Đầu tư, tiêu dùng, việc làm và các dữ liệu khác cho thấy nền kinh tế Trung Quốc không “ổn định và tốt hơn” như các quan chức nói. Báo cáo khảo sát cho thấy, niềm tin của các công ty nước ngoài vào triển vọng phát triển của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp kỷ lục.

shutterstock 1091997290
Ảnh chụp tại Cửu Giang, Trung Quốc, ngày 14/05/2022. Công nhân lắp ráp dây chuyền sản xuất quạt điện tự động hóa tại Emmett Electric Co LTD để xuất khẩu sang Hàn Quốc. (Ảnh: humphery / Shutterstock)

Số liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố đã khiến ngoại giới tin rằng nền kinh tế Trung Quốc không phải “tốt hơn” như các nhà chức trách quảng cáo, mà là “tồi tệ hơn”. Bộ ba đầu tư, tiêu dùng và xuất nhập khẩu gần như bị đình trệ hoàn toàn.

Cuộc khủng hoảng nợ bất động sản của Trung Quốc tiếp tục bùng phát với số nợ khổng lồ. Người tiêu dùng không có niềm tin và không muốn tiêu dùng. Thậm chí tất cả điều này dẫn đến một triển vọng kinh tế còn ảm đạm hơn cho Trung Quốc.

Số liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố ngày 15/9 cho thấy, trong tháng 8, hoạt động sản xuất sụt giảm tháng thứ 5 liên tiếp, tỷ lệ thất nghiệp được khảo sát tại thành thị trên toàn quốc đạt mức 5,2%. Điều đáng chú ý là dữ liệu về tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đã ngừng được công bố kể từ tháng 7.

Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng công bố số liệu mới nhất vào tuần trước, cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 8 giảm 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm tháng thứ 4 liên tiếp. Xuất khẩu giảm 14,5% so với cùng kỳ trong tháng 7, lập thành tích tồi tệ nhất kể từ tháng 2/2020.

The Wall Street Journal đưa tin, xuất khẩu vốn là động lực tăng trưởng kinh tế đáng tin cậy một thời, nay bị đình trệ không thể giảm bớt được tình trạng bất ổn kinh tế ngày càng sâu sắc của Trung Quốc.

Trong cuộc phỏng vấn gần đây với truyền thông, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva, kêu gọi Trung Quốc chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, tập trung thúc đẩy tiêu dùng trong nước, thay vì dựa vào đầu tư cơ sở hạ tầng và bất động sản dựa trên các khoản nợ.

Bà Georgieva dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế trung hạn của Trung Quốc sẽ dưới 4% nếu không thực hiện cải cách cơ cấu.

Ông Zack Cooper, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu doanh nghiệp Mỹ (AEI), viết trên Twitter rằng nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt với tình trạng trì trệ lâu dài, chứ không phải sụp đổ trong ngắn hạn.

Ông Cooper nói với Đài Á Châu Tự do rằng Trung Quốc đang mất đi động lực tăng trưởng kinh tế chính là đầu tư bất động sản.

Ông cho biết, các nhà lãnh đạo Bắc Kinh có thể cố gắng thúc đẩy tăng trưởng chất lượng cao hơn. Nhưng bản năng của họ trong những năm gần đây là cung cấp các khoản trợ cấp khổng lồ cho các doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả, đồng thời đẩy một số bộ phận sáng tạo nhất của nền kinh tế vào tình thế rủi ro.

Ông Riley Walters, chuyên gia về các vấn đề kinh tế quốc tế và an ninh quốc gia tại Viện Hudson, cơ quan tư vấn của Washington, phân tích rằng tình hình ngắn hạn của nền kinh tế Trung Quốc vẫn khó dự đoán, nhưng về lâu dài, tăng trưởng sẽ chậm lại.

Ông nói, so với các nền kinh tế phát triển hơn như Hoa Kỳ, nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc nhiều hơn vào đầu tư như một động lực tăng trưởng kinh tế. Hiện chúng ta đang chứng kiến ​​sự kết thúc của lợi nhuận từ các dự án đầu tư lớn, bao gồm cả bất động sản.

Ông Walters cho rằng nhìn chung, việc cắt giảm đầu tư và tiêu dùng sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái kinh tế của Trung Quốc. Ông nhận định, nợ cao và tăng trưởng thấp sẽ làm trầm trọng thêm sự trì trệ kinh tế của Trung Quốc.

Ông Walters lo ngại Bắc Kinh sẽ không thực hiện cải cách kinh tế, mà sẽ tăng gấp đôi nỗ lực xã hội hóa các bộ phận của nền kinh tế. Điều này sẽ càng làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa Bắc Kinh với khu vực tư nhân và các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Một cuộc khảo sát công bố ngày 19/9 cho thấy, địa chính trị và suy thoái kinh tế đang làm trầm trọng thêm tâm lý bi quan của các công ty nước ngoài tại Trung Quốc, đặc biệt là các công ty Mỹ. Đồng thời tỷ lệ các công ty lạc quan về triển vọng Trung Quốc trong 5 năm tới đã giảm xuống mức thấp kỷ lục.

Theo một cuộc khảo sát hàng năm do Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Thượng Hải công bố, mặc dù các hạn chế của Trung Quốc đối với đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) đã chấm dứt, nhưng nó vẫn sẽ tác động nghiêm trọng đến doanh thu và tâm lý của các công ty Mỹ được khảo sát vào năm 2022.

Theo khảo sát này khảo sát, trong 5 năm tới, tỷ lệ các công ty Mỹ lạc quan về triển vọng kinh doanh của Trung Quốc đã giảm xuống mức 52%.

Đây là mức độ tin cậy thấp nhất kể từ lần đầu tiên Phòng Thương mại Mỹ ở Thượng Hải công bố báo cáo thường niên về tình hình kinh doanh của Trung Quốc vào năm 1999.

Ông Sean Stein, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải, cho biết, nếu có điều khiến ông ngạc nhiên về cuộc khảo sát năm nay thì đó là những con số.

Ông nói, khi họ tiến hành cuộc khảo sát năm nay, nhiều người đã mất đi ảo tưởng rằng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục phục hồi sau đại dịch.

40% công ty hiện đang điều chỉnh, hoặc tìm cách điều chỉnh lại các khoản đầu tư dự kiến ​​ban đầu vào Trung Quốc, chủ yếu chuyển hướng sang Đông Nam Á. Tỷ lệ này cao hơn mức 34% của năm ngoái.

Một báo cáo được công ty nghiên cứu Rhodium Group công bố vào tuần trước cũng lặp lại những phát hiện tương tự. Báo cáo cho thấy Ấn Độ, Mexico, Việt Nam và Malaysia đang nhận được phần lớn khoản đầu tư chuyển hướng từ Trung Quốc từ các công ty Mỹ và châu Âu.