Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ mắc COVID-19 tử vong dao động từ 2,1 – 4,4%. Theo thống kê cộng dồn từ đầu năm 2021 đến nay, số ca tử vong tại TP.HCM là 4,2%, nằm trong giới hạn của WHO nhưng ở mức giới hạn cao – Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho hay

pho giam doc so y te tphcm
Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM – ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu tại cuộc họp báo chiều tối 31/8. (Ảnh: ttbc-hcm.gov.vn)

Tại buổi họp báo định kỳ về tình hình dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) tại TP.HCM, vào chiều tối 31/8, báo giới đặt câu hỏi về tỷ lệ ca mắc COVID-19 tử vong ở TP.HCM hiện nay ở mức nào và những giải pháp để giảm tỷ lệ này của ngành y tế thành phố.

Trả lời, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM – ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết tính đến ngày 30/8, TP.HCM có 59.093 trường hợp F0 đang cách ly tại nhà, đây là những F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Số F0 diễn tiến nặng chiếm khoảng 0,4%.

Theo đại diện Sở Y tế TP, tính từ ngày 1/1/2021 đến nay, TP.HCM có 9.204 ca tử vong. Nếu tính trên số lượng 158.260 ca bệnh đang điều trị tại bệnh viện thì tỷ lệ tử vong khi điều trị tại bệnh viện là 5,8%. Nếu tính trên tổng số toàn bộ F0 (158.260 ca điều trị tại bệnh viện và 59.093 F0 điều trị tại nhà) thì tỷ lệ tử vong khoảng 4,2%.

Phân tích theo số liệu điều trị tại bệnh viện, tỷ lệ tử vong ở tầng 2 là 4,4%, ở tầng 3 là 32%.

“Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ mắc COVID-19 tử vong dao động từ 2,1 – 4,4%. Nhìn chung ở TP.HCM, tỷ lệ tử vong đang nằm trong giới hạn của WHO nhưng ở mức giới hạn cao”, ông Châu nói, “Đây cũng là việc mà ngành y tế thành phố đang tìm mọi cách để cố gắng kéo giảm tỷ lệ tử vong”.

so ca covid 19 tu vong tphcm 0
Số bệnh nhân COVID-19 tử vong tại TP.HCM từ ngày 22-30/8. (Số liệu: Cổng thông tin COVID-19 TP.HCM; biểu đồ: Nguyễn Sơn)

Ông Châu cũng giải thích số ca tử vong tăng hơn so với những ngày trước bởi số ca tử vong sẽ có độ trễ so với đỉnh dịch của thành phố. Khi có ca dương tính thì khoảng 5 – 7 ngày mới có triệu chứng và diễn biến nặng. Thông thường 80% người mắc bệnh tới ngày thứ 5, thứ 6 sẽ tự thuyên giảm và tự khỏi. Tuy nhiên, có những bệnh nhân từ ngày thứ 7 đến thứ 10 trở đi sẽ có chuyển biến nặng, đặc biệt là tổn thương ở đường hô hấp, trong đó sẽ có trường hợp rất nặng mà không thể chữa được.

Do đó, đại diện Sở Y tế TP dự báo trong một vài ngày tới, thậm chí là cả tuần tới thì số lượng tử vong mới có hy vọng giảm đi.

Ngành y tế cần thời gian điều trị cho bệnh nhân và giảm tải số ca nhiễm

Ông Châu cho biết trong nhiều biện pháp để giảm ca nặng và ca tử vong của y tế TP, có việc tập trung mở rộng và nâng cao năng lực điều trị cho tầng 2, tầng 3; nhất là tầng 3 với sự hỗ trợ từ các bệnh viện điều trị, trung tâm hồi sức cấp cứu của Trung ương.

Hiện TP.HCM có 9.336 bệnh nhân nặng phải hồi sức, gồm 1.030 trường hợp thở máy xâm lấn và 18 trường hợp phải can thiệp ECMO. Muốn cải thiện số ca tử vong thì cần thời gian, đồng thời ngăn được các ca mắc mới.

Ông Châu cho hay thông thường 80% trường hợp mắc mới không có biểu hiện triệu chứng nhưng có khoảng 10% sẽ nặng, trong 10% này có khoảng 5% cần điều trị, điều trị không khỏi sẽ tử vong.

Do đó, nếu số ca mắc mới cùng lúc rất nhiều thì sẽ dẫn đến số ca hồi sức nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng hệ thống điều trị và khiến số ca tử vong tăng. Vấn đề quan trọng nhất lúc này là đừng để số ca mắc mới nhiều.

Hiện số ca nhiễm trong cộng đồng (ca trong cộng đồng và ca sàng lọc tại bệnh viện) tại TP.HCM vẫn tăng cao, áp đảo so với số ca trong khu phong tỏa và khu cách ly. Ngày 30/8, số ca cộng đồng chiếm 5.632/5.882 tổng số ca mắc mới, chiếm 95,7%.

Nguyễn Sơn

Xem thêm:

“Sẽ giảm mạnh số bệnh nhân tử vong nếu…” – hai “tâm thư” của các bác sĩ đầu ngành