“Thịnh vượng chung” là mong muốn tốt đẹp được Chính phủ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhấn mạnh trong nhiều năm qua, ông Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã liên tục đề cập đến lộ trình hiện thực hóa “thịnh vượng chung”, tuy nhiên số liệu thống kê mới nhất cho thấy thực tế Trung Quốc đang ngày càng xa vời viễn cảnh này. Trong bối cảnh tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao kỷ lục và tình trạng mất khả năng thanh toán nghiêm trọng của các công ty bất động sản lớn, khoảng cách giàu nghèo hiện nay của Trung Quốc đã tăng lên mức cao nhất kể từ kỷ lục vào năm 1985.

shutterstock 254728609
(Nguồn: Enrique Ramos/ Shutterstock)

Tờ Nikkei (Nhật Bản) dẫn số liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố chỉ ra khoảng cách thu nhập cá nhân ở khu vực thành thị Trung Quốc ngày càng lớn hơn, thu nhập của 20% hộ gia đình thành thị giàu nhất hiện gấp 6,3 lần thu nhập của những người nghèo nhất; hơn nữa khoảng cách giàu nghèo ngày càng rộng hơn khi thu nhập năm 2022 của 20% hộ giàu nhất gia tăng 4,5% so với năm 2021, ngược lại thu nhập của 20% hộ gia đình thành thị nghèo nhất chỉ tăng 1,3% so với năm 2021.

Tình hình ở khu vực nông thôn Trung Quốc thậm chí còn nghiêm trọng hơn, theo đó khoảng cách thu nhập giữa tầng lớp giàu nhất và nghèo nhất lên tới 9,2 lần. Báo cáo từ ngân hàng đầu tư Thụy Sĩ UBS và công ty con Credit Suisse cho thấy 1% dân số giàu nhất Trung Quốc hiện kiểm soát hơn 31% tài sản của đất nước. Phân tích chỉ ra rằng Trung Quốc đang phải đối mặt với vấn đề nợ khổng lồ, đây là một trong những nguyên nhân khiến khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng. Điều này là do các hộ gia đình giàu có và các công ty có tài sản khổng lồ có thể được hưởng lợi từ lãi suất do việc trì hoãn thanh toán nợ, trong khi người nghèo và các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ lại bất lực trước suy thoái kinh tế.

Các chuyên gia cũng chỉ ra, một lý do khác khiến khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng của Trung Quốc là do cách tiếp cận của Chính phủ Trung Quốc trong việc giải quyết tình trạng nghèo đói: chỉ khẩu hiệu suông. Tờ Nikkei phân tích, theo chính sách ‘Zero COVID’ của ông Tập Cận Bình trong 3 năm đại dịch COVID-19 gây làn sóng nhân viên trong ngành dịch vụ (như ăn uống, du lịch, giải trí…) hoặc mất việc hoặc giảm lương, hậu quả là tới tháng 6 năm nay tỷ lệ thanh niên Trung Quốc thất nghiệp đạt mức cao kỷ lục 21,3% (theo Cục Thống kê Quốc gia của ĐCSTQ công bố).

Bà Vương Thụy Cầm (Wang Ruiqin), người sáng lập Photon Media, người từng là Ủy viên Chính hiệp tỉnh Thanh Hải, thẳng thắn tuyên bố rằng Chính phủ Trung Quốc không hề ưu tiên cải thiện cuộc sống của người nghèo. Bà nói với VOA: “Ở Mỹ nếu bạn thất nghiệp, bạn sẽ được đưa vào mạng lưới bảo hộ của chính phủ. Nhưng ở Trung Quốc nếu bạn thất nghiệp, chẳng ai giúp đỡ bạn cả, cuộc sống của bạn ngày càng khó khăn hơn”.

Mặt khác, các doanh nghiệp nhà nước tại Trung Quốc thiếu các quy định tương tự như các doanh nghiệp ở các nước phát triển, lương của nhiều nhân viên doanh nghiệp nhà nước cao hơn nhiều so với nhân viên doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Theo dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố, vào năm 2021 mức lương trung bình hàng năm của nhân viên tại các đơn vị nhà nước ở thành thị Trung Quốc là 106.837 RMB (khoảng 347,7 triệu Việt Nam), ngược lại mức lương trung bình hàng năm của nhân viên khối tư nhân chỉ là 62.884 RMB (khoảng 204,6 triệu Việt Nam), chênh lệch giữa hai bên là 43.953 RMB (gấp 1,69 lần). Tuy nhiên đến năm 2022 thì chênh lệch lương trung bình hàng năm giữa nhân viên ở đơn vị công lập và đơn vị tư nhân tăng lên 48.792 RMB (gấp 1,74 lần) cho thấy khoảng cách thu nhập giữa hai bên lại nới rộng hơn.

Chuyên gia kinh tế độc lập Công Thắng Lợi (Gong Shengli) của Trung Quốc chỉ ra nhiều thứ không minh bạch là nguyên nhân quan trọng khiến khoảng cách giàu nghèo tại Trung Quốc ngày càng gia tăng: Các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc được Chính phủ hỗ trợ và đảm bảo thu nhập trong thời gian hạn hán và lũ lụt, trong khi thu nhập của nhân viên các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ bị biến động theo những biến động của tình hình kinh tế…

Năm 2021, báo cáo thường niên của Ngân hàng Thương mại Trung Quốc cho thấy tiền lương trả cho nhân viên là gần 60 tỷ RMB, lương trung bình hàng năm của nhân viên lên tới 650.000 RMB (trên 2,1 tỷ Việt Nam). Thực tế còn kinh khủng hơn khi báo cáo thường niên cũng cho thấy khoảng cách lương hàng năm thực sự giữa nhân viên cấp thấp và nhân viên cấp cao có thể rất lớn: Chủ tịch kiêm CEO Tian Huiyu có thu nhập trước thuế hàng năm là 4,198 triệu RMB, CEO Liu Jianjun và Wang Liang có thu nhập trước thuế hàng năm là 3,06 triệu RMB, một số phó chủ tịch và quản lý cấp cao khác có thu nhập trước thuế hàng năm hơn 3 triệu RMB…

Tuy nhiên, vì cái gọi là “thịnh vượng chung” nên trong vài năm qua nhà chức trách ĐCSTQ trấn áp xu thế “phô trương sự giàu có” để che đậy khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc. Ngay từ năm 2013, Chính phủ Trung Quốc đã cấm các đài truyền hình và đài phát thanh nhà nước phát sóng quảng cáo hàng xa xỉ. Năm 2021, mạng xã hội Douyin Trung Quốc đã xóa hơn 2800 video “phô trương giàu có”, theo đó trừng phạt gần 4.000 tài khoản. Vào năm ngoái Ngân hàng Đầu tư Trung Quốc (China Investment Bank) đã đưa ra thông báo nội bộ cho nhân viên, yêu cầu họ không bay ở hạng thương gia khi đi máy bay. Có thể thấy, những nhân viên khối công lập dù có thu nhập cao nhưng vì chính sách khiến họ buộc phải “cố gắng sống giản dị”, không để lộ liễu tiêu dùng sa xỉ.

Vợ của một CEO ở Tân Cương nói với VOA rằng công ty của chồng cô ở Tân Cương có 2.000 nhân viên và tài sản trị giá hàng tỷ RMB nhưng cuộc sống của cô rất đơn giản, khi đi ăn uống cùng các bạn hữu chỉ ở mức đạm bạc, chỉ thỉnh thoảng cần xã giao mới có những bữa tiệc thịnh soạn chút, thời gian rảnh rỗi cô đi tập gym, còn đi du lịch nước ngoài mỗi năm vài ba lần, hiện cô cũng hiếm khi chi hàng triệu USD vào những món đồ xa xỉ vì làm vậy bị mang tiếng khoe khoang giàu có.

Một bức tranh tương phản, ông Zhu Chengzhi sống ở thành phố Côn Minh tỉnh Vân Nam vốn là một nông dân nghèo, sau đó bỏ nghề làm ruộng để lên thành phố làm công nhân với thu nhập thấp, ông tiết kiệm tiền và trở thành chủ một doanh nghiệp nhỏ, kinh doanh kiếm được hơn 10.000 RMB mỗi tháng. Nhưng rồi thời gian tốt đẹp không kéo dài được bao lâu, sau vài năm dịch bệnh COVID-19 thì doanh nghiệp của ông bị phá sản, lúc đó ông đã ngoài 50 tuổi nên chỉ có thể làm nghề lái xe và kiếm được 3.000 RMB một tháng. May mắn là ông không phải trả tiền thuê nhà nên còn tạm đủ chi tiêu ở mức tiết kiệm. Ông nói với VOA rằng mặc dù ông có thể duy trì sinh kế nhưng cuộc sống luôn lo lắng: “Nếu tôi chỉ bị bệnh nhẹ thì không sao, nhưng nếu là bệnh nặng thì tôi có thể không đủ khả năng chi trả tiền viện. Ngay cả khi trước đây tôi kiếm được nhiều tiền hơn thì tôi cũng không dám mua sắm thứ gì cao cấp chứ đừng nói đến chuyện bây giờ. Thực ra, hoàn cảnh của tôi còn tốt, vì tôi biết nhiều người còn không dễ kiếm được 3000 RMB mỗi tháng”.

Ngày 17/8/2021, trong bài phát biểu tại kỳ họp lần thứ 10 của Ủy ban Kinh tế – Tài chính Trung ương, ông Tập Cận Bình đã đề xuất “Lịch trình Thịnh vượng Chung trong kỷ nguyên mới Chủ nghĩa Xã hội đặc sắc Trung Quốc”, theo đó chỉ ra “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14” đến năm 2025  là từng bước thu hẹp khoảng cách thu nhập của người dân, đến năm 2035 thực hiện được “bình đẳng các dịch vụ công cơ bản”, đến cuối thế kỷ 21 “chênh lệch thu nhập và tiêu dùng thực tế của người dân phải được thu hẹp ở ‘mức hợp lý’.”

Các nhà quan sát chỉ ra, những khẩu hiệu suông đó đầy bi hài trước những số liệu thể hiện bức tranh “tàn khốc” đầy vô tình về xã hội Trung Quốc, dữ liệu cho thấy hoàn toàn đi ngược lại cái gọi là “thịnh vượng chung” vì khoảng cách giàu – nghèo của Trung Quốc không những không thuyên giảm mà còn không ngừng nới rộng hơn.

Mộc Vệ (theo VOA)