Kể từ ngày 10/12, Hà Nội liên tục ghi nhận tình trạng phá mốc kỷ lục số ca COVID-19 mắc mới trong ngày, từ trên 800 ca đến 1.000 ca/ngày. Số bệnh nhân mức độ trung bình, nặng/nguy kịch tại Hà Nội vẫn tiếp đà gia tăng. Trong bối cảnh trên, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội lên tiếng về tình trạng thiếu nhân lực, thiết bị trầm trọng tại các trung tâm, trạm y tế của Hà Nội.  

COVID 19 hanoi dong da
Gần 500 người lao động thuộc 6 công ty tại quận Đống Đa (Hà Nội) trong một đợt xét nghiệm COVID-19, tháng 8/2021. (Ảnh: dongda.hanoi.gov.vn)

Tối 10/12, Hà Nội ghi nhận số ca mắc COVID-19 kỷ lục trong một ngày, tăng thêm tới 863 ca mắc mới. Chỉ sau một ngày giảm xuống 548 ca (11/12), liên tiếp trong ba ngày tiếp theo, số ca cao kỷ lục trong ngày hai lần bị phá vỡ, với 980 ca (ngày 12/12) và 1.000 ca (ngày 13/12).

Với 837 ca mắc mới trong ngày 14/12, tổng số ca COVID-19 tại Hà Nội nâng lên 19.636 người.

Tuy nhiên, giới chức y tế của TP cho rằng con số trên chưa phải đỉnh điểm. Vào ngày 9/12, tại thời điểm số ca mắc hàng ngày ở Hà Nội dưới 700 ca, Giám đốc Sở Y tế – bà Trần Thị Nhị Hà cho hay những ngày tới số ca mắc có thể lên tới 1.000 ca/ngày. Ngày 13/12, Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu giới chức TP xây dựng kịch bản, phương án ứng phó khi số F0 tăng lên từ 2.000-3.000 ca mỗi ngày.

Theo số liệu từ Báo Sức Khỏe Đời Sống – cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế, tính tới hết ngày 14/12, Hà Nội có 9.627 F0 đang được điều trị. Trong đó, 727 F0 điều trị tại nhà và 2.832 ca điều trị tại các trạm y tế lưu động (chiếm 37% tổng số F0).

3.737 F0 đang điều trị tại 4 cơ sở thu dung (cơ sở điều trị Đền Lừ III; cơ sở KTX Phenikaa; cơ sở điều trị Thượng Thanh và cơ sở điều trị Pháp Vân – Tứ Hiệp) ().

2.331 F0 đang điều trị tại các bệnh viện: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (82 ca), Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cơ sở điều trị COVID-19 Hoàng Mai (175 ca); 29 bệnh viện của Hà Nội (2.074 ca).

Số bệnh nhân mức độ trung bình, nặng/nguy kịch tại Hà Nội tiếp tục xu hướng tăng cao. Theo thống kê của Bộ Y tế cập nhật tới hết ngày 14/12, Hà Nội hiện có gần 1.300 bệnh nhân COVID-19 điều trị tại các bệnh viện của Hà Nội và Trung ương có triệu chứng mức độ trung bình (tăng gần 200 ca so với con số gần 1.100 ca cập nhật vào tối 12/12); 132 ca mức độ nặng, nguy kịch (tăng 8 ca so với con số 124 ca nặng/nguy kịch vào tối 12/12).

Theo Bộ Y tế, so với trung bình 7 ngày trước, tỷ lệ bệnh nhân trung bình và nặng/nguy kịch tại Hà Nội đang tăng lần lượt gần 30% và hơn 34%. Trong số này, có 113 ca phải thở oxy, 1 ca thở máy không xâm nhập, 5 ca thở máy xâm nhập (mức độ nguy kịch).

Tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân COVID-19 điều trị tại Hà Nội đang ở mức 0,3%, mức thấp so với tỷ lệ xấp xỉ 2% của cả nước. Dù tỷ lệ tử vong còn ở mức thấp, riêng trong ngày 14/12, Hà Nội tăng thêm 6 ca tử vong trong tổng số 69 ca tử vong kể từ đầu mùa dịch.

Tại bản tin cập nhật về tình hình điều trị COVID-19 vào tối 12/12, Bộ Y tế cho hay số bệnh nhân mức độ trung bình, nặng/nguy kịch tại Hà Nội đang tăng cao là do lượng F0 ở Hà Nội tăng cao trong một tuần gần đây.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thu Hường, Trưởng Đơn nguyên chống dịch Bệnh viện Thanh Nhàn cho hay theo phân công của Sở Y tế, bệnh viện có 100 giường điều trị bệnh nhân COVID-19 nhưng đang tiếp nhận tới gần 150 bệnh nhân.

“Hiện tại, Bệnh viện Thanh Nhàn đang quá tải bệnh nhân COVID-19. Ở tầng thứ 2 có gần 20 bệnh nhân chuyển nặng, khu vực tầng 3 có 40 bệnh nhân từ thở oxy cho đến can thiệp bằng máy thở. So với công suất được giao đã gấp 150%…”, bác sĩ Hường nói, theo VOV ngày 14/12.

Ngoài số bệnh nhân đã tiếp nhận, mỗi ngày, Bệnh viện này vẫn có từ 20-30 trường hợp đến khám sau khi có kết quả test nhanh dương tính tại nhà. Số bệnh nhân này đều không được y tế cơ sở biết đến, gây nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng trong khi bệnh viện chỉ tiếp nhận nội trú với bệnh nhân biểu hiện nặng.

Vẫn báo này cho hay 4 bệnh viện khác thuộc nhóm tuyến cuối của Hà Nội điều trị bệnh nhân COVID-19, gồm các bệnh viện Đức Giang, Đống Đa, Hà Đông và Bắc Thăng Long, cũng đã kín giường điều trị bệnh nhân COVID-19.

Sở Y tế Hà Nội: Thiếu trầm trọng nhân lực y tế tại cấp cơ sở

Tại hội nghị về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, biên chế trong năm 2022 do TP tổ chức vào chiều 14/12, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội – bà Trần Thị Nhị Hà cho hay Hà Nội đang thiếu trầm trọng nhân lực, thiết bị ở tuyến y tế cơ sở.

Với 579 trạm y tế xã/phường/thị trấn, nhân lực chỉ có tối đa 10 người/trạm y tế, nhưng tại nhiều khu chung cư, mật độ dân số cao trên 30.000 dân, có nơi thậm chí lên tới 50.000 dân. Số nhân lực trên (chủ yếu là nữ giới) chỉ theo dõi, quản lý sức khoẻ cho tối đa 13.000 -15.000 dân, tức chỉ đáp ứng được 30% tổng số dân và trong điều kiện bình thường. “Trên 15.000 dân sẽ quá tải, chưa kể khi xuất hiện những dịch bệnh nguy hiểm, có tính chất lây lan nhanh”, bà Hà nói, theo Hà Nội Mới.

Hiện tại, có 66/579 trạm y tế tại Hà Nội (11,4%) chưa có bác sĩ cơ hữu tại trạm. Giải pháp là cử bác sĩ của các đơn vị tuyến trên về hỗ trợ, tăng cường và làm việc tại trạm y tế.

Ngoài ra, trên thực tế, nhiều trạm y tế mặc dù đạt chuẩn quốc gia nhưng vẫn chưa đáp ứng được công tác chuyên môn trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, điển hình là không đủ diện tích xây dựng tối thiểu; được xây dựng từ lâu, thiếu buồng, phòng để bố trí đáp ứng khám chữa bệnh ban đầu, nhiều hạng mục đã xuống cấp… Qua nhiều năm sử dụng, một số trang thiết bị phục vụ y tế dự phòng, khám chữa bệnh ban đầu đã lạc hậu hoặc phải sửa chữa.

Với 30 trung tâm y tế cấp quận/huyện/thị xã, bà Hà cho biết hiện có 8.838 người, thiếu tới 1.354 người (13,3%) so với chỉ tiêu được giao. Số bác sĩ đang chỉ có 1.213 người, chiếm 13,7% nhân lực tại 30 trung tâm này. Các trung tâm y tế không tuyển dụng được đủ nhân lực do không thu hút được nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là bác sĩ; thu nhập thấp trong khi phải đảm nhiệm rất nhiều nhiệm vụ.

Sở Y tế Hà Nội đang kiến nghị TP cho phép trung tâm y tế tuyển dụng thêm lao động và được chi trả từ nguồn ngân sách thành phố; đối với xã, phường, thị trấn có hơn 25.000 dân thì cứ thêm 2.000-3.000 dân được bổ sung 1 nhân viên y tế và cứ hơn 10 cán bộ y tế thì được tuyển dụng từ 2 bác sĩ trở lên; duyệt chi 2.447 tỷ đồng để đầu tư cơ sở vật chất, và trang thiết bị cho tuyến y tế cơ sở…

Nguyễn Quân

Xem thêm: