Để che giấu sai phạm trong vụ cháy karaoke An Phú 32 người chết, cảnh sát PCCC đã làm khống 3 biên bản kiểm tra quán trước lúc hỏa hoạn.

chay karaoke an phu
Hiện trường vụ cháy quán karaoke An Phú. (Ảnh: Bình Dương/Facebook)

VKSND Bình Dương đã hoàn tất cáo trạng, chuyển hồ sơ truy tố qua TAND tỉnh Bình Dương để xét xử vụ án cháy quán karaoke An Phú làm 32 người chết.

Theo cáo trạng, từ năm 2020 đến ngày 6/9/2022, bị can Nguyễn Văn Võ (SN 1988), cựu đại úy thuộc Đội cảnh sát phòng cháy chữa cháy Công an TP. Thuận An, là cán bộ được phân công nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ với cơ sở karaoke An Phú nhưng đã thiếu trách nhiệm, không thực hiện công tác hướng dẫn, kiểm tra đối với cơ sở nên không phát hiện các vi phạm quán.

Sau khi xảy ra cháy, bị can Võ tự soạn 3 biên bản kiểm tra an toàn PCCC rồi đưa cho quản lý quán karaoke An Phú ký để hợp thức hóa việc kiểm tra vào năm 2021, 2022, nhằm trốn tránh trách nhiệm.

Bị can Võ bị đề nghị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 3 Điều 360 Bộ luật Hình sự, khung hình phạt 7-12 năm tù.

Bị can Phạm Quốc Hùng, SN 1980, cựu cán bộ phòng cháy chữa cháy tỉnh Bình Dương được giao nhiệm vụ trực tiếp kiểm tra, nghiệm thu hệ thống phòng cháy, chữa cháy của quán karaoke An Phú, nhưng bị can không thực hiện việc kiểm tra, nghiệm thu hệ thống của cơ sở này theo đúng quy trình, quy định mà lập khống biên bản nghiệm thu vào ngày 13/7/2017, tạo điều kiện cho cơ sở này đi vào hoạt động.

Bị can Vũ Trường Sơn, SN 1987, cựu cán bộ phòng cháy chữa cháy tỉnh Bình Dương được phân công nhiệm vụ trực tiếp kiểm tra bản thuyết minh thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thiết kế về phòng cháy chữa cháy của quán karaoke An Phú và lập bảng đối chiếu theo quy chuẩn.

Mặc dù phát hiện hồ sơ thiết kế về phòng cháy, chữa cháy của quán karaoke An Phú có một số nội dung chưa đảm bảo nhưng bị can Sơn nghĩ đó là lỗi nhỏ, không ảnh hưởng nên báo cáo lãnh đạo là cơ sở đủ điều kiện thẩm duyệt, tạo điều kiện cho cơ sở này đi vào hoạt động.

Hai bị can Hùng và Sơn bị đề nghị truy tố về tội Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy theo khoản 3 Điều 313 Bộ luật Hình sự, khung hình phạt 7-12 năm tù.

Riêng bị can Nguyễn Duy Linh, cựu trung tá, đội trưởng cảnh sát PCCC Công an TP. Thuận An, bị xác định thiếu trách nhiệm, nhưng đã chết do bệnh lý trong quá trình điều tra nên nhà chức trách đã đình chỉ bị can.

Đối với chủ quán karaoke Lê Anh Xuân (SN 1980), cáo trạng xác định bị can đã không thực hiện đúng quy định PCCC dẫn tới quán karaoke không có lực lượng cơ sở để chữa cháy ngay từ đầu, nhằm hạn chế thấp nhất việc cháy lan.

Bị can cũng không phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC và cứu nạn, cứu hộ cho nhân viên để hướng dẫn các nạn nhân thoát nạn đúng cách.

Hệ thống báo cháy và vòi phun tự động không được kiểm tra, duy tu định kỳ theo quy định nên khi cháy không hoạt động, các nạn nhân không thể phát hiện cháy sớm để thoát ra bên ngoài tòa nhà.

Ông Xuân còn bị cáo buộc đã xây dựng tòa nhà sai thiết kế, xây kín một số cửa sổ của các phòng, gây tụ khói bên trong tòa nhà; tòa nhà không có lối thoát hiểm ngoài hệ thống cầu thang bộ gây cản trở đến quá trình thoát nạn của nạn nhân.

“Việc này dẫn đến tình trạng cháy lan nhanh, nạn nhân không chạy thoát được dẫn đến tử vong”, cáo trạng nêu.

Theo cáo trạng, nguyên nhân vụ cháy quán karaoke An Phú do sự cố chập mạch điện tại đường dây trên trần la phông. Ngọn lửa lan vào các vật liệu dễ cháy, làm đám cháy phát triển ra các hướng. Hậu quả làm 32 người chết, trong đó có nhiều khách hát karaoke và nhân viên của quán được tìm thấy tử vong trong nhà vệ sinh tại các phòng karaoke. 3 người khác bị thương trong quá trình thoát nạn.

Phạm Toàn