“Tịnh thất Bồng Lai”, nơi có 5 chú tiểu được giới thiệu là cơ nhỡ, thi “Thách thức danh hài” đạt giải cao, gây tiếng vang, đã khiến nhiều người ủng hộ, quyên góp tài chính.

ong le tung van
Ông Lê Tùng Vân. (Ảnh chụp màn hình)

Truyền thông nhà nước vừa dẫn thông tin từ giới chức Long An về kết quả kiểm tra “Tịnh thất bồng lai”.

Kết quả cho thấy hồi năm 2014, bà Cao Thị Cúc (SN 1960, sống ở xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước) mua gần 2.000m2 nhà, đất ở xã Hòa Khánh Tây (huyện Đức Hòa), rồi sửa chữa để làm điểm tu tại gia.

Năm 2015, ông Lê Tùng Vân (SN 1932, ngụ phường 10, quận 6, TP.HCM) chuyển về đây sinh sống cùng bà Cúc. Ông Vân và bà Cúc có mối quan hệ phức tạp.

Thời điểm này, ông Vân nhận nuôi con nuôi với danh nghĩa làm từ thiện và tự thành lập “Tịnh thất bồng lai”, sau này đổi tên là “Thiền am bên bờ vũ trụ”.

Trước đó vào năm 2007, ông Vân cũng tự phong là giám đốc trại dưỡng lão và cô nhi Thánh Đức (trụ sở tại huyện Bình Chánh, TP.HCM) để nhận con nuôi, nhưng cơ sở này đã bị chấm dứt hoạt động.

Tại “Tịnh thất bồng lai”, ông Vân tự nhận là hòa thượng Thích Tâm Đức hay “thầy ông nội”. Phần lớn người sinh sống ở đây xuống tóc, cắt tóc ngắn, mặc áo tương tự nhà sư, tự xưng là thầy, sư cô, hòa thượng, chú tiểu… Họ tổ chức sinh hoạt như một tự viện Phật giáo.

“Tịnh thất bồng lai” cũng nổi tiếng trong thời gian qua vì việc có hai “sư thầy” tham dự cuộc thi hát trên truyền hình, đặc biệt là có “5 chú tiểu” được giới thiệu là trẻ em mồ côi được nuôi tại đây, đã đạt giải cao trong game show “Thách thức danh hài” gây tiếng vang, nên suốt nhiều năm qua, những vật chất, tài chính từ hoạt động từ thiện của những cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước đổ về đây là không ít.

Giới chức Long An đã xác nhận, từ năm 2015 đến nay, cơ sở “Tịnh thất bồng lai” đã có 18 người cư trú, trong đó có 6 trẻ em và cả 6 trẻ đều có mẹ ruột cùng tạm trú, không phải trẻ mồ côi. “Tịnh thất bồng lai đã lợi dụng danh nghĩa nuôi trẻ em nghèo, cơ nhỡ để trục lợi”, theo kết luận từ công an Long An.

Mặc dù Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An khẳng định, “Tịnh thất Bồng Lai” không phải là tự viện hợp pháp. Những người sống, sinh hoạt ở đó không phải là tu sĩ Phật giáo. Tuy nhiên, ở đây có một câu hỏi cần đặt ra là, về mặt luật pháp thì Giáo hội Phật giáo Việt Nam có quyền cho rằng tổ chức tôn giáo hay tín ngưỡng nào đó không thuộc quản lý của họ là “không hợp pháp” theo luật pháp Việt Nam hay không?  Về nguyên tắc, giáo hội không có quyền thay cho luật pháp để đưa ra kết luận như vậy vì Hiến Pháp của nhà nước Việt Nam cho phép tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo. Nhưng dĩ nhiên, việc những người ở Tịnh thất Bồng Lai có thực tu, chân tu Phật hay không lại là chuyện khác, điều này phải dựa vào giáo lý của Phật Thích Ca Mâu Ni để lại mà xem xét.

Phạm Toàn