Hàng trăm hũ tro cốt được giữ tại chùa Kỳ Quang 2 (TP.HCM) bị mất thông tin. Nhà chùa muốn xác định ADN để tìm lại danh tính người đã khuất. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc xác định ADN là không khả thi.

hu tro cot chua
Nơi chứa hũ tro cốt tại chùa Kỳ Quang 2. (Ảnh: FB My Tiên Huynh)

Trụ trì chùa Kỳ Quang 2 (quận Gò Vấp, TP.HCM) là ông Thích Thiện Chiếu nói trên tờ Người lao động hôm 4/9 rằng, có gần 900 hũ tro cốt được giữ ở chùa thì chỉ có 108 hũ có dán hình và thông tin.

Hàng trăm hũ còn lại sẽ được nhà chùa phối hợp cùng giới hữu trách tìm bằng cách xác định ADN. Chi phí nhà chùa sẽ chi trả.

Theo tờ Ngày nay, chi phí dành cho việc xét nghiệm ADN dao động trong khoảng từ 2-4 triệu đồng. Với hàng trăm hũ tro cốt, thì chi phí phải trả cho hoạt động này có thể lên tới hàng tỷ đồng.

Chi phí đắt đỏ như vậy, liệu có thể tìm được ADN?

Nhiều tờ báo trong nước đều cho rằng việc xác định ADN qua tro cốt là điều không khả thi.

Tờ Tuổi trẻ dẫn thông tin từ một cán bộ kỹ thuật hình sự (Bộ Công an), chuyên về giám định ADN cho hay hiện nay không giám định ADN dựa trên tro cốt được. Vì khi hỏa thiêu, thi hài cháy hết thì vật chất còn lại chỉ là carbon (tro cốt), không còn vật chất chứa thông tin ADN để có thể giám định.

Nếu không có các dữ liệu thông tin khác có thể xác định tro cốt ấy là của ai thì việc dựa vào kết quả giám định ADN tro cốt thì không khả thi.

Thạc sĩ Hoàng Hà, Phụ trách Trung tâm giám định ADN, Viện Công nghệ Sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) nói trên tờ Dân trí rằng, việc giám định bằng tro cốt là chưa có tiền lệ, bản thân trung tâm nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực này nhưng cũng chưa bao giờ giám định ADN từ mẫu tro cốt. Về lý thuyết thì sẽ rất khó bởi mẫu đã bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ cao nên độ toàn vẹn của DNA không còn nữa, thậm chí là mất hết,…

Còn theo EasyDNA, một công ty hàng đầu cung cấp các dịch vụ về xét nghiệm ADN và xét nghiệm di truyền tại Mỹ, rất khó có khả năng xác định được đúng thông tin về người thân qua xét nghiệm ADN của tro cốt, và tỷ lệ có thể xét nghiệm được “rất hiếm hoi.”

Trong quá trình hỏa thiêu, máy gia nhiệt sử dụng khí như propan được bật cho đến khi đạt nhiệt độ khoảng 1.000°C. Sau khi quá trình hỏa táng hoàn tất, tất cả các cơ quan, mô và mỡ đều bị phá hủy hoàn toàn, phần còn lại sẽ chỉ là tro bao gồm phốt phát, canxi khô với một số khoáng chất nhỏ, chẳng hạn như muối natri và kali. Lưu huỳnh và hầu hết cacbon bị mất dưới dạng khí mặc dù một lượng tương đối nhỏ cacbon có thể vẫn ở dạng cacbonat. Những tro này sẽ không chứa DNA.

Tuy vậy, các mảnh xương và răng vẫn tồn tại trong quá trình hỏa táng (mặc dù chúng cũng bị biến dạng do mức nhiệt cao). Chúng được nghiền thành bột mịn ở giai đoạn sau và có khả năng vẫn có thể còn tồn tại một số dấu tích ADN. Nhưng cơ hội tách chiết ADN thành công là rất thấp.

Trước đó hôm 1/9 (rằm Tháng Bảy Âm Lịch), tài khoản Facebook My Tiên Huynh (Huỳnh Mỹ Tiên) đăng tải thông tin cho biết, nhiều hũ tro cốt, di ảnh của người đã khuất bị để bừa bộn giữa nền nhà, chất đống trong góc tại chùa Kỳ Quang 2, khiến dư luận rúng động.

Facebook này viết: “Nhân ngày Vu Lan, ba mẹ em đi chùa thắp nhang hài cốt cho ông bà, cậu và chị, những người đã mất được gửi cốt vào ngôi chùa danh tiếng này. Thì hỡi ơi, những hũ cốt ấy bị họ di dời, mà phải dùng từ là họ quăng vô một cái xó xỉnh, hình một nơi, hũ cốt một ngả. Mọi người đi cúng ai cũng bất bình. Nếu chùa không còn nhận để cốt thì cũng phải thông báo cho gia đình người nhà biết để người ta đem qua để ở chùa khác, còn nếu không có thân nhân thì gom lại tụng kinh rải về sông về đất…”

Sau khi thông tin lan tỏa rộng rãi, sáng hôm 3/9, hàng trăm người đã kéo đến chùa, ký vào đơn khiếu kiện trụ trì vì hành vi “xâm phạm mồ mả, thi thể, hài cốt”.

Hoàng Minh