Giới chức Thái Bình muốn lấy tới 11.180 ha diện tích Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải để xây dựng thành Khu đô thị, du lịch, nghỉ dưỡng, sân golf Cồn Vành – Cồn Thủ.

Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải. (Ảnh: baothaibinh.com.vn)
Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải. (Ảnh: baothaibinh.com.vn)

Hồi tháng 4/2023, ông Lại Văn Hoàn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, ký quyết định số 731 về việc xác định vị trí, quy mô diện tích, ranh giới Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải (huyện Tiền Hải).

Theo quyết định, khu bảo tồn sẽ nằm ở vị trí vùng ngoài đê biển thuộc 3 xã Nam Phú, Nam Hưng, Nam Thịnh (huyện Tiền Hải); có quy mô diện tích 1.320 ha, bao gồm phần đất rừng ngập mặn 632 ha và diện tích đất chưa có rừng là 688 ha, là một trong hai vùng lõi khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng.

Điều đáng nói, trước đó, ngày 26/9/2014, ông Phạm Văn Ca, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, ký quyết định số 2159 về việc phê duyệt đề án và xác lập Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải.

Với quyết định này, Khu bảo tồn có diện tích tới 12.500ha, gồm 1.430ha rừng, 11.050ha đất ngập nước và bãi bồi.

Quyết định 2159 cũng xác lập vị trí của Khu bảo tồn nằm ở tả ngạn cửa Ba Lạt thuộc huyện Tiền Hải, ranh giới phía Tây giáp đê thuộc các xã Nam Phú, Nam Hưng và Nam Thịnh. Phía Nam Khu bảo tồn là sông Hồng, phía Đông là dải cồn cát cao Cồn Vành, Cồn Thủ từ cửa Ba Lạt đến cửa Lân, tiếp giáp với biển.

Như vậy, so với Quyết định 731, Thái Bình đã thu hẹp, gần như “xóa sổ” Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải khi giảm quy mô từ 12.500ha xuống còn 1.320ha – tức giảm tới 11.180 ha. Phần diện tích này sẽ được xây dựng thành Khu đô thị, du lịch, nghỉ dưỡng, sân golf Cồn Vành – Cồn Thủ.

Giới chức tỉnh nói gì?

Báo Vnexpress dẫn lời ông Đinh Vĩnh Thụy, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thái Bình nói theo quy hoạch, khu kinh tế được phê duyệt sẽ chồng lấn hơn 11.000 ha Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải, trong đó có 300 ha diện tích rừng đặc dụng. Tỉnh đã điều chỉnh đưa ra khỏi Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2012-2020.

Theo ông Thụy, Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải thực tế “chỉ là tên gọi” với mong muốn lúc thành lập là bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước điển hình của vùng Đồng bằng sông Hồng, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, khu vực di trú của các loài chim nước, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên ứng phó biến đổi khí hậu.

“Tuy nhiên, những năm qua do nhiều nguyên nhân khách quan như biến đổi khí hậu nên diện tích rừng ngập mặn ở đây không những không phát triển mà còn bị suy giảm xuống còn hơn 980 ha, đa dạng sinh học không còn được như trước. Vì vậy, tỉnh mong muốn thay đổi hướng phát triển để đem lại hiệu quả lớn hơn”, ông Thụy nói.

Ngoài ra, theo ông Thụy, với lợi thế có tuyến đường bộ ven biển chạy qua kết nối với cảng nước sâu Lạch Huyện, sân bay Cát Bi (Hải Phòng), đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng nên tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp, kinh tế hướng biển.

“Do đó cần phải nhanh chóng hình thành vùng kinh tế ven biển để phát triển đột phá, sớm đưa Thái Bình trở thành tỉnh phát triển của khu vực Đồng bằng sông Hồng”, ông Thụy nói thêm.

Để lại nhiều hệ lụy cực lớn

Theo GS Trần Đức Thạnh, chuyên gia trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường biển, việc Thái Bình thu hẹp gần 90% diện tích Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải sẽ để lại nhiều hệ lụy tiêu cực lớn, cả trong nước và quốc tế.

Quyết định trên đã vi phạm các công ước mà Việt Nam chính thức tham gia như Công ước bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, Công ước đa dạng sinh học, Công ước Ramsar (Công ước bảo tồn những vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế đặc biệt như là nơi cư trú của các loài chim nước).

Việc vùng lõi Tiền Hải bị thu hẹp quá lớn sẽ dẫn đến việc UNESCO hủy bỏ công nhận toàn bộ Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng.

“Điều này đưa lại nhiều hệ lụy tiêu cực lớn quốc tế và trong nước, làm Việt Nam mất uy tín quốc tế và ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống di sản, khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam”, GS Thạnh nói.

Hơn nữa, Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải có trong Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đồng thời có trong Quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Cả hai quy hoạch này đều được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định năm 2014.

Quyết định 731 do UBND tỉnh Thái Bình ban hành đã thu hẹp quy mô Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải là đi ngược với quy hoạch quốc gia. “Điều này để lại một tiền lệ xấu theo kiểu ‘phép vua thua lệ làng’”, GS Thạnh cho hay.

Ngọc Long