Gần đây có thông tin cho rằng bác sĩ điều trị của bệnh viện cấp 3 do Chính quyền thành phố Thâm Quyến đầu tư và xây dựng, đã cắt bỏ 5 nội tạng của bệnh nhân mặc dù không tìm thấy khối u. Bệnh nhân đã chết ngay sau ca phẫu thuật, làm dấy lên nghi ngờ bệnh viện thu hoạch nội tạng bệnh nhân.

benh vien Tham Quyen
Bệnh viện Đại học Thâm Quyến Hồng Kông. (Ảnh: MXH)

Ngày 29/2, theo báo cáo của “Tin tức Bắc Kinh” (Beijing News), ngày 8/8/2018, bệnh nhân Trương Ngọc Hoa, 77 tuổi, được điều trị tại Bệnh viện Thâm Quyến thuộc Đại học Hồng Kông, do “giãn ống mật chủ, sỏi túi mật và viêm túi mật mãn tính”.

Sau đó bà được chẩn đoán mắc bệnh “ung thư tuyến tụy”. Cuộc phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến tụy và lá lách đã được thực hiện. Tuy nhiên, hơn 2 tháng sau ca phẫu thuật, bà Trương đã tử vong do suy gan nặng và hội chứng gan thận.

Sau khi bà Trương qua đời, con gái của bà là Tuân Kiệt phát hiện ra rằng kết quả khám trước phẫu thuật, cũng như kết quả xét nghiệm bệnh lý trong quá trình phẫu thuật đều không tìm thấy bất kỳ khối u hay tổn thương nào ở tuyến tụy của mẹ cô.

Tháng 8/2019, Tuân Kiệt và người nhà đã đệ đơn kiện dân sự, về tranh chấp trách nhiệm bồi thường thiệt hại y tế lên Tòa án quận Phúc Điền, Thâm Quyến. Tòa án giao cho Trung tâm giám định tư pháp Trung Nhất, Quảng Đông tiến hành việc giám định.

Kết quả ​​giám định cho thấy, chỉ dựa trên báo cáo chụp PET-CT của bệnh viện khác, bác sĩ đã chẩn đoán bà bị “ung thư tuyến tụy”. Chụp MRI trước khi mổ không thấy có khối u và chụp ERCP không thấy có tế bào khối u, hình ảnh chụp và cơ sở bệnh lý không đầy đủ. Trong lúc mổ không phát hiện khối u hay tổn thương rõ ràng ở tụy và không kịp thời thông báo cho gia đình.

Ngoài ra, bà Trương – người được giám định – đã lớn tuổi và có tiền sử cao huyết áp. Bà đã trải qua một cuộc phẫu thuật “cắt bỏ toàn bộ tuyến tụy”, mà không có bằng chứng mô học rõ ràng về khối u ác tính.

Chấn thương do phẫu thuật rất lớn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chế độ dinh dưỡng, sự trao đổi chất toàn thân của bà. Cái chết của bà có liên quan nhất định đến việc lựa chọn phương pháp phẫu thuật.

Tóm lại, tỷ lệ tham gia trách nhiệm của Bệnh viện Thâm Quyến thuộc Đại học Hồng Kông là 61%-90%.

Tháng 11/2023, trong phiên sơ thẩm thứ 2, tòa án đã phán quyết rằng Bệnh viện Thâm Quyến thuộc Đại học Hồng Kông phải chịu mọi trách nhiệm bồi thường cho gia đình bệnh nhân hơn 620.000 nhân dân tệ (khoảng 2,15 tỷ VNĐ).

Tuy nhiên, sau khi nhận được toàn bộ số tiền bồi thường, gia đình bệnh nhân chất vấn về việc bệnh viện “cưỡng bức lấy 5 nội tạng khỏe mạnh” của bà Trương.

Tuân Kiệt cũng cho biết đã báo cáo sự việc lên Ủy ban Y tế Thâm Quyến. Ủy ban này quyết định không xử phạt hành chính vì “hành vi vi phạm pháp luật này không bị phát hiện trong vòng 2 năm”.

Cô cũng báo cáo vụ việc lên Đồn cảnh sát Thiên An thuộc Cục Công an thành phố Thâm Quyến, cáo buộc bác sĩ phẫu thuật cố ý gây thương tích. Đến thời điểm hiện tại, cảnh sát vẫn chưa khởi tố vụ án.

Tin tức liên quan đã gây ra những cuộc thảo luận sôi nổi giữa người dân Đại Lục. Cư dân mạng nói:

“Bệnh viện quá hắc ám! Cứu người và chữa bệnh cho những người bị thương không phải là mục đích của bệnh viện!”

“Rốt cuộc có lấy nội tạng khỏe mạnh hay không? Hãy trả lời câu hỏi này.”

“Một bên không bị bệnh lại bị đoạt mạng, một bên không xử phạt hành chính, một bên không khởi tố vụ án.”

“Bác sĩ trong nghề này nếu có tâm bất chính thì mạng sống con người sẽ bị coi như cỏ rác.”

“Một sơ suất y tế lớn như vậy vô cớ xảy ra, và nó có thể được giải quyết bằng tiền, đã có được một bài học.”

“Bệnh viện bây giờ là viện sát nhân, thành tích và lợi nhuận là trọng tâm chính.”

“Điều này còn độc ác hơn cả việc giết người.”

“Nội tạng bị lấy đi đang ở đâu? Chẳng phải đã đưa nó cho người khác rồi sao?”

Theo thông tin công khai, Bệnh viện Thâm Quyến thuộc Đại học Hồng Kông, còn gọi là Bệnh viện Tân Hải Thâm Quyến, là bệnh viện cấp 3 ở Trung Quốc, được Chính quyền thành phố Thâm Quyến đầu tư toàn bộ. Chi phí hoạt động cũng được trợ cấp bởi Chính quyền thành phố Thâm Quyến.

Trên thực tế, trong những năm gần đây, những vụ bê bối coi mạng người như cỏ rác tương tự cũng xuất hiện khá nhiều tại các bệnh viện cấp 3.

Tháng 8/2022, tin tức về bác sĩ Lưu Tường Phong, Phó giám đốc của Bệnh viện Tương Nhã số 2 thuộc Đại học Trung Nam ở Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, không quan tâm đến tính mạng của bệnh nhân, sử dụng nội tạng của bệnh nhân để kiếm tiền, cũng từng lan truyền trên mạng xã hội.

Điều đáng chú ý là vào tháng 4/2021, bác sĩ Trương Dục chuyên khoa ung thư tại Bệnh viện số 3 Đại học Bắc Kinh, cũng từng đăng bài chỉ trích tình trạng tham nhũng của hệ thống y tế Đại Lục dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc và hành vi trục lợi của các bác sĩ, dẫn đến việc mỗi năm hàng triệu bệnh nhân không được cứu chữa kịp thời.

p2921701a761801818
Bác sĩ Trương Dục đăng bài trên Zhihu thu hút sự chú ý của xã hội. (Ảnh chụp màn hình MXH)

Lê Tiểu Quỳ / Vision Times