Ngày 4/1, “Cách mạng Giấy trắng” đã công bố Sách trắng tổng kết thường niên, trong đó ghi lại các cuộc biểu tình diễn ra rầm rộ trên khắp Trung Quốc kể từ năm ngoái và sự hình thành Hội đồng Công dân.

Giay Trang
Ngày 4/1/2023, “Cách mạng Giấy trắng” đã công bố Sách trắng thường niên. Sách trắng ghi lại các hoạt động chống ĐCSTQ trong và ngoài Trung Quốc từ ngày 27/12/2022 – 3/1/2023. (Ảnh: Epoch Times tổng hợp)

Theo Sách trắng, cuộc Cách mạng Giấy trắng theo nghĩa hẹp đề cập đến các cuộc biểu tình quy mô lớn lan rộng ra toàn Trung Quốc kể từ khi Viện Truyền thông Nam Kinh khởi xướng ngày 26/11/2022, để tưởng nhớ vụ hỏa hoạn ở Urumqi – Tân Cương; Cách mạng Giấy trắng theo nghĩa rộng chỉ hàng loạt các cuộc biểu tình của người Trung Quốc phản đối chính sách ‘Zero COVID’.

Kể từ sự kiện ngày 4/6/1989, Phong trào Giấy trắng được coi là cuộc tập hợp phản kháng lớn nhất của người dân Trung Quốc chống lại nhà cầm quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Nguồn gốc cho cảm hứng của làn sóng biểu tình này có thể bắt nguồn từ cuộc đấu tranh cá nhân của ông Bành Lập Phát (Peng Lifa) hôm 13/10/2022 trên cầu Tứ Thông (Si Tong) ở Bắc Kinh. Giữa tháng 11, sau khi ĐCSTQ đưa ra 20 điều về tối ưu hóa kiểm soát COVID-19, biện pháp tăng mức hà khắc chống dịch bệnh này đã khiến dân chúng càng thêm căm tức. Sau đó vào đêm ngày 14/11, ở Quảng Châu đã bùng phát biểu tình chống phong tỏa; cùng lúc đó ở Trịnh Châu – Hà Nam nổ ra biểu tình của công nhân công ty Foxconn.

Kể từ ngày 26/11, đám đông biểu tình đã xuất hiện tại 21 tỉnh của Trung Quốc và nhiều thành phố lớn ở nước ngoài. Sách trắng ghi lại các cuộc biểu tình nhóm của người dân và sinh viên đại học bắt đầu ở Nam Kinh và Thượng Hải, tiếp theo là Bắc Kinh, Quảng Châu, Phúc Châu, Hạ Môn, Thẩm Dương…

Trong cùng thời gian, tại Khu trung tâm thương mại Central – Hồng Kông đã diễn ra hoạt động tưởng niệm nạn nhân vụ hỏa hoạn ở Urumqi – Tân Cương, theo đó là các hoạt động biểu tình trước các lãnh sự quán của ĐCSTQ ở Canada, Mỹ, Anh… bày tỏ tình đoàn kết với người dân ở Trung Quốc, người biểu tình hô vang các khẩu hiệu như “Tập Cận Bình từ chức, ĐCSTQ từ chức”

IMG 3682.DNG 600x338 1
Một người biểu tình ở Úc cầm khẩu hiệu ghi “ĐCSTQ là nguồn gốc tội ác” (Ling Xiao/Đại Kỷ Nguyên)

Sách trắng cũng ghi lại các động thái của cảnh sát ĐCSTQ. Để bắt giữ các thành viên của Cách mạng Giấy trắng, chính quyền đã triển khai một lượng lớn lực lượng cảnh sát để khám xét điện thoại di động và thẩm vấn những người qua đường.

Vì một người bạn bị bắt do tham gia biểu tình trên đường Urumqi ở Thượng Hải, một trong những người khởi xướng Cách mạng Giấy trắng Thượng Hải là VFK đã tổ chức một nhóm Telegram, mục đích để liên lạc và phát triển các thành viên biểu tình trên khắp Trung Quốc. Vào cuối tháng 11, nhiều người tham gia tổ chức hoạt động kháng nghị ở Nam Kinh, Bắc Kinh, Thâm Quyến, Hàng Châu… đã bị cảnh sát ĐCSTQ bắt giữ tại địa điểm tổ chức sự kiện.

Gần đây VFK đã xác nhận với truyền thông, “Họ (những thành viên bị bắt) đã bị giam giữ từ 7 – 15 ngày, thiết bị của họ đã bị tịch thu”, “Vì vậy, những nhóm tổ chức khu vực ban đầu về cơ bản đã bị xóa sổ vào ngày 30 (tháng 11/2022). Sau đó các nhóm lại được xây dựng lại, an ninh mạng được nâng cấp, theo đó một lần nữa hình thành những nhóm tổ chức mới. Mỗi khu thực hiện cơ chế lãnh đạo kép nên nếu một người lãnh đạo bị bắt sẽ có ngay người thay thế”.

Tại quận Đại Độ Khẩu – Trùng Khánh vào ngày 7/1 năm nay, biểu tình quy mô lớn bất ngờ xảy ra ở Nhà máy Dược phẩm Hối Cát Trung Nguyên (chuyên sản xuất kháng nguyên phát hiện COVID-19). Do bất bình việc bị công ty đột ngột cho ngưng việc, các công nhân đã xung đột dữ dội với công ty và cơ quan trung gian tuyển dụng, theo đó cũng đã đối đầu với cảnh sát.

VFK cho biết các công nhân tại Đại Độ Khẩu – Trùng Khánh đã liên lạc với họ và được họ trợ cấp tài chính cũng như các hỗ trợ khác để công nhân kết nối với nhà tổ chức địa phương: “Phong trào bắt đầu vào lúc nửa đêm. Chúng tôi là một trong những nhóm người đầu tiên trên toàn bộ mạng phát video trực tiếp”; “Chúng tôi giúp công nhân đấu tranh cho quyền lợi của họ. Vì vậy sau trận chiến này thì nhiều công nhân đã tìm đến chúng tôi để bảo vệ quyền lợi, tiêu biểu như công nhân Công ty BYD Thâm Quyến hay những người gửi tiền ở Hà Nam… đã liên hệ với chúng tôi nhờ trợ giúp”.

VFK cũng cho biết Phong trào Pháo hoa không liên quan gì đến họ, đó chỉ là sự kiện mang tính cá nhân.

Theo Sách trắng, mục đích của Phong trào Giấy trắng là đánh thức ý thức chính trị công dân, cải thiện sinh kế của người dân và thúc đẩy các quyền dân sự, hướng tới đấu tranh cho thực hiện hệ thống hiến pháp thực sự tự do và dân chủ. Cách mạng Giấy trắng đã phát động Hội đồng Công dân với nhiều bộ phận như tuyên truyền, thông tin an ninh và tổ chức tự trị “Tự do cho đất nước” (Freeland DAO).

Ngoài ra, Hội đồng Công dân của Cách mạng Giấy trắng cũng đã gây quỹ thông qua giao thức tài chính phi tập trung Defi (Decentralized Finance). Sách trắng nêu rõ: “Đừng ngại nói về tiền, tiền có thể mang đến nhiều sức mạnh hơn giúp làm được nhiều việc muốn làm hơn”.

Theo giới thiệu, Defi là một hệ thống tài chính phi tập trung, tức là một dẫn xuất tài chính ẩn danh của chuỗi khối. DAO là một tổ chức bỏ phiếu ẩn danh dựa trên hợp đồng thông minh và có cơ chế hoạt động minh bạch, ví dụ: nếu có một đề xuất cần tiền và đề xuất đó vượt quá 2/3, DAO sẽ tự động phân bổ tiền từ nhóm quỹ.

VFK chia sẻ rằng bản thân không đơn độc, luôn có sự hỗ trợ và phấn đấu của các đồng đội: “Tuy là tổ chức phi tập trung nhưng chúng tôi cũng đã có ủng hộ từ nhiều tổ chức lớn nhỏ khác nhau, chúng tôi có cơ chế quản lý chứ không vô chính phủ”; “Khi tôi gặp phải chuyện này, tôi sẽ không lùi bước, hoạt động của chúng tôi dựa trên những cân nhắc chính trị thực tế. Thời đại nào cũng luôn cần có người có thể đứng lên…”.

Dũng cảm hơn vì thấy có thể đánh bại ĐCSTQ

Trong một cuộc phỏng vấn với Epoch Times hôm 10/1, Tiến sĩ luật Trần Sấm Sang (Chen Chuangchuang) thuộc Đại học St. John, là Chủ tịch của Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ Trung Quốc, cho biết rằng thông qua Phong trào Giấy trắng ông thấy nhiều người Trung Quốc hiện nay rất bất bình đối với nền chính trị độc tài, muốn Trung Quốc tiến tới một chế độ dân chủ; một số người đã thức tỉnh và dám bày tỏ quan điểm phản đối.

“Đối với sự hỗn loạn trong cách chống dịch COVID-19 của ĐCSTQ kéo dài 3 năm qua với những biện pháp coi thường mạng sống của người dân, thực trạng đã kích thích hành động từ một số người, qua đó nảy ra những ý tưởng mới. Họ sẽ không dễ dàng quay đầu để ủng hộ ĐCSTQ vì vấn đề nhà cầm quyền toàn trị này nới lỏng kiểm soát, tôi không nghĩ là sẽ như vậy”, ông nói.

Ông Trần Sấm Sang nhận định chính quyền ông Tập Cận Bình có thể tạm nhượng bộ nới nỏng kiểm soát một thời gian nhằm đánh lừa người dân để khôi phục nền kinh tế, đồng thời trấn áp những người bị xác định là gây nguy hiểm cho chế độ. Nhưng nhìn chung ĐCSTQ đang không ngừng yếu thế từ trong nước đến bình diện quốc tế cũng như trong vấn đề Đài Loan.

Ông chia sẻ: “ĐCSTQ sẽ ngày càng gây tổn hại lợi ích của người dân hơn, tạo ra nhiều bất bình hơn trong công chúng, sau đó bất bình sẽ kéo theo bùng phát biểu tình bất ngờ ở những nơi mà chúng ta không thể lường tới. Hãy xem từ Cách mạng Giấy trắng đến Phong trào Pháo hoa, đều là những biến cố mà chúng ta không ngờ tới”.

“Nhưng chúng ta có chung một quan điểm là chính sách của ĐCSTQ sẽ ngày càng hại dân nhiều hơn, vì không xuất phát từ phục vụ nhân dân mà là tước đi quyền lợi của nhân dân. Mỗi biến cố phản kháng diễn ra là thúc đẩy người dân trở nên dũng cảm hơn trước. Bởi thứ nhất, người dân ngày càng kiệt quệ [bởi ĐCSTQ]; thứ hai, người dân thấy rằng hoạt động đối đầu có hiệu quả.”

Cùng quan điểm, chuyên gia về Trung Quốc là ông Hoành Hà (Heng He) cũng tin rằng người dân Trung Quốc đã nhìn thấy điểm yếu của ĐCSTQ thông qua Cách mạng Giấy trắng và Phong trào Pháo hoa. Tức là ĐCSTQ có thể bị đánh bại, ít nhất là có thể buộc phải nhượng bộ. Đây là điều mà nhiều năm qua ĐCSTQ đã cố gắng tránh gặp, nhưng cuối cùng lần này đã không thể tránh được.

Ông dự đoán rằng vấn đề nhạy cảm của Trung Quốc vào năm 2023 là nguy cơ nền kinh tế suy thoái gây bùng phát tình trạng thất nghiệp quy mô lớn. Ông lưu ý: “Cách mạng Giấy trắng có yêu cầu cơ bản là bỏ phong tỏa ‘Zero COVID’. Phong trào Pháo hoa thực chất là một cách trút giận và bày tỏ sự bất mãn với nhà cầm quyền ĐCSTQ, dù chưa đủ để trở thành phong trào. Triển vọng có thể nổ ra diễn biến nào tương tự thì chưa ai có thể đoán trước được, nếu có thể dự đoán được thì ĐCSTQ đã sớm có cách để ngăn chặn, vấn đề là ĐCSTQ không thể lường trước để mà ngăn chặn”.