Đại diện Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn cho biết gia đình nhận hóa đơn nước 57 triệu đồng chỉ cần đóng tiền bằng trung bình các kỳ trước. Sau khi có kết quả kiểm định đồng hồ nước, đơn vị sẽ thông tin tới khách hàng và đưa ra hướng xử lý tiếp theo.

vu hoa don tien nuoc 57 trieu dong cong ty cap nuoc noi gi
Ông Nguyễn Quốc Huy kiểm tra bồn chứa nước tại nhà. (Ảnh: vtcnews.vn)

Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế – xã hội chiều 21/3, ông Lê Trọng Thuần, Giám đốc kinh doanh Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), cung cấp thông tin về việc một gia đình tại quận 3 (TP.HCM) nhận hóa đơn tiền nước tháng 2 cao bất thường với 57 triệu đồng.

Theo ông Thuần, địa chỉ cấp nước này thuộc quản lý của Công ty Cổ phần Cấp nước Gia Định. Vào kỳ hóa đơn tiền nước tháng 1, nhân viên đến đo đồng hồ nước nhưng gia đình đi vắng, phía công ty lấy mặc định lượng nước sử dụng những tháng trước đó để ra hóa đơn.

Đến kỳ tính hóa đơn tháng 2, nhân viên đã tiếp cận đồng hồ nước của gia đình này và thấy khối lượng sử dụng nước tăng lên như trong hóa đơn nên đã kiểm tra, rà soát hệ thống đường ống dẫn nước, hệ thống nước trong ngôi nhà, kiểm định đồng hồ nước.

Với trường hợp này, Công ty Cổ phần Cấp nước Gia Định sẽ áp dụng phương án tính hóa đơn nước kỳ tháng 2 bằng trung bình các kỳ trước, là khoảng 20m3. Sau khi có kết quả kiểm định đồng hồ nước, chúng tôi sẽ thông tin tới khách hàng và đưa ra hướng xử lý tiếp theo.

Trước đó, ông Nguyễn Quốc Huy (41 tuổi, ngụ hẻm 490 Lê Văn Sỹ, quận 3) tá hỏa khi nhận hóa đơn tiền nước tháng 2 hơn 57 triệu đồng.

Theo ông Huy, tháng 1 (trước Tết), nhân viên đến đo đồng hồ nước nhưng gia đình đi vắng. Phía công ty lấy mặc định lượng nước sử dụng những tháng trước đó để ra hóa đơn và tính toán lại sau.

Tháng 2, khi nhận mức phí sử dụng nước trên, ông Huy quá bất ngờ với số tiền 57 triệu đồng, tăng đột biến, tương đương 3.000 m3. Trung bình mỗi tháng gia đình ông sử dụng khoảng 20m3 nước với số tiền hơn 200.000 đồng.

Ngày 20/3, ông Huy đã làm việc với Công ty Cổ phần Cấp nước Gia Định về hóa đơn nước gia đình trong tháng 2; đưa ra 5 câu hỏi về việc trên nhưng đơn vị cung cấp nước chưa thể giải thích được.

Câu hỏi thứ nhất ông Huy đặt ra tại sao gia đình thất thoát 3.000m3 nước mà người nhà không biết, không có dấu hiệu tường thấm nước, nền sụt lún. Nhà anh thấp hơn các hộ kế bên, hàng xóm sinh hoạt xung quanh nhưng không thấy nước tràn ra từ bồn chứa.

Nếu lập luận mỗi ngày thất thoát 50m3 nước (2m3/giờ), tức nước chảy liên tục 2 tháng mới đủ 3.000m3. Lượng nước kia đổ tràn ra nhà hoặc sân thì người nhà không thể nào không biết. Vậy, lượng nước kia đã đi đâu?

Câu hỏi thứ 2, nếu đem đồng hồ nước đi kiểm định có kiểm tra được nguyên nhân không. Nếu trong đường ống không phải nước, mà là áp suất khí thổi qua, liệu kim đồng hồ có quay không?

Câu hỏi thứ 3, đồng hồ có thể bị kẹt cát làm thay đổi vòng tua hay không? Đồng hồ nhảy số hàng đơn vị, hàng chục nhưng nếu kẹt cát có thể nhảy lên số hàng nghìn. Một hộ ở TP. Biên Hòa (Đồng Nai) đã từng xảy ra trường hợp này. Hộ này đã đưa đồng hồ nước đi giám định thông qua Hội Bảo vệ người tiêu dùng để xác định.

Câu hỏi thứ 4, từng khu vực, phía công ty sẽ có tổng lưu lượng nước đầu vào từng khu dân cư. Khi cấp nước cho khu vực đó, tổng các hóa đơn các hộ còn lại có khớp với số nước tiêu thụ hay không? Công ty biết tổng lượng nước đầu vào và ra trong khu dân cư, tính toán sẽ ra ngay 3.000m3 nước thất thoát kia nằm đâu.

Cuối cùng, gia đình anh đã đo được tốc độ nước đổ vào trong bồn chứa nhiều lần và tính được mỗi giờ nước chảy chỉ đạt 648 lít nước/giờ. Nếu nói nước chảy 2m3/giờ, một ngày 50m3 và 2 tháng là 3.000m3 nước là phi lý.

Minh Long