Ngày 12/4, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đệ trình Báo cáo Nhân quyền năm 2021 lên Quốc hội. Trong cuộc đàn áp nhân quyền nhằm vào các dân tộc thiểu số và các nhóm tôn giáo như người Duy Ngô Nhĩ, ĐCSTQ đã phạm tội diệt chủng và tội ác chống lại loài người.

id13710176 Screen Shot 2022 04 12 at 5.18.04 PM 600x400 1
(Ảnh chụp màn hình webiste)

Trong Báo cáo Nhân quyền Trung Quốc, Bộ Ngoại giao chỉ ra rằng đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chiếm giữ các vị trí cao trong hầu hết các cơ quan chính phủ và an ninh Trung Quốc, đồng thời kiểm soát tư pháp và luật pháp của Trung Quốc.

“Hạn chế nghiêm trọng và đàn áp tự do tôn giáo, hạn chế nghiêm trọng quyền tự do ngôn luận và truyền thông, can thiệp nghiêm trọng vào quyền tự do hội họp ôn hòa và tự do kết hiệp hội, chính phủ tham nhũng nghiêm trọng, các quan chức trong chính phủ và ngành an ninh vi phạm nhân quyền nhưng không bị trừng phạt,” báo cáo cho biết.

Báo cáo Nhân quyền năm nay của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã phơi bày khá toàn diện bộ máy tư pháp mờ ám của ĐCSTQ đường hoàng nhân danh pháp luật phạm pháp; đồng thời liệt kê một lượng lớn các sự kiện và những vụ bức hại phi pháp của ĐCSTQ nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác, các nhà hoạt động nhân quyền, luật sư, các nhà báo công dân và học viên Pháp Luân Công.

Các hành vi phạm pháp của chính quyền ĐCSTQ gồm tước đoạt sinh mạng một cách tùy tiện hoặc bất hợp pháp, cưỡng chế mất tích, tra tấn, bắt giữ hoặc giam giữ tùy tiện, từ chối xét xử công bằng và công khai, can thiệp tùy tiện hoặc phi pháp vào quyền riêng tư, gia đình, nhà riêng hoặc thư từ, v.v.

Bài viết này trích dẫn một phần việc ĐCSTQ lạm dụng pháp luật đối với các học viên Pháp Luân Công.

Tùy tiện bắt giữ và giam giữ các học viên Pháp Luân Công

Báo cáo cho biết: “Các vụ bắt giữ và giam giữ tùy tiện vẫn mang tính hệ thống. Luật (của ĐCSTQ) trao cho cảnh sát quyền giam giữ hành chính rộng rãi, cho phép họ giam giữ các cá nhân trong thời gian dài mà không bị bắt chính thức hoặc bị buộc tội hình sự. Các luật sư, nhà hoạt động nhân quyền, nhà báo, các nhà lãnh đạo và tín đồ tôn giáo, các cựu tù nhân chính trị và thành viên gia đình họ, tiếp tục là mục tiêu của việc giam giữ hoặc bắt giữ tùy tiện.”

Báo cáo đề cập rằng theo luật của ĐCSTQ, việc giam giữ hình sự hơn 37 ngày cần phải có sự chấp thuận của viện kiểm sát mới được bắt giữ chính thức.

Pháp Luân Công chỉ dẫn mọi người thực hành “Chân – Thiện – Nhẫn” trong cuộc sống, giúp các học viên khỏe mạnh về thể chất và tinh thần. Đến nay, Pháp Luân Công đã có mặt tại hơn 100 quốc gia và giành được hơn 3.000 giải thưởng quốc tế. Năm 1999, cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công với quy mô chưa từng có, được Công an, Viện kiểm sát và các Sở Tư pháp phối hợp triển khai, và đã vượt xa phạm vi pháp luật.

Nhưng ngoài những vụ việc liên quan đến “an ninh quốc gia, khủng bố và hối lộ lớn”, thời gian công an giam giữ thường vượt quá phạm vi luật pháp cho phép, tình trạng giam giữ kéo dài 1 năm hoặc hơn trước khi xét xử là điều phổ biến.

Theo luật của ĐCSTQ, những người bị bắt giữ phải được phép gặp luật sư bào chữa trước khi buộc tội hình sự. Nhưng trước khi buộc tội, việc giam giữ kéo dài mà không được tiếp cận với luật sư cũng rất phổ biến.

Luật của ĐCSTQ yêu cầu phải thông báo cho người nhà trong vòng 24 giờ sau khi họ bị giam giữ. Nhưng chính quyền thường giam giữ cá nhân trong thời gian dài mà không thông báo cho người nhà, đặc biệt là trong các trường hợp nhạy cảm về chính trị mà công an có toàn quyền quyết định.

Báo cáo trích dẫn ví dụ của ông Nhậm Hải Phi, một học viên Pháp Luân Công bị bắt mà không có lệnh của chính quyền, đã bị giam giữ mà không cần xét xử và không bị buộc tội kể từ tháng 6/2020.

Đến ngày 8/9/2021, Tòa án quận Cam Tỉnh Tử của thành phố Đại Liên vẫn chưa xét xử ông Nhậm Hải Phi. Sau khi bị bắt, ông bị thương nặng phải nhập viện. Sau khi xuất viện thì bị giam tại trại giam Diêu Gia ở Đại Liên. Trước đó, từ năm 2001 – 2008, ông đã bị kết án (phi pháp) 7,5 năm tù vì tín ngưỡng Pháp Luân Công của mình.

Vợ của ông Nhậm Hải Phi, bà Vương Tinh, sống ở Hoa Kỳ, nói với Epoch Times rằng vào ngày bị bắt, ông đã bị đánh đập dã man tại đồn cảnh sát Cam Tỉnh Tử, thành phố Đại Liên. Ông bị suy tim và thận nặng và rơi vào tình trạng nguy kịch. Sau đó ông được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Tân Hoa, thành phố Đại Liên.

Sau khi xuất viện, ông vẫn bị giam tại Trung tâm giam giữ Diêu Gia ở Đại Liên, trại giam từ chối cho phép gia đình đến thăm ông. Ngày 14/10/2021, ông Nhậm Hải Phi bị kết án phi pháp 10 năm tù và phải nộp phạt 100.000 nhân dân tệ (khoảng 359 triệu VNĐ).

Sau khi kháng cáo, ông được thông báo vào tháng 1/2022 rằng sẽ không có phiên tòa nào được mở và thi hành y án. Bà Vương Tinh không thể biết được tình hình cụ thể của ông Hải Phi, và rất lo lắng cho sức khỏe của ông.

Báo cáo cũng nói rằng: “Trong một thời gian dài, chính quyền đã bắt giữ hoặc giam giữ các luật sư, nhà lãnh đạo hoặc tín đồ tôn giáo, dân oan và những người ủng hộ các quyền khác…, quản thúc nhiều công dân tại gia ngoài tư pháp, tước quyền đi lại của họ, hoặc quản thúc nhiều công dân trong các cơ sở giam giữ ngoài tư pháp thuộc nhiều hình thức khác nhau (giam giữ hành chính trong ‘nhà tù đen’).”

“Chính quyền (ĐCSTQ) sử dụng biện pháp giam giữ hành chính để đe dọa những người ủng hộ chính trị và tôn giáo …, chống lại các nhà hoạt động chính trị và tín đồ tôn giáo, đặc biệt là các học viên Pháp Luân Công trong các trung tâm ‘giáo dục pháp luật’.”

Báo cáo cho biết, chính quyền ĐCSTQ đã từ chối nhập cảnh đối với nhiều công dân bất đồng chính kiến, các học viên Pháp Luân Công hoặc những người được gọi là “kẻ gây rối”. Do đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), các nhà chức trách đã hạn chế đáng kể tổng số du khách có thể nhập cảnh vào Trung Quốc, gồm cả công dân Trung Quốc.

Theo báo cáo, ĐCSTQ tiếp tục bỏ tù công dân vì lý do chính trị và tôn giáo, nhưng lại tuyên bố với bên ngoài không phải vì chính trị hoặc niềm tin tôn giáo của họ, mà vì họ đã vi phạm luật “pháp luật”. Các “tội danh” gồm “gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia” và thực hiện “các hoạt động tà giáo.”

Báo cáo đặc biệt đề cập đến học viên Pháp Luân Công Biện Lệ Triều. Ông là một giáo viên xuất sắc tại trường trung học cơ sở số 10 Khai Loan, thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc. Năm 2012, ông Biện Lệ Triều bị kết án 12 năm tù phi pháp.

Đình chỉ hoặc thu hồi chứng chỉ luật sư vì bào chữa cho các học viên Pháp Luân Công

Theo luật pháp Trung Quốc, các bị cáo hình sự đủ điều kiện để được trợ giúp pháp lý, nhưng phần lớn các bị cáo hình sự bị xét xử mà không có luật sư.

Các luật sư phải là thành viên của “Hiệp hội luật sư toàn Trung Quốc” do ĐCSTQ kiểm soát. Khi cấp hoặc gia hạn giấy phép luật sư của họ hàng năm, Bộ Tư pháp của ĐCSTQ yêu cầu tất cả các luật sư cam kết trung thành với ĐCSTQ. Họ còn tiếp tục yêu cầu các công ty luật có từ 3 đảng viên trở lên phải thành lập chi bộ đảng.

Báo cáo cho biết các nhà chức trách ở Trung Quốc đã không cho phép luật sư đại diện cho một số khách hàng nhất định, đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép của các luật sư đảm nhận các vụ án nhạy cảm, như những người bất đồng chính kiến, nhà hoạt động giáo hội tại gia, học viên Pháp Luân Công hoặc những người chỉ trích chính phủ.

Ví dụ, ngày 16/12 năm ngoái, Sở Tư pháp thành phố Bắc Kinh đã thu hồi giấy phép luật sư của ông Lương Tiểu Quân, với lý do những bài đăng trên mạng xã hội của ông chỉ trích chủ nghĩa Marx và gọi Pháp Luân Công là một tôn giáo.

Mổ cướp nội tạng học viên Pháp Luân Công

Báo cáo cho biết một số nhà hoạt động và nhóm đã cáo buộc chính phủ Trung Quốc cưỡng bức mổ cướp nội tạng từ các tù nhân lương tâm, gồm những người có niềm tin tôn giáo và tâm linh, như các học viên Pháp Luân Công và những người Hồi giáo bị giam giữ ở Tân Cương.

Tháng 6/2021, một số ủy viên Liên Hợp Quốc đã đưa ra một tuyên bố bày tỏ sự báo động về những cáo buộc mổ cướp nội tạng “nhắm vào các dân tộc thiểu số đang bị giam giữ ở Trung Quốc, gồm học viên Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, người Hồi giáo và tín đồ Cơ đốc.”

Bình Minh (t/h)