Cùng rủ nhau đi tắm ao, 3 trong 4 bé trai bị đuối nước tử vong, trong đó có 2 em là anh em ruột, các em có độ tuổi từ 8 đến 14 tuổi.

tra vinh ru nhau di tam ao 3 be trai tu 8 14 tuoi bi duoi nuoc
Rủ nhau đi tắm ao, 3 bé trai từ 8-14 tuổi ở Trà Vinh bị đuối nước tử vong. (Ảnh minh hoạ: Love Solutions/Shutterstock)

Ngày 16/6, Chủ tịch UBND huyện Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh) – ông Kim Chí Hòa cho biết tại xã Ngũ Lạc vừa xảy ra vụ đuối nước khiến 3 em nhỏ tử vong thương tâm.

Theo đó, vào ngày 15/5, các em gồm:  T.T.N (SN 2009), T.T.M (SN 2015, em ruột T.N), T.T.K. (SN 2011) và T.T.T. (SN 2013, cùng ngụ xã Ngũ Lạc và xã Đôn Châu) đến ao nước ở ấp Rọ Say, xã Ngũ Lạc để tắm. Ao nước này là của người dân, rộng 10m2, có độ sâu 3-4m.

Đến 17h cùng ngày, em T. chạy về nhà báo tin 3 bé trai kia đã bị đuối nước. Người dân cùng nhau đến ao lặn tìm các em. Khoảng 20 phút sau, người dân đã vớt được thi thể 3 em dưới đáy hồ.

Chính quyền địa phương cho biết em T.N và em T.M là anh em ruột, gia đình rất khó khăn. Em K. là anh em họ hàng với 2 em N. và M. Cha mẹ của 3 nạn nhân này đều đi làm tại TP.HCM, gửi con cho ông bà chăm sóc.

Nhận tin báo, chính quyền địa phương đã đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ gia đình lo hậu sự cho các em.

Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước mỗi năm

Thống kê, trung bình mỗi năm, Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước, đứng đầu các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước có thu nhập cao. “2.000 trẻ em tử vong mỗi năm do đuối nước là con số quá đau lòng”, bà Phạm Thị Quỳnh Nga, đại diện Tổ chức Y tế thế giới nhận xét.

Tai nạn đuối nước xảy ra ở khu vực nông thôn của Việt Nam cao gấp gần 4 lần so với khu vực thành thị; xảy ra chủ yếu tại cộng đồng, chiếm 77,6% (ao, sông, suối hồ biển, ngã xuống hố ga, hố xây dựng); 15,8% tại gia đình và 6,6% tại nơi khác. Đuối nước gặp chủ yếu vào những tháng học sinh nghỉ học.

Bà Vũ Thị Kim Hoa – Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam) cho biết nguyên nhân gây đuối nước ở trẻ em là do thiếu giám sát của cha, mẹ; trong khi đó, tỷ lệ trẻ biết bơi và có kỹ năng phòng tránh đuối nước chỉ chiếm 30%.

“Trên 50% các trường hợp chết đuối xảy ra ngoài trời khi trẻ em tắm ở ao hồ, sông suối và tắm biển không có người lớn đi kèm”, bà Hoa nói.

Ngoài ra, môi trường sống tại gia đình và ngoài cộng đồng tại Việt Nam chưa an toàn, tiềm ẩn các nguy cơ đuối nước trẻ em; việc dạy bơi tại các địa phương còn gặp nhiều khó khăn do thiếu giáo viên dạy bơi, thiếu bể bơi nhất là ở các địa phương nghèo, vùng sâu vùng xa; việc đầu tư nguồn lực của nhà nước và địa phương cho phòng đuối nước và tai nạn thương tích trẻ em còn hạn chế…

Ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em đưa ra một số giải pháp như cần đưa thêm những kiến thức, kỹ năng về phòng chống đuối nước trẻ em cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ và trẻ em; xây dựng môi trường an toàn, cắm biển cảnh báo nguy hiểm, rào ao, làm nắp giếng, làm cầu qua sông…

Hiện Bộ LĐ-TB&XH đang phối hợp cùng Quỹ Từ thiện Bloomberg, Hoa Kỳ thực hiện dự án “Hỗ trợ can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng, chống đuối nước trẻ em tại Việt Nam” giai đoạn 5, đã triển khai được 2 năm tại 8 tỉnh, thành phố. 9.000 trẻ em đã được học bơi và 18.000 trẻ được dạy kỹ năng an toàn, hơn 10.000 hướng dẫn viên tại các xã, trường học được tập huấn, cấp chứng chỉ dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn cho trẻ em…

Thạch Lam (t/h)