Quận Tân Bình sẽ khởi công ba trường học gồm mầm non, tiểu học, THCS tại khu đất Vườn rau Lộc Hưng.

tp hcm sap xay ba truong hoc tren khu dat vuon rau loc hung
Phối cảnh trường THCS Mạc Đĩnh Chi dự tính được xây trên khu đất. Ảnh: UBND quận Tân Bình

Báo chí nhà nước vừa dẫn lời ông Nguyễn Bá Thành, Chủ tịch UBND quận Tân Bình (TP.HCM), cho biết thành phố đã bố trí vốn xây 3 trường đạt tiêu chuẩn quốc gia trên khu đất Vườn rau Lộc Hưng (phường 6).

Cụ thể, HĐND TP.HCM đã bố trí 1.157 tỷ đồng cho các dự án, trong đó chi phí hỗ trợ cho người dân 573 tỷ đồng và kinh phí xây ba trường là 584 tỷ đồng.

Ba trường gồm trường mầm non có 20 phòng học, trường tiểu học có 30 phòng và trường THCS có 45 phòng.

Dự kiến, ngày 12/12 năm nay sẽ khởi công và hoàn thành các công trình, đưa vào sử dụng vào ngày 30/4/2025.

Theo ông Thành, khi giải tỏa, nhiều người dân canh tác tại khu Vườn rau Lộc Hưng khiếu nại, muốn nâng mức hỗ trợ nên dự án kéo dài. Hiện mức hỗ trợ cho người dân được tăng lên 11 triệu đồng/m2.

Để khởi công ngày 12/12, từ đêm ngày 6/12, các xe chở vật liệu xây dựng đã đổ gạch cát để chuẩn bị khởi công. Xe cứu thương, xe chữa cháy và xe phá sóng được giấu ở hai trường học gần khu đất Vườn rau Lộc Hưng. Các ngả đường vào khu vườn rau đều bị canh gác và công an kiểm soát mọi sự đi lại, di chuyển của người dân tại khu vực này. Nơi ở của những người dân oan bên ngoài khu đất vườn rau đều bị canh gác và nhiều người bị cấm ra khỏi nhà, theo nguồn tin từ Facebook Phạm Thanh Nghiên.

tp hcm sap xay ba truong hoc tren khu dat vuon rau loc hung 1
Khu vực Vườn rau Lộc Hưng. (Ảnh: Phạm Thanh Nghiên/Facebook)

Theo luật sư Nguyễn Văn Miếng, gần 5 hecta đất ở Vườn rau Lộc Hưng là miếng mồi ngon cho chính quyền quận Tân Bình. Họ cho rằng đó là đất công cộng nên “chỉ hỗ trợ, không đền bù”. Con số hỗ trợ được tăng từ 7 triệu lên là 11 triệu đồng/m2. Trong khi có thời điểm, đất khu vực đó lên tới hàng trăm triệu đồng/m2.

Luật sư Miếng cũng nhận định xây trường học thì tốt nhưng nó nằm giữa cái rốn của kẹt xe. Tại sao lại đặt trường học vào giữa cái rốn của kẹt xe như thế? “Tôi nghĩ rằng sau này họ sẽ thay đổi mục đích sử dụng đất”.

Theo hồ sơ pháp lý, khu đất Vườn Rau Lộc Hưng với diện tích khoảng 4,8 ha, trước năm 1954 là thuộc quyền sở hữu của Hội đồng quản trị Công giáo Sài Gòn (nay là Tòa Tổng giám mục Sài Gòn). Việc sở hữu đất có tài liệu thể hiện và chính quyền thành phố thừa nhận.

Năm 1954, nhiều gia đình từ Bắc di cư vào Nam. Tòa Tổng giám mục Sài Gòn đã cho vài chục hộ dân cất nhà sinh sống tại đây dưới hình thức cho thuê đất hoặc cho ở nhờ.

Năm 1955, quân đội Pháp xây dựng trên khu đất “Đài phát tuyến Chí Hòa” và cho phép người dân sống dọc hàng rào phía Tây được “trồng trọt xung quanh nơi các trụ anten, với điều kiện thỏa thuận trước với chủ đất là Hội truyền giáo công giáo và với những người khai thác đầu tiên”.

Sau năm 1975, người dân vẫn tiếp tục trồng rau bình thường ở khu đất nay thuộc phường 7, quận Tân Bình. Năm 1976, các hộ có trồng rau tại đây đã được UBND phường 7 xác nhận việc có sử dụng đất. Nội dung xác nhận ghi rõ tên chủ hộ, diện tích đất đang sử dụng. Trong thời gian từ 1976 – 1999, các hộ dân trồng rau tại đây vẫn đóng thuế cho việc sử dụng khu đất liên tục nhiều năm.

Tuy nhiên, sau đó chính quyền không nhận tiền thuế người dân đóng nữa. Các kiến nghị xin cấp quyền sử dụng đất của người dân không được giải quyết, và việc tiến hành cưỡng chế lấy đất đã diễn ra từ ngày 4/1-8/1/2019.

Chính quyền đã huy động một lực lượng hùng hậu gồm an ninh, mật vụ, côn đồ, dân phòng… mang súng, dùi cui, chó nghiệp vụ và nhiều xe ủi đến phá hủy toàn bộ 503 căn nhà, đẩy hàng trăm gia đình vào cảnh tang thương không nhà không cửa. Vụ việc đã gây chấn động dư luận trong và ngoài nước.

Minh Long