Tỉnh Khánh Hòa vừa ghi nhận một bệnh nhân nhiễm cúm A/H5, người này hiện đang được điều trị cách ly ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.

Cuma
Một ổ dịch cúm gia cầm H5N1 được phát hiện tại hộ chăn nuôi thuộc TP. Kon Tum, hồi năm 2022. Nhiều con vịt bị mang đi tiêu hủy. (Ảnh: vov.vn)

Tối 21/3, bác sĩ Tôn Thất Toàn – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) Khánh Hòa cho biết tại tỉnh vừa ghi nhận 1 trường hợp nhiễm cúm A/H5.

Theo đó, bệnh nhân nhiễm cúm A/H5 tên B.T.Đ. (SN 2003, trú xã Ninh Trung, thị xã Ninh Hòa).

Bệnh nhân hiện đang là sinh viên Trường ĐH Nha Trang, tạm trú ở ký túc xá của trường. Ngoài thời gian học, bệnh nhân có làm thêm công việc phục vụ tại một nhà hàng ở TP. Nha Trang.

Bệnh khởi phát ngày 11/3, khi bệnh nhân về nhà ở xã Ninh Trung, với triệu chứng sốt, ho nhẹ.

Ngày 15/3, bệnh nhân về nhà chỉ tiếp xúc với mẹ và em gái, sau đó đến khám bệnh tại Cơ sở 2 của Trung tâm Y tế thị xã Ninh Hòa được chẩn đoán viêm họng – thanh quản cấp/ theo dõi sốt xuất huyết Dengue và đề nghị nhập viện. Tuy nhiên, bệnh nhân không đồng ý nên được kê đơn thuốc điều trị ngoại trú.

Sau 1 ngày, bệnh nhân mệt nhiều nên vào Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa trong tình trạng sốt cao, đau bụng quanh rốn, đi cầu lỏng, được chẩn đoán nhiễm khuẩn ruột, nhiễm trùng huyết có dấu hiệu cảnh báo và chuyển vào Khoa Truyền nhiễm điều trị.

Ngày 17/3, bệnh diễn biến nặng nên bệnh nhân Đ. được chuyển vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc điều trị và được lấy mẫu bệnh phẩm gởi Viện Pasteur Nha Trang để xét nghiệm.

Ngày 20/3, kết quả xét nghiệm từ Viện Pasteur bệnh nhân dương tính với cúm A/H5. Hiện tại, bệnh nhân diễn biến nặng, đang chuyển cách ly điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh.

Chiều tối ngày 20/3, CDC đã tiến hành tiếp cận, điều tra, xử trí ca bệnh, hướng dẫn người nhà bệnh nhân các biện pháp phòng chống dịch.

CDC Khánh Hòa Lập danh sách người nhà bệnh nhân gồm 4 người (mẹ, dì và em gái) để theo dõi sức khỏe. Hiện người nhà bệnh nhân không có các triệu chứng cúm A H5.

Ngày 21/3, CDC khử khuẩn bằng Cloramin B phòng ở và các phòng trong dãy nhà ký túc xá Trường Đại học Nha Trang – nơi bệnh nhân đang theo học, lập danh sách 6 bạn cùng phòng, 60 sinh viên học cùng lớp với bệnh nhân để tiến hành theo dõi sức khỏe. CDC  lấy 6 mẫu bệnh phẩm là người cùng phòng ký túc xá với bệnh nhân đưa đi xét nghiệm, kết quả âm tính với cúm A.

Trong ngày 21/3, CDC phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã lấy 3 mẫu bệnh phẩm trên đàn gia cầm, gồm 2 mẫu ở đàn gà trong nhà bệnh nhân, 1 mẫu đàn vịt cách nhà 50m để xét nghiệm, chưa có kết quả.

Bác sĩ Toàn cho hay: “Hiện nay, CDC tiếp tục theo dõi các trường hợp tiếp xúc, có liên quan tại danh sách nêu trên; phối hợp Trung tâm Y tế Ninh Hòa, Trung Tâm Y tế Nha Trang, Chi cục Chăn nuôi và Thú y để tiến hành điều tra tìm nguồn lây. Tiến hành giám sát, lấy mẫu bệnh nhân có hội chứng viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút”.

Nhiễm cúm A (H5) có nguy hiểm không?

Virus A/H5N1 là chủng cúm rất nguy hiểm do có độc lực cao, bệnh có thể diễn tiến khó lường theo chiều hướng phức tạp, tỷ lệ biến chứng và tử vong cao người (từ 50-60% trường hợp mắc) nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời.

Dữ liệu từ dịch tễ cho thấy tại Việt Nam, ca mắc cúm gia cầm H5N1 xuất hiện đầu tiên vào năm 2003. Tích lũy từ 2004 – 2013, Việt Nam ghi nhận 35 ca mắc và 29 ca tử vong do cúm A/H5N1, đặc biệt, cúm A (H5) đã liên tục biến đổi thành các tuýp cúm mới có độc lực mạnh, tỷ lệ tử vong cao, có thời điểm đến 100%.

Các đợt dịch cúm A (H5) trước đây khi lây sang người đã khiến nhiều người bệnh gặp biến chứng nặng nề như: viêm phổi cấp tính, suy hô hấp, phải thở máy, tổn thương đa tạng,… thậm chí tử vong. Dịch cúm A (H5) hoàn toàn có thể lây lan thành dịch trong cộng đồng, do vậy người dân cần chủ động phòng ngừa dịch bệnh trong bối cảnh dịch COVID-19 đã tạm lắng xuống.

Phòng ngừa bệnh cúm gia cầm A (H5) theo hướng dẫn của Bộ Y Tế

Ngoài chủ động tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cúm A nói chung, để chủ động phòng ngừa cúm gia cầm A (H5) lây sang người, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp dưới đây:

  • Không giết, mổ, sử dụng gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân.
  • Không buôn bán, sử dụng thịt, trứng và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
  • Không ăn tiết canh, không ăn thịt, trứng gia cầm chưa được chế biến kỹ.
  • Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo kịp thời cho chính quyền địa phương.
  • Nếu xuất hiện các biểu hiện cúm có liên quan đến tiếp xúc với gia cầm, đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Bảo Khánh (t/h)