Bất chấp những nỗ lực khuyến khích sinh con của Trung Quốc, thống kê dân số năm 2021 được công bố hôm thứ Hai (ngày 17/1) cho thấy số ca sinh mới giảm năm thứ 5 liên tiếp xuống mức thấp nhất kể từ năm 1949. Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học ngoài sức tưởng tượng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và cộng đồng quốc tế.

shutterstock 1237406830
(Nguồn: Shutterstock)

Chuyên gia: Dân số Trung Quốc về cơ bản không tăng trưởng

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc hôm thứ Hai công bố thông tin cho biết, 10,62 triệu trẻ được sinh ra ở nước này vào năm 2021, giảm so với 12,02 triệu trẻ vào năm 2020. Tỷ lệ sinh của Trung Quốc (số sinh trên 1.000 người) đạt mức thấp kỷ lục 7,52 vào năm 2021 so với 8,52 vào năm 2020. Điều này cho thấy rõ kết cấu dân số Trung Quốc đang đối mặt với thách thức.

Điều đáng chú ý là dân số mới sinh năm 2021 chỉ nhỉnh hơn một chút so với số tử vong (10,14 triệu). Đây là lần đầu tiên kể từ thời kỳ Đại nhảy vọt cách đây 60 năm, số người tử vong ở Trung Quốc đã tiệm cận với số trẻ mới sinh. Với tốc độ này, tổng dân số của Trung Quốc sẽ rất nhanh bắt đầu giảm. Tờ New York Times cho biết, đây là kết quả của “chính sách một con” và các điều kiện kinh tế, xã hội ngày càng khiến phụ nữ Trung Quốc trì hoãn hoặc từ bỏ việc sinh con hoàn toàn.

“Về cơ bản, ở một quốc gia có dân số đông như Trung Quốc, nếu khoảng cách giữa dân số mới sinh và tử vong chỉ là vài trăm ngàn, thì về cơ bản nó nằm trong khoảng tăng trưởng bằng không”, ông Hạ Á Phúc (He Yafu), một nhà nghiên cứu độc lập về dân số Trung Quốc, nói với The New York Times.

Ông cảnh báo, xu hướng này “không cách nào đảo ngược được”.

Dữ liệu công bố hôm thứ Hai cũng cho thấy tổng dân số Trung Quốc là 1,413 tỷ người vào cuối năm 2021, chỉ tăng 0,034% so với 1,412 tỷ người vào cuối năm 2020.

Tờ Wall Street Journal cho rằng điều này cho thấy ngày mà quy mô dân số Trung Quốc bắt đầu thu hẹp có thể sắp đến. Một số nhà phân tích tin rằng dân số Trung Quốc có thể đã đạt đỉnh.

Tờ New York Times nói rằng tỷ lệ sinh của Trung Quốc đã giảm năm thứ 5 liên tiếp, đưa quốc gia đông dân nhất thế giới đến gần thời điểm dân số bắt đầu giảm.

Dân số mới sinh tại Trung Quốc vào năm 2021 ở mức thấp nhất kể từ năm 1949, thậm chí còn thấp hơn năm 1961, khi mà chính sách Đại nhảy vọt của Mao Trạch Đông dẫn đến nạn đói và chết chóc trên diện rộng.

“Trung Quốc đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học ngoài sức tưởng tượng của chính quyền Trung Quốc và cộng đồng quốc tế,” tờ New York Times dẫn lời ông Dịch Phúc Hiền (Yi Fuxian), giáo sư tại Đại học Wisconsin-Madison. Từ lâu, ông Dịch vẫn luôn cho rằng giới lãnh đạo ĐCSTQ không báo cáo dữ liệu dân số thực tế.

Chính sách 3 con của ĐCSTQ rất khó đạt hiệu quả

Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu nới lỏng “chính sách một con” vào năm 2016 và thực hiện “chính sách ba con” vào năm 2021. Các chính quyền địa phương đã thử một số biện pháp, bao gồm thưởng tiền mặt và kéo dài thời gian nghỉ thai sản, thúc đẩy tỷ lệ sinh. Nhưng những biện pháp này dường như không có nhiều tác dụng, và tỷ lệ sinh tiếp tục giảm.

Các quan chức địa phương cũng tổ chức các hoạt động “coi mắt” để khuyến khích những người độc thân kết hôn. Nhưng số liệu chính thức mới nhất cho thấy đăng ký kết hôn ở Trung Quốc tiếp tục giảm trở lại trong 9 tháng đầu năm 2021. Tỷ lệ mất cân bằng giới tính nam nhiều nữ ít cũng là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ kết hôn ngày càng giảm.

Nhà kinh tế người Mỹ gốc Hoa Tạ Điền (Xie Tian) cho rằng ĐCSTQ cưỡng chế kiểm soát dân số thì dễ, nhưng muốn tăng dân số thì có thể không dễ dàng. Xu hướng đang thấy hiện nay là những người trẻ tuổi chỉ đơn giản là không muốn kết hôn hoặc sinh con. Chi phí nhà ở, chi phí giáo dục, chi phí chăm sóc trẻ em, chi phí y tế cộng lại chắc chắn sẽ khiến người ta ngần ngại khi muốn sinh thêm 2 con.

Ông Tạ Điền cũng nói với Epoch Times, vì sao những người trẻ tuổi Trung Quốc hiện nay lại “nằm ngửa” như vậy? Họ thấy lương của mình tăng chậm trong khi vật giá tăng mạnh, gần như không thể mua được nhà ở một thành phố hạng nhất. Điều này khiến họ cảm thấy không có tương lai và hy vọng. “Dù sao, tôi không thể đáp ứng yêu cầu để trở nên độc lập về tài chính, vì vậy tôi sẽ cứ ‘nằm ngửa’, chỉ cần có thể sống qua mỗi ngày, thì ‘nằm ngửa’ nghỉ ngơi là được.”

Ông Tạ Điền nói, những người theo đuổi việc “nằm ngửa” ngay cả ham muốn cuộc sống của cá nhân cũng không mạnh mẽ, thì họ càng không có khả năng sẽ “thành gia lập nghiệp”, và việc lập gia đình sinh con lại càng không thể.

Ông Thái Thận Khôn (Cai Shenkun), một nhà văn và là nhà bình luận độc lập tại Trung Quốc Đại Lục, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Epoch Times rằng tỷ lệ sinh của Trung Quốc đã giảm theo đường thẳng trong những năm gần đây. Nhìn bề ngoài, nguyên nhân là do thế hệ trẻ đã trì hoãn tuổi kết hôn, thậm chí không còn quan tâm đến việc sinh đẻ và nuôi dạy con cái do áp lực học hành, sinh hoạt và mua nhà. Nhưng ở mức độ sâu hơn, đó là hậu quả của chính sách kế hoạch hóa gia đình trong vài thập kỷ qua. Thế hệ trẻ sống trong thời đại không biết nên làm thế nào, họ đã mất đi niềm tin cơ bản vào tương lai. Đối với nhiều người, khi chi phí sinh con tăng lên, ngay cả khi các hạn chế về sinh được dỡ bỏ, mức độ sẵn sàng sinh con vẫn thấp.

Khủng hoảng dân số sẽ kéo nền kinh tế đi xuống, ĐCSTQ muốn đuổi kịp Mỹ lại càng khó khăn hơn

Tờ New York Times cho biết, dân số mới sinh giảm mạnh đã đẩy nhanh cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đang rình rập của Trung Quốc, trong khi các nhà kinh tế và nhân khẩu học đã cảnh báo điều này có thể ảnh hưởng đến sức sống kinh tế của đất nước và thậm chí cả sự ổn định chính trị.

Ông Dexter Tiff Roberts, thành viên cấp cao thuộc Chương trình ​​An ninh Châu Á của Hội đồng Đại Tây Dương tại Trung tâm Chiến lược và An ninh Scowcroft, đã công bố một bài báo có tiêu đề “Liệu Trung Quốc có thể phá bom hẹn giờ dân số?”. Trong bài báo của mình, ông đã trích dẫn dữ liệu điều tra dân số quốc gia lần thứ 7 của ĐCSTQ và phân tích những dữ liệu này cũng như các biện pháp ứng phó của ĐCSTQ.

Ông cho biết, ĐCSTQ đang phải đối mặt với một quả bom hẹn giờ về nhân khẩu học và sẽ ảnh hưởng đến sức mua của người dân Trung Quốc, năng suất và tăng trưởng kinh tế trong tương lai của Trung Quốc. Ông viết: “[Quả bom hẹn giờ tích cực này] thậm chí có thể gây nguy hiểm cho khả năng Trung Quốc vượt Mỹ về tổng sản phẩm quốc nội (GDP).”

Dữ liệu do ĐCSTQ công bố hôm thứ Hai cho thấy, tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên trong tổng dân số ở Trung Quốc đã tăng thêm vào năm 2021, từ 18,7% vào năm 2020 lên 18,9%. Số người trong độ tuổi lao động giảm sẽ dẫn đến tình trạng thiếu lao động, cản trở tăng trưởng kinh tế và giảm thu nhập từ thuế, dẫn đến các vấn đề về lương hưu.

Nhà kinh tế Tạ Điền giải thích rằng lực lượng lao động đang thu hẹp, trong khi tuổi thọ trung bình của người Trung Quốc đang tăng lên. Nếu dân số mới sinh giảm xuống, có nghĩa là sau khi nhiều người già nghỉ hưu, sẽ không còn đủ người trẻ để nuôi họ, và sẽ không có người trẻ tuổi để nộp lương hưu. Vì vậy, quỹ lương hưu có thể có xuất hiện vấn đề. Trừ khi ĐCSTQ tăng đáng kể phí bảo hiểm hưu trí. Nhưng đối với những người trẻ tuổi, họ đã rất lo lắng và bây giờ rất khó để thúc đẩy việc đóng thêm phí bảo hiểm.

BBC trước đó đã dẫn lời ông Dịch Phúc Hiền nói rằng vì vấn đề dân số, nền kinh tế Trung Quốc về cơ bản không cách nào vượt qua Mỹ. Ông cũng cho rằng khác với các nước phát triển, kinh tế Trung Quốc giống như một chiếc máy bay vẫn đang ở trên không, nhưng đột nhiên không đủ lao động giống như máy bay đột ngột hết nhiên liệu, đó sẽ là một thảm họa cho nền kinh tế Trung Quốc và thậm chí kinh tế thế giới.

Theo Lâm Nghiên, Epoch Times

Xem thêm: