“Tổ chức tương tự Gestapo” tại Trung Quốc bị điều tra
- Hoàng Vũ
- •
Gần đây, cơ quan chống tham nhũng Trung Quốc đã chỉ trích Phòng 610, một tổ chức tương tự như Gestapo của Đức Quốc Xã và Tổ Cách mạng Văn hóa Trung Quốc trước đây, do Ủy ban Chính trị Pháp luật và ông Giang Trạch Dân dựng lên vào ngày 10/6/1999 và trực tiếp điều hành.
Theo một báo cáo phản hồi cho biết, những nhà điều tra nội bộ của chính quyền Trung Quốc gần đây đã chỉ trích Phòng 610 vì “có sự lệch lạc trong việc học tập và thực hiện đầy đủ tinh thần thượng tôn pháp luật” – câu này của Đảng Cộng sản Trung Quốc có ý ám chỉ cơ quan này thực hiện hành vi bất hợp pháp, không tuân thủ lời kêu gọi của lãnh đạo Tập Cận Bình về quản lý trong sạch và thiếu tính “nhạy cảm chính trị”.
Phản hồi chính thức này là động thái mới nhất mà giới lãnh đạo Trung Quốc thực hiện đối với Phòng 610, có thể dẫn đến kết quả cuối cùng là khiến cơ quan này giải thể. Trong vài năm qua, Phòng 610 là mục tiêu của nhiều cuộc điều tra và các biến động chính trị, điều mà không ai tưởng tượng được dưới thời khi mà cơ quan này có quyền lực không bị kiểm soát do nhận được sự ưu ái từ cựu lãnh đạo Đảng Giang Trạch Dân.
Phòng 610 hay còn gọi là Hệ thống 610 hoặc “Tổ Phòng chống và Xử lý Tôn giáo X”, được thiết kế ra với mục đích chủ yếu là để tiêu diệt Pháp Luân Công – một môn khí công tu Phật từng phát triển rất mạnh ở Trung Quốc trước tháng 7/1999.
Hợp tác với công an Trung Quốc, đặc vụ của Phòng 610 đột nhập vào nhà những người tu Pháp Luân Công để lục soát và bắt người. Thẩm phán sẽ kết án những người tập thiền ôn hòa này dựa vào lời khai của một đặc vụ Phòng 610. Tại các cơ sở giam giữ, chính những đặc vụ này sẽ giám sát việc chuyển hóa tư tưởng của những người tập Pháp Luân Công – một quá trình đầy bạo lực đã giết chết ít nhất hàng ngàn người, theo một số liệu thống kê chưa đầy đủ.
Những người công khai phản đối tổ chức bí mật ngoài vòng pháp luật này đã bị trừng phạt dã man. Luật sư nhân quyền nổi tiếng Cao Trí Thịnh đã gọi Phòng 610 là một “tổ chức giống như Gestapo” và miêu tả chi tiết những tội ác của nó trong một bức thư gửi các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc vào tháng 5/2005. Ông đã phải đối mặt với sự quấy rối dữ dội ngay sau khi thư được gửi và cuối cùng đã bị bắt, giam giữ và tra tấn ba lần.
>> Thư của nhà văn New York: Cao Trí Thịnh – anh hùng trong những anh hùng
Ngày càng có nhiều chứng cớ cho thấy Phòng 610 đang gặp rắc rối được lan truyền khắp Trung Quốc thông qua những phản hồi đưa ra gần đây nhưng đòi hỏi phải được phân tích cẩn thận.
Từ khi ông Tập Cận Bình nắm quyền lãnh đạo Đảng, Phòng 610 phải đối mặt với nhiều trở ngại. Trong năm 2013, Giám đốc Phòng 610 Lý Đông Sinh đã trở thành mục tiêu trong chiến dịch “đả hổ”. Kể từ đó, lãnh đạo của tổ chức này đã thay đổi một cách thất thường. Vào tháng Bảy năm nay, cơ quan chống tham nhũng của Đảng đã chính thức công bố điều tra về Phòng 610 mà không cần nêu tên giám đốc của tổ chức này, đặt nghi vấn sâu hơn về lãnh đạo của nó.
>> Vén màn bí ẩn “Phòng 610” – Tổ chức Gestapo của Trung Quốc
Ông Hoạnh Hà (Heng He), một nhà phân tích chính trị Trung Quốc độc lập cho biết “hầu hết những lời chỉ trích Phòng 610 không khác nhau mấy so với các cơ quan nhà nước và các tổ chức đang bị điều tra”. “Tuy nhiên, ít nhất có một câu không bình thường: có sự lệch lạc trong việc học tập và thực hiện đầy đủ tinh thần thượng tôn pháp luật”.
Ngoài ra, ông này còn cho biết cơ quan chống tham nhũng của Trung Quốc đang để mắt đến các đặc quyền ngoài vòng pháp luật mà Phòng 610 được hưởng ngay từ khi mới thành lập – ngay cả trong nhiệm kỳ của cựu lãnh đạo Hồ Cẩm Đào, người kế nhiệm ông Giang Trạch Dân.
Ông Hoạnh Hà nói: “Việc tước đi quyền lợi và công khai phê bình Phòng 610 đã gửi đi một tín hiệu” rằng chính sách đàn áp Pháp Luân Công “có thể thay đổi trong tương lai”.
Một nhận định khác của nhà bình luận Lý Thiên Tiếu (Li Tianxiao) cho rằng “ông Tập Cận Bình đang trong quá trình giải quyết vấn đề Pháp Luân Công“. “Đây là loạt đạn mở đầu”.
Về nhận xét mới đối với Phòng 610, ông Lý cho biết nó có ý nói rằng các quan chức của phòng này đáng lẽ đã phải nhìn ra được sự thay đổi của ông Tập Cận Bình về vấn đề Pháp Luân Công trong những năm qua.
Theo Minghui.org, trung tâm thông tin về cuộc bức hại Pháp Luân Công, một năm sau khi nhận chức, ông Tập Cận Bình đã tuyên bố đóng cửa các trại lao động – nơi các học viên Pháp Luân Công chiếm từ 40 – 50% số lượng tại bất kỳ thời điểm nào sau khi cuộc đàn áp bắt đầu. Việc cải cách pháp lý vào tháng 5/2015 đã vô tình cho phép các học viên gửi đơn khiếu nại hình sự chống lại cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân. Đầu năm nay, ông Tập còn ủng hộ cách giải quyết nhẹ nhàng hơn khi xử lý vấn đề tôn giáo tín ngưỡng ở Trung Quốc: Cơ quan pháp lý và an ninh hàng đầu nước này đã tổ chức một cuộc họp cấp quốc gia, trong đó chủ đề về xét lại những sai lầm lịch sử đã được đem ra thảo luận.
Trong bối cảnh này, việc Phòng 610 tiếp tục tồn tại dường như đã trở thành một thứ lỗi thời và chính cuộc đàn áp đôi khi khiến người ta không lý giải được.
Thomas DuBois, một giáo sư nghiên cứu Trung Quốc hiện đại và tôn giáo tại Đại học Quốc gia Australia nói rằng chính sách của chế độ đối với Pháp Luân Công đã “khiến thanh danh của Trung Quốc bị ảnh hưởng rất lớn”.
Ông nói thêm: “Các nhà quan sát vẫn không chắc chắn được động thái chống lại Pháp Luân Công là nhằm đạt được điều gì”.
Hoàng Vũ
Xem thêm:
Từ khóa Tập Cận Bình Pháp Luân Công Giang Trạch Dân Phòng 610