Giới đầu tư nước ngoài đang bán tháo cổ phiếu Trung Quốc: Hơn 3/4 vốn nước ngoài chảy vào thị trường chứng khoán (TTCK) Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm nay đã rời khỏi nước này, theo đó giới đầu tư toàn cầu đã bán ra số cổ phiếu Trung Quốc trị giá hơn 25 tỷ USD.

Chung khoan Trung Quoc
Ảnh minh họa thị trường chứng khoán của Trung Quốc. (Ảnh: Philipe Lopez/AFP/Getty)

Đợt bán tháo mạnh chứng khoán Trung Quốc trong những tháng gần đây đã đẩy hoạt động mua ròng của các nhà đầu tư nước ngoài xuống mức thấp nhất kể từ năm 2015 – năm hoàn chỉnh đầu tiên của chương trình kết nối chứng khoán Thượng Hải-Hồng Kông.

Nhiều nhà đầu tư và phân tích cho biết, các nhà đầu tư tổ chức toàn cầu đang trì hoãn việc mua cổ phiếu Trung Quốc do chính sách kích thích mờ nhạt của Trung Quốc.

Tờ Financial Times đưa tin, người đứng đầu bộ phận giao dịch của một ngân hàng đầu tư Hồng Kông cho biết: “[Thị trường] Nhật Bản rất nóng, cả [thị trường] Ấn Độ, Hàn Quốc và Đài Loan (cũng rất nóng)”; “Bây giờ (nhà đầu tư) có thể nghĩ rằng ‘Tôi không cần phải ở Trung Quốc, nếu ở Trung Quốc có thể cản trở danh mục đầu tư của tôi’”.

Hồi tháng Một giới đầu tư toàn cầu bắt đầu mua cổ phiếu Trung Quốc cho năm 2023 với tốc độ kỷ lục, nhưng những tháng gần đây, trong bối cảnh ngày càng lo ngại về cuộc khủng hoảng thanh khoản trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc và dữ liệu tăng trưởng kinh tế đáng thất vọng của nước này, các quỹ nước ngoài đã mạnh mẽ bán tháo.

Tờ Financial Times tính toán dựa trên dữ liệu từ cơ chế kết nối giao dịch thị trường chứng khoán Hồng Kông chỉ ra, dòng vốn ròng nước ngoài đổ vào thị trường chứng khoán Trung Quốc trong năm nay đã giảm mạnh 77% xuống còn 54,7 tỷ nhân dân tệ (7,7 tỷ USD).

Việc nhà đầu tư nước ngoài bán cổ phiếu Trung Quốc đã khiến chỉ số CSI 300 trong năm nay giảm hơn 11% (tính theo USD), trong khi chỉ số chứng khoán chuẩn ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ đã tăng 8% – 10%.

Theo ước tính của Goldman Sachs, trong năm nay các tổ chức tài chính đã ưu ái thị trường Ấn Độ và Hàn Quốc, với dòng vốn ròng lần lượt là 12,3 tỷ USD và 6,4 tỷ USD. Việc giới đầu tư toàn cầu mua cổ phiếu Hàn Quốc đưa Seoul đi đúng hướng để chứng kiến ​​dòng vốn nước ngoài ròng lần đầu tiên kể từ năm 2019.

Thị trường chứng khoán Ấn Độ cũng hoạt động mạnh mẽ trong năm nay, trở thành điểm sáng của chứng khoán châu Á và các thị trường mới nổi. Công bố MSCI (chỉ số thị trường mới nổi) mới nhất trong nửa năm cho thấy tình hình khả quan cũng làm tăng kỳ vọng tại Ấn Độ, theo đó MSCI của Ấn Độ tăng thêm 0,39 điểm phần trăm từ mức 13,7% ban đầu, việc nâng lên 14,09% khiến Ấn Độ thành nước có mức tăng lớn nhất.

Bên cạnh đó, sự gia tăng gần đây của cổ phiếu công nghệ Mỹ đã thúc đẩy cổ phiếu bán dẫn của Nhật Bản, theo đó chỉ số Nikkei 225 cũng cho thấy xu hướng tăng gần đây. Theo thống kê của Bộ Tài chính Nhật Bản, tính đến tuần ngày 3/11, nhà đầu tư nước ngoài đã liên tục trong 6 tuần liên tiếp đẩy mạnh mua cổ phiếu Nhật Bản, lũy kế vốn đầu tư nước ngoài trong quý 4 tính đến thời điểm hiện tại đã lên tới 3,2401 tỷ Yên, số tiền tích lũy tính đến thời điểm hiện tại của năm 2023 đã ở mức mua đạt kỷ lục cao mới trong một năm trong 10 năm qua.

Đối với Trung Quốc, dù nhà cầm quyền đã đưa ra một loạt biện pháp nhằm ứng phó vấn đề đầu tư nước ngoài ngày càng giảm nhưng vẫn chưa thể cải thiện tình hình: Đầu tháng 10, Công ty Đầu tư Central Huijin (một công ty con của quỹ tài sản có chủ quyền của Trung Quốc) đã tăng cổ phần tại các ngân hàng lớn của Trung Quốc và hứa tiếp tục mua vào, đồng thời cơ quan chức năng Trung Quốc thắt chặt các quy định bán khống để ngăn chặn thị trường lao dốc.