Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới và dự báo đến năm 2035 sẽ là 30% dân số.

viet nam thuoc nhom co toc do gia hoa dan so nhanh nhat the gioi
Một nhóm người phụ nữ bán hoa quả tại chợ Đồng Xuân, Hà Nội, năm 2019. (Ảnh: shell300/shutterstock)

Thông tin trên được đại diện Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) đưa ra tại Hội thảo bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành tư pháp về phát triển công tác xã hội, do Vụ Pháp luật Dân sự – Kinh tế, Bộ Tư pháp tổ chức ngày 21/11.

Thống kê cho thấy, hiện nay số lượng người yếu thế, dễ bị tổn thương, hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu sử dụng dịch vụ công tác xã hội nhằm giải quyết các vấn đề xã hội chiếm khoảng 20% dân số.

Trong đó, có khoảng 17 triệu người cao tuổi, 7,06 triệu người khuyết tật, 10 triệu người có vấn đề sức khỏe tâm thần, 2 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; khoảng 2,23% hộ nghèo và 3,1% hộ cận nghèo; 3,3 triệu người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và 1,5 triệu lượt hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hàng năm…

Tình trạng bạo lực, bạo hành gia đình, phụ nữ và trẻ em bị ngược đãi, bị buôn bán, bị xâm hại; trẻ em lang thang kiếm sống trên đường phố; phòng chống HIV/AIDS, tệ nạn ma túy, mại dâm… tiếp tục là những vấn đề xã hội nóng, bức xúc cần phải tập trung giải quyết.

“Hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định tổng thể, đầy đủ, chuyên sâu về công tác xã hội, quyền và nghĩa vụ của đối tượng công tác xã hội, người hành nghề công tác xã hội, quy trình và các điều kiện đảm bảo cung cấp dịch vụ công tác xã hội; trách nhiệm quản lý nhà nước và điều khoản thi hành về công tác xã hội”, đại diện Cục Bảo trợ xã hội cho hay.

“Dân số già” sẽ dẫn đến hệ lụy gì cho Việt Nam?

Theo cảnh báo đến từ Ngân hàng Thế giới, tốc độ già hóa dân số nhanh sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề, trong khi Việt Nam có ít thời gian để thích nghi với một xã hội già hóa hơn so với các nền kinh tế phát triển.

Trước hết, dân số già sẽ đi đôi với việc chi tiêu nhiều hơn cho chăm sóc sức khỏe, hưu trí, trợ cấp, an sinh xã hội… trong khi thời gian để Việt Nam chuẩn bị thích ứng với dân số già ngắn hơn nhiều so với các nước khác, dẫn đến mức tích lũy của quốc gia không đáp ứng kịp nhu cầu của xã hội.

Bên cạnh đó, đa phần người cao tuổi không có tích lũy vật chất, là nhóm rất dễ bị tổn thương với những rủi ro kinh tế, xã hội.

Cơ cấu và mô hình bệnh tật của người cao tuổi ở Việt Nam hiện nay cũng đang thay đổi theo xu hướng bệnh không lây nhiễm ngày càng tăng, vừa tăng chi phí chăm sóc y tế vừa tạo thêm áp lực quá tải cho các bệnh viện.

Ông Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương, cho hay nghiên cứu thực trạng sức khỏe của hơn 610 người cao tuổi (trên 80 tuổi) tại Sóc Sơn (Hà Nội) cho thấy, trung bình một người cao tuổi mắc đến gần 7 bệnh. Trong đó nhiều nhất là bệnh đục thủy tinh thể, bệnh hô hấp, sa sút trí tuệ, tăng huyết áp, bệnh cơ xương khớp, rối loạn mỡ máu… Đây là gánh nặng rất lớn cho bệnh nhân cũng như gia đình, đặc biệt là vấn đề chăm sóc.

Người cao tuổi trong xã hội vẫn là một nguồn lực rất quan trọng và không thể thiếu. Họ là những người có trình độ, kiến thức, kỹ năng chuyên môn và bề dày kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Sức khỏe là điều kiện tiên quyết để người cao tuổi có cuộc sống tích cực, truyền đạt những kinh nghiệm sống quý báu và là chỗ dựa vững chắc về tinh thần cho con cháu.

Cùng với tuổi cao là sự xuất hiện của các tình trạng sức khỏe phức tạp có xu hướng xuất hiện vào những năm sau của cuộc đời. Đó là các hội chứng lão khoa như hội chứng dễ bị tổn thương, sa sút trí tuệ, sảng, tiểu không tự chủ, rối loạn dáng đi và ngã, suy giảm hoạt động chức năng…

Thêm vào đó, tình trạng đa bệnh lý, giảm sức đề kháng với bệnh tật, khả năng hồi phục sức khỏe kém đòi hỏi người cao tuổi phải được điều trị và chăm sóc một cách đặc biệt. Mặt khác, chi phí y tế và gánh nặng chăm sóc cho người cao tuổi cũng cao gấp nhiều lần so với người trẻ tuổi.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho hay khả năng cung cấp dịch vụ y tế cho người cao tuổi còn nhiều hạn chế, như thiếu các cơ sở y tế (bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế…) và thiếu nguồn nhân lực chăm sóc người cao tuổi (bác sĩ, điều dưỡng lão khoa, người chăm sóc…).

Bên cạnh đó, hệ thống nhà dưỡng lão, trung tâm bảo trợ xã hội còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng…

Minh Long