, có thể tình trạng tham nhũng nhiều quá hoặc quá trình giải quyết tham nhũng chưa hiệu quả… và tôi thấy cần phải nói đến những sai lầm để thay đổi.

Nội dung tôi bình luận trên những video rất nhiều. Tuy nhiên, mục đích tôi không chống Nhà nước. Tôi muốn nêu ra những tồn đọng trong xã hội, ví dụ như nạn tham nhũng, lợi ích nhóm. Để các cơ quan chức năng cần xem xét, chứ tôi không có ý xúc phạm cá nhân hay chống nhà nước.

Trên truyền thông, tất cả những phóng sự, bài viết của tôi bao lâu nay, tôi rất công bằng. Tôi không phải phủ nhận sạch trơn, vì có những việc họ làm tốt, tôi vẫn phải công nhận, tôi vẫn khen ngợi. Tuy nhiên, riêng vấn đề tham nhũng là tôi không kiêng nể, dù đó là ai, là tổ chức nào.

Trong những phát ngôn của mình, có thể do cách biểu đạt của tôi có sai sót nào đó khi phê phán, chỉ trích. Nhưng những điều đó không thể bị xử lý hình sự. Nó có thể bị xử phạt hành chính.

Tôi có căn cứ để nghi ngờ rằng, những phát ngôn của tôi trong một thời gian dài, đã động chạm đến vây cánh của các nhóm lợi ích. Tôi thực hiện tất cả những công việc từ trước đến nay trên tinh thần công dân. Với mục đích là phản biện, đưa ra những khiếm khuyết để các cơ quan chức năng điều chỉnh, mục đích cuối cùng là làm cho xã hội tốt đẹp hơn.

Gia đình tôi là gia đình truyền thống, có nhiều đóng góp từ thời lập nước và giữ nước nên không đời nào tôi đi chống lại các thành quả của ông cha mình.

Những quy kết tôi trong vấn đề chống phá nhà nước do nhóm lợi ích đứng đằng sau. Do việc phê phán của tôi đã làm cho nhiều bộ phận dân chúng biết đến, ảnh hưởng lớn và sâu rộng. Tôi chưa bao giờ hối hận vì những gì tôi đã làm, tôi làm vì dân vì nước, nói lên tiếng nói công chính, dẫu hậu quả như nào tôi đã xác định trước. Điều quan trọng của tôi là phiên tòa phải được xử công khai. Vì những lẽ trên, tôi mong rằng HĐXX xem xét các bằng chứng để có thể đưa ra phán quyết mà lịch sử còn muốn nhắc lại”.

Khi được hỏi rằng nếu có đề xuất tị nạn chính trị thì ông nghĩ thế nào? Ông Thắng đã nói rất chắc chắn bằng diện mạo mạnh mẽ rằng:

Đây là chuyện của riêng Việt Nam, không phải của bất kỳ quốc gia nào. Tôi là người Việt Nam, nên tôi sống và đấu tranh trước mọi thứ cũng là cho đất nước mình, cho dân tộc mình, với tư cách công dân Việt Nam, không phải để đi nước nào khác.

nguyen lan thang
Báo VOV đưa thông tin ông Thắng bị phạt 6 năm tù. (Ảnh chụp màn hình)

Ông Nguyễn Lân Thắng (SN 1973) là kỹ sư xây dựng, xuất thân từ một gia đình khoa bảng ở Hà Nội. Ông nội ông Thắng là giáo sư Nguyễn Lân, tác giả cuốn Từ điển tiếng Việt được sử dụng từ nhiều thập niên qua. Nhiều người trong dòng họ Nguyễn Lân là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, giảng viên nổi tiếng trong các lĩnh vực sinh học, y khoa, khảo cổ, ngôn ngữ… của Việt Nam.

Ông Thắng tham gia phong trào biểu tình chống Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam từ năm 2011, phản đối “đường lưỡi bò”, tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện, như cứu trợ đồng bào miền Trung bị bão lụt, và xây trường cho trẻ em vùng cao…

Minh Long