Các chuyên gia ước tính rằng các hạn chế di chuyển do chính quyền Trung Quốc thực thi nhằm ngăn chặn COVID-19 bùng phát khiến Trung Quốc tổn thất ít nhất 46 tỷ USD sản lượng kinh tế mỗi tháng, tương đương 3,1% GDP. Nếu nhiều thành phố tăng cường các biện pháp hạn chế, thì tác động của nó có thể tăng lên nhiều hơn nữa.

Embed from Getty Images

Một nhân viên quản lý giao thông trong bộ đồ phòng hộ đứng kiểm soát con đường hướng về Phố Đông, thành phố Thượng Hải, ngày 28/3/2022. (Ảnh: Getty)

Theo Bloomberg, nhà kinh tế Tống Tranh (Zheng Michael Song) của Đại học Trung văn Hồng Kông cho biết, các thành phố chiếm khoảng 20% ​​tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc hiện đang thực hiện các biện pháp phong tỏa có mục tiêu. Nếu những khu vực này buộc phải noi theo thành phố Thượng Hải và áp đặt những quy định “đóng cửa” chặt chẽ hơn, yêu cầu hầu hết cư dân phải ở nhà, thì chi phí đó sẽ tăng gấp đôi.

Ông Tống Tranh cho biết, biện pháp cứng nhắc của chính quyền Trung Quốc có nghĩa là “chi phí kinh tế của việc phong tỏa hiển nhiên cao hơn so với các nước khác”.

Ông nói thêm rằng ước tính thiệt hại là 3,1% GDP, tương đương 295 tỷ nhân dân tệ (khoảng 46,3 tỷ USD), đây là một “ước tính thận trọng“, bởi vì con số đó chưa tính thêm tác động của lạm phát. 

Các nhà nghiên cứu ước tính, chỉ riêng việc phong tỏa nghiêm ngặt ở Thượng Hải đã làm giảm 4% GDP thực tế của Trung Quốc. Nếu 4 thành phố lớn nhất của Trung Quốc cùng nhau tiến hành phong tỏa nghiêm ngặt, GDP toàn quốc được điều chỉnh theo lạm phát sẽ giảm 12% trong thời gian thành phố đóng cửa. Nếu tính cả ảnh hưởng của lạm phát toàn quốc và cả việc gián đoạn chuỗi cung ứng vào, thì mức ảnh hưởng sẽ còn nghiêm trọng hơn.

Các nhà nghiên cứu cho biết, trong trường hợp xấu nhất là tất cả các thành phố sẽ bị phong tỏa trong một tháng, thì sẽ làm giảm 53% GDP toàn quốc (Trung Quốc) trong khoảng thời gian đó.

Nghiên cứu này sử dụng dữ liệu định vị của gần 2 triệu xe tải, việc di chuyển của những xe tải này có độ tương quan lớn với hoạt động kinh tế của địa phương.

Ở Thượng Hải, đầu tháng này chính quyền bắt đầu thực thi phong tỏa có tính mục tiêu, nhưng không thể giảm số ca nhiễm. Bắt đầu từ thứ Hai (28/3), chính quyền thành phố đã ra lệnh cho một nửa dân số của thành phố phải thay phiên nhau ở nhà.

Số liệu vận tải đường bộ cho thấy, ngay cả trước khi “phong tỏa”, nửa thành phố bắt đầu vào thứ Hai, hoạt động kinh tế của Thượng Hải đã giảm 40% so với bình thường. Nếu cuối cùng Thượng Hải phải làm theo cách của Trường Xuân, tiến hành quản lý chặt chẽ hơn nữa, thì các hoạt động kinh tế có thể sẽ giảm hơn nữa.

Thành phố Trường Xuân thực hiện phong tỏa từ ngày 11/3. Các nhà nghiên cứu cho biết, theo dữ liệu vận tải đường bộ kể từ ngày phong tỏa, hoạt động kinh tế ở Trường Xuân đã sụt giảm hơn 66%.

Goldman Sachs ước tính các khu vực có nguy cơ bùng phát trung bình và cao ở Trung Quốc, bị hạn chế bởi một số hình thức phong tỏa, chiếm khoảng 33% GDP.

Nhóm nghiên cứu trước đó cho biết, việc Trung Quốc phong tỏa trong quý đầu tiên của năm 2020 đã khiến GDP thực tế giảm 19,4%, trong khi con số được chính quyền công bố là giảm 6,9%.